Là địa phương miền núi duy nhất của huyện Quế Sơn, thời gian qua cán bộ và nhân dân xã Quế Phong không ngừng nỗ lực vượt khó, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
Nông thôn đổi mới
Ông Lê Hồng Nhân - Trưởng thôn An Long (xã Quế Phong) cho biết, từ khi thực hiện mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu, diện mạo của thôn có nhiều khởi sắc. Thôn được hỗ trợ lắp đặt 1,5km đường điện chiếu sáng công cộng với kinh phí 40 triệu đồng. Ngoài tuyến đường trục chính đang được mở rộng với chiều dài 3,1km và mặt đường rộng 6m, đến nay toàn thôn bê tông hóa hơn 3,7km đường ngõ xóm... Hiện nay, UBND xã Quế Phong đang hỗ trợ 26 hộ dân trong thôn xây mới và chỉnh trang vườn mẫu với số tiền gần 120 triệu đồng.
Đáng ghi nhận, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân thôn An Long tích cực đóng góp tiền của, ngày công và hiến hơn 15.000m2 đất để xây dựng NTM. Hơn 60% hộ dân trong thôn chủ động đầu tư xây dựng tường rào cổng ngõ, chỉnh trang vườn nhà sạch đẹp và 23 hộ dân tự giác di dời chuồng trại ra xa nhà ở.
Trong 5 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn huy động, xã Quế Phong đầu tư hơn 31,4 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM. Đến nay, xã hoàn thành 12/19 tiêu chí và phấn đấu đến năm 2023 được công nhận đạt chuẩn NTM.
“Đến nay, thôn An Long đạt 6/10 tiêu chí xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/năm. Hơn 75% các tuyến đường giao thông được bê tông hóa, 100% đường ngõ xóm có hệ thống điện chiếu sáng”- ông Nhân nói.
Theo ông Nguyễn Văn Thượng - cán bộ chuyên trách NTM xã Quế Phong, trong 5 năm qua, nhờ linh hoạt huy động và lồng ghép nhiều nguồn vốn, địa phương đã nhựa hóa, kiên cố hóa thêm 2,2km đường trục xã, liên xã và 6,6km đường thôn xóm. Xây mới 4 cây cầu gồm cầu Vôi, cầu Đồng Cốn, cầu Ông Tờ, cầu Khe Rách. Mở rộng nút giao thông vào đầu cầu Gia Hội, đầu tư mới cống Ngõ Công ở thôn Thuận Long. Xây dựng 5 nhà văn hóa thôn, 6 sân bóng chuyền, 6 công trình vệ sinh tại các nhà văn hóa thôn. Xây mới nhà đa năng trường THCS, trường tiểu học, khu hiệu bộ trường mẫu giáo; sửa chữa 10 phòng học, sân chơi, bãi tập, bếp ăn, khu vui chơi trẻ em… với tổng kinh phí hơn 24 tỷ đồng.
Cạnh đó, mạng lưới đường dây điện trên địa bàn xã được thay thế, mở rộng đến các thôn với kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Địa phương cũng đã đầu tư hệ thống điện chiếu sáng từ trung tâm xã đến các khu vực lân cận với chiều dài 4,6km. Đặc biệt, những năm qua mô hình thắp sáng đường quê được nhân rộng ở các tổ dân cư góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Riêng trong năm 2019, Mặt trận xã cùng nhân dân nâng cấp, sửa chữa, bắt mới 21,6km đường dây điện và lắp đặt 432 bóng đèn với kinh phí 138 triệu đồng.
Nâng cao thu nhập cho người dân
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Quế Phong cho biết, địa phương là xã miền núi duy nhất của huyện Quế Sơn, người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp nên còn nhiều khó khăn. Do đó, khi thực hiện chương trình NTM, xã tập trung xây dựng các phương án phát triển kinh tế. Quế Phong có 305ha đất lúa; trong 5 năm qua, xã đã kiên cố hóa thêm 10,3km kênh mương nhằm đảm bảo nguồn nước tưới. Cùng với đó, tích cực hướng dẫn nhà nông áp dụng rộng rãi các gói kỹ thuật canh tác tiên tiến và đưa nhiều loại giống mới vào gieo sạ. Vụ đông xuân vừa qua, năng suất lúa bình quân toàn xã đạt hơn 53 tạ/ha, tăng hơn 8 tạ/ha so với năm 2015.
“Từ năm 2016 đến nay, chính quyền hỗ trợ hơn 600 triệu đồng để triển khai và nhân rộng các mô hình trồng đậu phụng xen sắn, trồng bưởi da xanh, trồng cây đinh lăng, chăn nuôi bò sinh sản cùng nhiều mô hình tổng hợp vườn - ao - chuồng - rừng... nhằm nâng cao thu nhập cho người dân” - ông Sơn cho hay.
Những năm qua, người dân Quế Phong còn tận dụng lợi thế đất gò đồi để phát triển mạnh kinh tế rừng. Hiện toàn xã có hơn 800ha rừng keo nguyên liệu, mỗi năm người dân khai thác khoảng 180ha và thu về hơn 12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Quế Phong còn chú trọng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Theo thống kê, trên địa bàn xã có 55 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với các ngành nghề như cơ khí, mộc dân dụng, may mặc… và 35 hộ kinh doanh buôn bán, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 200 lao động với mức thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng.
“Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chỉ còn 5,01%, giảm hơn 10% so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/năm, tăng 24 triệu đồng so với cách đây 5 năm” - ông Sơn thông tin thêm.