Sức bật mới

TRƯƠNG HUYNH 12/08/2015 10:09

Nhiệm kỳ 2010 - 2015 là chặng đường đánh dấu sự phát triển kinh tế ở huyện Nam Trà My với những tín hiệu lạc quan. Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong huyện đã biết phát huy những tiềm năng sẵn có, đồng thời tranh thủ mọi sự hỗ trợ từ bên ngoài để thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định đời sống xã hội.

Huyện Nam Trà My đã cơ bản giải quyết bài toán an ninh lương thực tại chỗ từ việc mở rộng diện tích đất trồng lúa nước. Ảnh: HOÀNG THỌ
Huyện Nam Trà My đã cơ bản giải quyết bài toán an ninh lương thực tại chỗ từ việc mở rộng diện tích đất trồng lúa nước. Ảnh: HOÀNG THỌ

Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên địa bàn huyện Nam Trà My đạt gần 10%. So với năm 2010, tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp từ 16,3% tăng lên 17,5%; thương mại - dịch vụ từ 6,78% tăng lên 33,6%; nông - lâm nghiệp từ 74,6% giảm còn 48,9%. Chính sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế đã giúp cho thu nhập của người dân tăng lên đáng kể, góp phần giảm nhanh tỷ lệ nghèo đói trên địa bàn huyện với mức bình quân mỗi năm hơn 4,2%.

Khai thác tiềm năng

Trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế ở Nam Trà My, việc đầu tiên địa phương chú trọng là vận động nhân dân tăng cường công tác khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích đất trồng lúa nước để giải quyết bài toán an ninh lương thực tại chỗ. Trong 5 năm qua, nông dân toàn huyện đã khai hoang mới 84ha ruộng lúa nước, nâng tổng diện tích đất cấy lúa lên 486ha. Nam Trà My cũng đã xây dựng 28 công trình thủy lợi, phục vụ tưới cho gần 50% diện tích đất nông nghiệp. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt hàng năm đạt 4.416 tấn, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đói kinh niên, đói giáp hạt trong nhân dân.

Là địa bàn miền núi với đa số diện tích đất có lợi thế phát triển nông - lâm nghiệp nên huyện Nam Trà My đã tập trung vận động đồng bào các dân tộc đẩy mạnh phát triển kinh tế theo mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Trọng tâm là phát triển những loại cây trồng đem về nguồn lợi lớn như chuối mốc, rau xanh, sâm nam và các loại cây nguyên liệu như quế, keo, sao đen, bời lời đỏ. Cạnh đó công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nhân dân những năm gần đây tiếp tục có những đổi thay tích cực. Bà con ở các làng nóc đã biết chọn lựa loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và đem lại hiệu quả kinh tế cao để phát triển. Cùng với đầu tư trồng trọt, công tác chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được đồng bào huyện Nam Trà My phát triển đều khắp. Thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi, chương trình hỗ trợ giống vật nuôi, bà con người Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông đã tranh thủ tổ chức chăn nuôi theo hướng hiện đại và loại bỏ dần tập tục chăn thả rông. Thống kê đến giữa năm 2015, tổng đàn gia súc huyện Nam Trà My có 867 con trâu, 1.562 bò, 7.490 heo, 798 con dê. Trên địa bàn Nam Trà My cũng đã xuất hiện 25 trang trại và hàng trăm gia trại cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó có những hộ đã trở thành tỷ phú.

Thu hút đầu tư

“Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đòi hỏi phải có sự đoàn kết, đồng lòng trong đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong huyện. Phải biết tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững… để tiếp tục tạo ra bước đột phá trong các thành phần kinh tế. Cạnh đó, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cũng là yêu cầu cấp thiết để đưa kinh tế - xã hội của Nam Trà My phát triển không ngừng. (Bí thư Huyện ủy Nam Trà My Nguyễn Thanh Tòng)

Giai đoạn 2015 - 2020, huyện Nam Trà My đề ra mục tiêu giảm mỗi năm 6 - 8% số hộ nghèo để đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn khoảng 22 - 32% (theo chuẩn hiện nay). Để làm được điều này, ngoài việc khai thác tiềm năng, thế mạnh tại chỗ, Nam Trà My cũng đang chú trọng công tác kêu gọi đầu tư từ bên ngoài. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến địa phương xây dựng cơ sở, nhà máy sản xuất, chế biến sản phẩm dược liệu, nguyên liệu để đưa công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển. Nam Trà My cũng hướng đến việc tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ, thân thiện với môi trường để khai thác tiềm năng sẵn có. Trên địa bàn huyện hiện có 23 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực xây dựng, khai thác, chế biến lâm - nông sản, với hơn 300 lao động. Ngoài ra có 280 hộ kinh doanh thương mại - dịch vụ, số lao động tham gia lĩnh vực thương nghiệp hơn 460 người, tăng 2,5 lần so với năm 2010.

Riêng với cây sâm Ngọc Linh, chủ trương của huyện là tạo mọi điều kiện thuận lợi cũng như cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp tham gia trồng sâm. Tỉnh cũng đã phê duyệt đề án cho thuê đất dưới tán rừng ở vùng núi Nam Trà My để các doanh nghiệp vào trồng sâm Ngọc Linh, hy vọng sắp tới đây bộ mặt kinh tế của huyện sẽ có bước đột phá lớn. “Chúng tôi nhận thấy rằng, lâu nay do không thu hút được đầu tư xã hội vào huyện nên kinh tế chậm phát triển, tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác để làm giàu cho quê hương mà cụ thể là cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Chính vì thế trong 5 năm đến việc xúc tiến kêu gọi đầu tư là một nhiệm vụ quan trọng mà chúng tôi xác định cần phải thực hiện sớm để nhanh chóng thay đổi diện mạo quê hương Nam Trà My” - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, ông Hồ Quang Bửu nói.

Với sự đoàn kết, sáng tạo, biết nhìn nhận những tồn tại cũng như tranh thủ thời cơ, Đảng bộ, chính quyền Nam Trà My đang quyết tâm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh. Từ đây sẽ giải quyết bài toán đói nghèo trong nhân dân và thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Nam Trà My phát triển bền vững.

TRƯƠNG HUYNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sức bật mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO