Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế: Mở rộng quyền lợi cho người dân

TÂM AN 27/06/2014 09:05

Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) với 82,73% đại biểu tán thành. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2015.
“Siết” vượt tuyến

Để tránh tình trạng quá tải cho tuyến trên, Luật BHXH sửa đổi đã thu hẹp quyền lợi của người bệnh vượt tuyến, trái tuyến. Tuy nhiên, bù lại là mở rộng quyền lợi, hỗ trợ cho các đối tượng chính sách. Nhằm giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng như người có công, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện bảo trợ xã hội…, nhất là những người mắc các bệnh nặng, bệnh mạn tính (chạy thận nhân tạo chu kỳ, ung thư, bệnh nội tiết,…) do không có khả năng chi trả cũng như tính phức tạp trong việc tổ chức thực hiện, Luật BHYT sửa đổi lần này quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT. Theo đó, BHYT bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ cận nghèo.

Luật BHYT sửa đổi quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT.Ảnh: T.A
Luật BHYT sửa đổi quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT.Ảnh: T.A

Luật cũng đã bổ sung quy định: Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh. Bổ sung quy định quỹ BHYT thanh toán trong các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Bởi, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với mọi đối tượng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì lợi ích, lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. Thế nhưng, trong điều kiện hiện nay, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì nhiều đối tượng khó lòng tham gia BHYT. Theo Luật BHYT hiện hành, người bệnh nghèo vẫn đồng chi trả 5% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, thực tế mức sống của người nghèo hiện nay quá thấp, không có khả năng chi trả khám bệnh, chữa bệnh, kể cả mức thấp nhất 5% trong tổng số tiền chi trả viện phí. Hơn nữa, thực tế người nghèo chủ yếu sống tập trung ở vùng sâu, vùng xa rất khó tiếp cận được các dịch vụ y tế. Mỗi lần ốm đau thì tiền tàu xe, ăn nghỉ để đến cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc trung ương chưa chắc đã đủ nên việc quy định 5% đồng chi trả đối với người nghèo để hạn chế lạm dụng quỹ BHYT là chưa thuyết phục. Cho nên, Luật BHYT sửa đổi bỏ điều khoản đồng chi trả 5% đã nhận được rất nhiều sự đồng tình từ phía người dân. Ông Nguyễn Văn Hai – Giám đốc Sở Y tế, Trưởng ban Dự án hỗ trợ y tế duyên hải Nam Trung Bộ phát biểu: “Cả nước hiện có khoảng hơn 70% dân số tham gia BHYT, trong đó chủ yếu là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc; riêng người có công, hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được ngân sách hỗ trợ... Số người mua BHYT tự nguyện còn rất hạn chế và thông thường đến khi có bệnh hoặc bị bệnh mạn tính mới chịu mua, gây thâm lạm quỹ BHYT. Do đó, để tiến tới BHYT toàn dân, cần có chính sách khuyến khích cụ thể. Bên cạnh bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh, cũng cần có giải pháp để nâng cao dịch vụ cho người bệnh BHYT chứ không thể phân biệt đối xử”.

Có giảm được tình trạng quá tải ở tuyến trên?

Thu hẹp quyền lợi người vượt tuyến, mở rộng đối tượng chính sách nhưng có thể hạn chế tình trạng quá tải bệnh viện hay không là điều đáng quan tâm. Điều đáng nói, theo Vụ BHYT (Bộ Y tế), việc sửa đổi Luật BHYT đồng hành với các đề án của Bộ Y tế, trong đó có đề án giảm tải bệnh viện. Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, sau 4 năm thực hiện Luật BHYT với quy định thanh toán cho bệnh nhân trái tuyến, tình trạng vượt tuyến tăng nhanh: từ 3 triệu lượt (2010) lên 9,5 triệu lượt (2011) và 11,6 triệu lượt (2012). Nhiều ý kiến từ các bệnh viện trên địa bàn Quảng Nam cho biết, do người bệnh nhẹ cũng đổ xô lên tuyến trên để khám chữa bệnh khiến nhiều bệnh viện quá tải. Thậm chí chỉ bị hắt hơi, sổ mũi cũng xin lên tuyến trên. Trong khi qua các đề án hỗ trợ, nhiều cơ sở y tế tuyến dưới đã được nâng cấp. Theo quy định hiện nay, bệnh nhân nội trú khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến được thanh toán 30% ở tuyến trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 70% ở tuyến huyện. Còn bệnh nhân ngoại trú cũng được thanh toán 30% ở tuyến trung ương. Trong khi đó, tình trạng bệnh nhân khám chữa bệnh ngoại trú đang là gánh nặng cho các bệnh viện tuyến trên, gây áp lực quá tải rất lớn. Vì vậy, điểm mới nổi bật trong sửa đổi Luật BHYT là giảm mức thanh toán cho diện bệnh nhân ngoại trú chỉ còn 20% thay vì 30% như hiện hành đã khiến không chỉ người bệnh mà các bệnh viện cũng hài lòng. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì mức giảm thanh toán cho bệnh nhân ngoại trú xuống còn 20% vẫn chưa giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Lý do là mức thanh toán này chưa tạo ra áp lực tài chính với người bệnh. Trong khi rất nhiều bệnh đơn thuần các cơ sở tuyến dưới chữa được lại vắng bệnh nhân, tạo ra sự lãng phí.

TÂM AN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế: Mở rộng quyền lợi cho người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO