Hoạt động của các cấp Hội Nông dân thị xã Điện Bàn nhiệm kỳ 2018 - 2023 chuyển biến sâu rộng, tạo sức bật để nhiều phong trào lan tỏa trong cộng đồng; hội viên khẳng định vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Sức bật mới
Gắn hoạt động với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhiệm kỳ qua, cán bộ, hội viên Hội Nông dân (HND) thị xã Điện Bàn tiếp tục thể hiện tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt khó khăn để hướng tới thành công.
“Cả 10 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu HND thị xã lần thứ IX (2018 - 2023) đều đạt và vượt kế hoạch là minh chứng tiêu biểu cho kết quả đạt được. Các phong trào thi đua phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, nội dung và phương thức hoạt động luôn được đổi mới, nhiều phong trào có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Nông dân đã khẳng định vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh (ĐTVM); giúp nhau giảm nghèo hiệu quả; tích cực chăm lo an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh” - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Điện Bàn, Trần Hải Vân chia sẻ.
Xác định xây dựng NTM, ĐTVM là nhiệm vụ trọng tâm, HND các cấp ở Điện Bàn đã tuyên truyền, vận động nông dân tham gia làm mới đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, bê tông hóa kênh mương.
Các mô hình “Tổ nông dân giúp nhau di dời tường rào vật kiến trúc để làm đường giao thông”, “Tổ nông dân cải tạo vườn tạp”, “Tổ nông dân tự quản môi trường” tiếp tục được duy trì.
Ông Nguyễn Chánh Thiện - Chủ tịch HND thị xã Điện Bàn nói, đơn vị ký kết phối hợp với Mặt trận và các tổ chức hội triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể; chỉ đạo HND cơ sở đảm nhận ít nhất 1 tiêu chí xây dựng NTM, ĐTVM, khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Về với Điện Bàn hôm nay, dễ dàng nhận thấy cánh đồng canh tác lúa bằng phẳng, cây trái tốt tươi, khang trang diện mạo khu dân cư đô thị. Những con đường được mở rộng từ “ý Đảng lòng dân” thông thoáng, cây xanh phủ bóng mát, ven tuyến “tô điểm” bởi hoa khoe sắc.
Ông Nguyễn Chánh Thiện cho biết, nhiệm kỳ qua, hội viên nông dân tiến hành cải tạo và chỉnh trang hơn 3.000ha đất lúa (dồn điền đổi thửa hơn 1.000ha); đóng góp hơn 30 tỷ đồng, 21.300 ngày công lao động, hiến hơn 30ha đất lúa và đất vườn để mở đường nông thôn và nội đồng.
Cùng với đó, hơn 10.000 hộ đã tháo dỡ, di dời tường rào, cổng ngõ, xây mới hơn 500 cổng chào tại thôn, khối phố. HND thị xã còn phát động 20 xã/phường xây dựng được 100 “Tuyến đường chi hội nông dân tự quản kiểu mẫu”; hướng dẫn xây dựng 139 vườn mẫu với diện tích hơn 7ha, cải tạo hơn 1.600ha vườn tạp; nhân rộng vườn kinh tế kết hợp với chăn nuôi, trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả, rau màu thực phẩm cho giá trị cao.
Nông dân cùng thi đua
Ông Trần Hải Vân cho biết, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ HND tỉnh, Ban Thường vụ Thị ủy Điện Bàn, sự phối hợp chặt chẽ của UBND, Mặt trận cùng các ban ngành và đoàn thể ở thị xã đã tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua trong nông dân.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được đổi mới, nâng cao chất lượng. Triển khai thực hiện “Đề án tái cơ cấu nông nghiệp Điện Bàn theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, “Đề án phát triển bền vững ngành nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và phát triển đô thị Điện Bàn”, hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng cánh đồng chuyên canh có quy mô lớn, áp dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học, cơ giới hóa các khâu trong sản xuất, thu hoạch hơn 95% diện tích.
Tại thôn Thái Cẩm (xã Điện Tiến), năm 2015, ông Trần Văn Lộc tận dụng diện tích mặt nước của dòng sông Bình Phước để nuôi cá lồng bè. Nhờ được tập huấn kỹ thuật nuôi trồng và học hỏi qua thực tế, cùng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Lộc đã phát triển lên 20 lồng thả nuôi các loại cá diêu hồng, trắm cỏ, cá lăng, trê lai và ếch. Mỗi năm, lão nông này cung cấp ra thị trường hàng chục tấn cá và ếch thành phẩm.
Ông Nguyễn Chánh Thiện cho biết, Điện Bàn có hơn 660 mô hình kinh tế gia trại, trang trại chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp, cho thu nhập từ 400 - 800 triệu đồng/năm. Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh đem lại giá trị hơn 110 triệu/ha/năm. Nhờ đó, cơ cấu lao động nông thôn từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 68 triệu đồng/năm.
Thống kê 5 năm qua, toàn thị xã Điện Bàn có 12.313 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; đạt tỷ lệ 50,4% so với tổng số hộ đăng ký (đạt 114% so với chỉ tiêu nghị quyết). Trong đó, cấp trung ương 29 hộ; cấp tỉnh 461 hộ; cấp thị xã 2.500 hộ.
Theo ông Nguyễn Chánh Thiện, điều đáng phấn khởi là phong trào đã tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu; trở thành điểm sáng trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn. Từ đây, hội viên nông dân đã giúp cho 222 hộ nghèo, cận nghèo được thoát nghèo bền vững với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng (đạt 111 % so chỉ tiêu nghị quyết), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thị xã đến cuối năm 2022 còn 0,78%.