Vùng đông nam huyện Thăng Bình đang có 10 dự án đầu tư đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí. Nhiều dự án khác cũng sẽ được đầu tư trong tương lai.
Nhiều dự án lớn
Sau Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An của Công ty CP Vinpearl đi vào hoạt động từ năm 2018, dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (985ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD) dự kiến đi vào hoạt động trong quý I.2020. Công ty CP Tập đoàn BRG đang đầu tư 5 dự án thương mại, dịch vụ, nghỉ dưỡng, vui chơi, thể thao ở 2 xã Bình Hải, Bình Đào với tổng diện tích lên đến 369ha. Đến nay, chủ đầu tư đã nộp tiền trồng rừng thay thế đối với 68,23ha rừng phòng hộ bị ảnh hưởng. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án là 452 hộ được chủ đầu tư phối hợp với UBND huyện Thăng Bình để bố trí tái định cư với khoảng 1.130 lô. Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, khu tái định cư ven sông Bình Hải, các khu tái định cư ven biển bắc và nam Bình Hải đã được phê duyệt quy hoạch và đang triển khai xây dựng có thể đáp ứng được nhu cầu tái định cư cho số hộ dân kể trên.
Ở xã Bình Minh, dự án Khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC của Công ty CP Quốc tế Nam Hội An có diện tích đăng ký đầu tư 174,7ha, tổng vốn đăng ký đầu tư là 4.300 tỷ đồng. Trong khi chờ giải quyết các thủ tục liên quan để triển khai dự án, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương bàn giao Công ty CP Quốc tế Nam Hội An và UBND xã Bình Minh quản lý hiện trạng, quỹ đất... Dự án Thành phố giáo dục quốc tế Nam Hội An cũng sẽ được đầu tư trên địa bàn các xã Bình Minh, Bình Dương, Bình Đào với diện tích 41ha. Hiện nay, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500. Ở xã Bình Dương, dự án Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương của Công ty CP Đạt Phương có diện tích đăng ký đầu tư 183,87ha. Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam của Công ty CP Tập đoàn T&T trên địa bàn xã Bình Dương có diện tích 278ha. Hiện nay chủ đầu tư dự án đang triển khai lập quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 và đã thực hiện ký quỹ đảm bảo đầu tư để thực hiện dự án. UBND huyện Thăng Bình kỳ vọng các dự án quy mô lớn sẽ tiếp tục giải quyết nhiều việc làm cho người dân địa phương, qua đó tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ.
Thuận lợi phát triển
Về việc nạo vét sông Trường Giang, trước đây Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đã lập hồ sơ dự án đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách Trung ương. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, do Trung ương không bố trí được nguồn vốn thực hiện nên UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành tiếp tục theo dõi, xúc tiến các nguồn khác từ nguồn vốn vay ODA hoặc vốn Trung ương để thực hiện trong thời gian đến.
Dự án Khu tái định cư ven biển Bình Dương thuộc dự án tổng thể sắp xếp dân cư phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai vùng ven biển Quảng Nam được UBND tỉnh phê duyệt, giao Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 228,16ha, đã được Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào năm 2010, phê duyệt điều chỉnh năm 2012. Hiện nay, theo chủ trương của tỉnh về việc bàn giao các dự án thành phần của dự án tổng thể sắp xếp dân cư ven biển, Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam (Công ty Kỳ Hà) được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư Khu tái định cư ven biển Bình Dương (giai đoạn 1) để phục vụ giải phóng mặt bằng dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An với quy mô khoảng 100ha. Đến nay đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng được khoảng 11,5ha và đã đầu tư xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật được khoảng 3ha. Phần diện tích còn lại, UBND huyện Thăng Bình cho biết đang phối hợp với Sở Xây dựng rà soát, điều chỉnh quy hoạch và phối hợp với Công ty Kỳ Hà để tiếp tục triển khai thực hiện khẩn trương trong thời gian đến, nhanh chóng bố trí tái định cư cho người dân.
Người dân vùng đông Thăng Bình đang mong mