Sức bật mới cho nông nghiệp Đông Giang

CÔNG TÚ 24/05/2016 10:00

Với nhiều đề án, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp đầy khả thi, hy vọng huyện Đông Giang sẽ tạo nên sức bật mới đối với các loại cây trồng, con vật nuôi, nâng cao đời sống cho người dân…

Cải thiện năng suất cây trồng

Cây chuối mà đồng bào dân tộc thiểu số ở Đông Giang trồng và chăm sóc theo truyền thống đã “đổi đời” gần 4 năm nay. Nhờ đề án phát triển cây chuối hàng hóa được HĐND huyện thông qua tháng 8.2012, loại cây ăn quả này trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực, giúp nhiều gia đình thoát cảnh nghèo đói. Một lão nông ở xã Za Hung bảo rằng, ông trồng 1ha chuối mốc,  thu hoạch đạt 20 tấn/năm, bán được hơn 30 triệu đồng. “Nhờ nó, tôi có thêm thu nhập để cải thiện bữa ăn, mua vật dụng sinh hoạt, sắm áo quần cho con đi học đầy đủ hơn trước nhiều” - lão nông này phấn khởi nói. Ở xã Ba, các hộ dân tham gia mô hình trồng chuối lùn cấy mô trên diện tích 2ha, với khoảng 3.500 cây. Sau 9 tháng trồng và chăm sóc, tỷ lệ cây sống đạt 98%, thu hoạch đạt 80 triệu đồng/ha. Trừ các chi phí, nông dân lãi ròng hơn 20 triệu đồng. Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NN&PTNT huyện Đông Giang - ông Phan Hữu Thành cho hay, toàn huyện có 715ha chuối gồm chuối mốc, chuối lùn, chuối tiêu, chuối cau… đem lại cho bà con nông dân nguồn thu 25 - 30 triệu đồng/ha. Qua tìm hiểu, năng suất chuối có thể tăng cao hơn nhiều, nếu bà con nông dân thâm canh đúng mức.

Quá trình trồng, thâm canh cây chuối ở Đông Giang sẽ được ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ảnh: C.T
Quá trình trồng, thâm canh cây chuối ở Đông Giang sẽ được ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ảnh: C.T

Sau nhiều năm, Đông Giang sở hữu hơn 14.000ha rừng trồng song năng suất rừng keo nguyên liệu chỉ mới đạt 50 - 70 tấn/ha, thấp hơn khoảng gần một nửa so với những địa phương bạn. Để khắc phục điều đó, UBND huyện sẽ ban hành kế hoạch tập trung cải tạo, nâng cao chất lượng rừng trồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Hồ Quang Minh cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, địa phương tập trung trồng mới 3.000ha trên diện tích đất trống và đất nương rẫy sản xuất kém hiệu quả nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế nguyên liệu giấy bao tiêu sản phẩm. “Chúng tôi sẽ cải tạo chất lượng rừng trồng bằng các loại giống keo cấy mô, keo hạt có xuất xứ từ Úc và keo lai hom. Giai đoạn đầu phấn đấu thay đổi khoảng 30 - 50% diện tích là đạt yêu cầu” - ông Minh nói. Ở vùng cao này, chính quyền cũng đã tìm ra hướng đi mới cho cây mây. Đề án phát triển trồng mây nguyên liệu dưới tán rừng đến năm 2020 đang triển khai trên thực địa là ví dụ điển hình. Qua tập huấn, đồng bào thuần thục mô hình “người dân hướng dẫn tại chỗ cho người dân” nên đã nhân rộng ra được 500ha. Dự kiến 5 năm sau sẽ có thêm 600ha mây trồng dưới tán rừng, hiện thực hóa mục tiêu giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân và bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái.

Tạo sức bật mới

“Giai đoạn 2016 - 2020, chúng tôi sẽ chú trọng tăng cường đội ngũ khuyến nông, khuyến lâm về cơ sở để hướng dẫn cho địa phương về kỹ thuật sản xuất, cách phòng chống có hiệu quả các loại dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm. Vận động nhân dân mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại, khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai để sản xuất… Địa phương cũng mong muốn UBND tỉnh có cơ chế để phát triển rừng trồng và cây dưới tán rừng; tăng mức hỗ trợ suất đầu tư cho miền núi hiện còn thấp”.
(Ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang)

