Chính phủ vừa ban hành Nghị định 117/2016/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Những điểm mới của nghị định này là: nâng mức lương cao nhất của người làm công tác cơ yếu bằng mức lương của cấp bậc quân hàm Trung tướng (quy định hiện hành tại Nghị định 204 là bằng với hàm Thiếu tướng). Nghị định mới quy định về thời hạn xét nâng lương của cấp bậc quân hàm/cấp bậc hàm đối với cấp Tướng, cấp Tá và Đại úy là 4 năm; đối với Thượng úy là 3 năm. Ngoài ra, nghị định bổ sung vào ghi chú của đối tượng áp dụng bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước. Chẳng hạn, đối với viên chức đang xếp lương ở chức danh giảng viên cao cấp được bổ nhiệm chức danh giáo sư thì được thực hiện xếp lương lên 1 bậc trên liền kề từ ngày được bổ nhiệm chức danh giáo sư, thời gian xét nâng bậc lương lần sau kể từ ngày giữ bậc lương cũ đối với trường hợp chưa xếp bậc cuối cùng của chức danh giảng viên cao cấp. Trường hợp đã xếp bậc cuối cùng của chức danh giảng viên cao cấp thì được cộng thêm 3 năm để tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư. Nghị định 117 bãi bỏ quy định về thang, bậc lương của chức danh giáo sư quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định 141/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học 2012. Đồng thời hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) quy định tại Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này và các tổ chức được thành lập mới theo quy định của pháp luật. Đồng thời quy định bổ sung hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với tổ chức sự nghiệp thuộc Cục thuộc Bộ. Nghị định 117 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.9.2016.
P.LÂM