Võ cổ truyền Quảng Nam tuy đạt được những kết quả tích cực song vẫn rất cần một sức bật mới để giúp phong trào tạo ra bước phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian đến.
Chuyển biến tích cực
Võ cổ truyền vốn có truyền thống lâu đời và phát triển mạnh mẽ trên mảnh đất Quảng Nam với nhiều võ đường nổi tiếng như Hồ Tấn, Tuấn Nghĩa (Tam Kỳ), Kỳ Sơn (Hội An), Long Xà, Hoàng Vũ Phái (Điện Bàn)…
Phát huy truyền thống và với tinh thần võ đạo, thời gian qua môn võ này tiếp tục có những bước chuyển biến tích cực. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 68 võ đường, CLB với gần 1.300 võ sinh tập luyện thường xuyên tại 12 huyện, thị xã, thành phố, trong đó một số địa phương có số lượng CLB nhiều như Điện Bàn (20), Tam Kỳ (11), Hội An (6), Duy Xuyên, Quế Sơn (5).
Do nguyên nhân khách quan, Đại hội Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Nam lần thứ III (nhiệm kỳ 2022 - 2027) đến tháng 3 năm nay mới có thể tổ chức. Đại hội đã bầu ông Trần Hữu Ngữ tiếp tục giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh. Hy vọng, ban chấp hành nhiệm kỳ mới sẽ tạo ra sức bật mới cho phong trào phát triển.
Ngay cả huyện miền núi Hiệp Đức cũng có phong trào khá mạnh với 4 CLB hoạt động sôi nổi. Trong đó, CLB Võ cổ truyền huyện Hiệp Đức được thành lập năm 1993 và theo thời gian đã có sự phát triển và để lại nhiều dấu ấn.
Theo võ sư Phan Phước Hoài - Chủ nhiệm CLB, tuy thuộc địa bàn khó khăn song CLB luôn duy trì khoảng 30 võ sinh tập luyện thường xuyên, giúp có được lực lượng nòng cốt để tham gia các giải đấu.
Đặc biệt, trong 10 năm qua với sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo địa phương, CLB đã 10 lần tổ chức võ đài Hiệp Đức mở rộng nhân dịp đầu năm mới, thu hút tổng cộng hơn 300 võ sĩ trong và ngoài tỉnh (đến từ Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Quảng Trị) thượng đài.
Qua đó, tạo cơ hội cho vận động viên trong tỉnh cọ xát, động viên phong trào phát triển và phục vụ nhu cầu thưởng thức môn võ truyền thống dân tộc của người dân.
Góp phần hỗ trợ phong trào có sự đồng hành của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Nam. Có thể thấy, với sự ra đời của liên đoàn (được thành lập năm 2012), các huấn luyện viên, võ sinh tại võ đường, CLB có điều kiện nâng cao trình độ qua các lớp tập huấn chuyên môn, các kỳ thi nâng đai, đẳng.
Chỉ tính giai đoạn năm 2017 - 2022, đã có 4 khóa tập huấn chuyên môn cho gần 250 lượt học viên là huấn luyện viên và 8 kỳ nâng đai, đẳng với hơn 1.000 võ sinh tham gia. Cạnh đó, liên đoàn tích cực phối hợp với ngành TD-TT trong tham gia các hoạt động của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam như tham gia tập huấn, giới thiệu lực lượng tham gia các giải đấu toàn quốc…
Cần sức bật mới
Tạo được những dấu ấn trong thời gian qua, song với môn võ truyền thống có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời và rộng khắp trên địa bàn tỉnh, rõ ràng chừng đó vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và cần một sức bật mới để tạo bước đột phá trong tương lai. Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Nam cũng thừa nhận “ảnh hưởng của Võ thuật cổ truyền trong đời sống xã hội hiện nay chưa thu hút sự quan tâm như các môn võ khác”.
Từ đó, dù bình diện chung cả tỉnh có phát triển nhưng ở những khía cạnh hẹp hơn lại có bước thụt lùi, chẳng hạn như đến nay 6 huyện còn “trắng” phong trào, đặc biệt huyện Tây Giang phong trào không còn hoạt động hay ở Hội An Chi hội võ thuật thành phố phải giải tán vì hoạt động không hiệu quả.
Trong khi đó, các lớp tập huấn chuyên môn, các kỳ thi nâng đai, đẳng được tổ chức sôi nổi nhưng giải đấu cấp tỉnh nhằm tạo điều kiện cho vận động viên cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn lại quá ít. Kể từ năm 2017 đến nay, liên đoàn phối hợp với địa phương chỉ tổ chức được giải trẻ lần thứ I tại Điện Bàn (năm 2018) và giải vô địch Lễ hội bà Thu Bồn lần thứ I tại Duy Xuyên (năm 2019).
Có truyền thống lâu đời và phong trào rộng lớn, song những năm qua Võ cổ truyền có phần “lép vế” so với một số môn võ khác trên địa bàn tỉnh. Bởi vậy, Đại hội Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2022 - 2027 được xem là dịp để có thể mang lại sức bật mới cho phong trào trong giai đoạn tới.
Với mục tiêu tiếp tục xây dựng, phát triển mạnh phong trào và tổ chức liên đoàn, tăng cường công tác chuyên môn, ban chấp hành nhiệm kỳ mới đề ra nhiệm vụ hàng năm tổ chức ít nhất 2 võ đài cấp tỉnh, 3 võ đài cấp huyện và CLB; tạo điều kiện cho các CLB tham gia thi đấu giao lưu trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, tổ chức tốt các kỳ thi nâng đai, đẳng, tập huấn chuyên môn.