Để tạo sức bật mới cho sản xuất nông nghiệp, cuối tháng 5.2016, UBND huyện Đông Giang tiếp tục ban hành kế hoạch áp dụng khoa học công nghệ cho các cây, con chủ lực. Mục tiêu là đầu tư nguồn lực để ứng dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, thâm canh tăng năng suất, chất lượng. Cây keo, cây mây, cây chuối, cây bắp, cây ớt, cây chè dây, cây dược liệu… sẽ tiếp tục được khoanh nuôi và trồng mới với quy mô trang trại, gia trại. Cho biết thêm về “đầu vào” cây bắp, ông Phan Hữu Thành cho hay, những chân ruộng lúa nước bấp bênh, không hiệu quả đành phải… nhường đất cho cây bắp”. Lúa rẫy cũng sẽ giảm dần diện tích để dành chỗ trồng keo, cây dược liệu. Tại xã Tư, cây chè dây đã trồng mới nhiều héc ta. Cạnh đó, đồng bào còn trực tiếp khoanh nuôi, bảo vệ trong những khu đất rừng sau nương rẫy. Cùng với “ớt a riêu Ma Cooih”, huyện đã hoàn tất các thủ tục để gửi cấp có thẩm quyền đăng ký chứng nhận “chè dây Ra Zéh” là nhãn hiệu tập thể độc quyền. Sinh trưởng trên mảnh đất các xã Jơ Ngây, Ma Cooih hay Kà Dăng, lòn bon bản địa đang tiếp tục được cơ quan chuyên môn khảo nghiệm, tác động bằng kỹ thuật để cải thiện chất lượng với khoảng gần 30ha. Nếu thành công, loại cây phần lớn phân bố dưới tán rừng cho quả to hơn, ngọt hơn sẽ có cơ hội nhân rộng.

Ngoài cây trồng, lĩnh vực chăn nuôi cũng là thế mạnh mà huyện vùng cao Đông Giang đặt nhiều kỳ vọng. Trong đó, chăn nuôi bò sẽ là hướng đột phá thúc đẩy nông nghiệp phát triển, cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, bò địa phương có vóc dáng nhỏ, tỷ lệ thịt lại thấp nên chủ trương của huyện là từng bước cải tạo đàn bò theo phương thức “Zêbu hóa”. Vẫn thuộc lĩnh vực chăn nuôi, trang trại nuôi heo gia công tập trung chắc chắn sẽ “mọc” thêm. Bởi qua thực tế, mô hình này của một hộ tư nhân triển khai bước đầu tại xã Ba với 2.000 con cho thấy rất khả quan. Theo ông Hồ Quang Minh, thành công ấy đã mở ra hướng phát triển mới cho ngành chăn nuôi của huyện nhà. Dự kiến giai đoạn 2016 - 2020, trang trại nuôi heo “nhân bản” sẽ đi vào hoạt động với quy mô 6 - 10 nghìn con tại thôn Phú Bảo (xã Ba) và thôn Điềm (xã Tư). “Trong tháng 9 năm nay, chúng tôi sẽ trình HĐND huyện để thông qua đề án phát triển nông nghiệp bền vững, giai đoạn 2016 - 2020. Nhiều cây, con thuộc diện “quy hoạch” tiếp tục khoanh nuôi, trồng mới. Nguồn lực đầu tư, đầu ra cho sản phẩm cũng có sự tính toán cụ thể, sát với thực tế” - Hồ Quang Minh cho hay.

Có thể thấy, Đông Giang đã và đang tìm được hướng đi mới cho ngành nông nghiệp, vừa nâng cao số lượng vừa đảm bảo chất lượng đầu ra. Lãnh đạo địa phương cho rằng, sản xuất nông nghiệp hiện nay phải tính toán chọn cây, con gì mang đặc trưng bản địa, an toàn để nhân rộng nhằm mang lại chuỗi giá trị gia tăng cao. Muốn thoát đói giảm nghèo bền vững, huyện đặt ra những đích đến khá rõ ràng, dựa trên cơ sở thực tiễn với sự trợ lực của các ngành chức năng và cơ quan chuyên môn. Đồng thời lãnh đạo huyện cũng mong muốn UBND tỉnh và các ngành chức năng hỗ trợ xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp lên vùng cao hợp tác làm ăn. Bởi nơi đây đã xây dựng nên vùng chuyên canh, mở “nút thắt” về chất lượng giống đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Trước mắt, trong khả năng của mình, huyện chỉ mới hình thành được một số tổ hợp tác và một hợp tác xã làm “bà đỡ” cho nông dân.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sức bật mới cho nông nghiệp Đông Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO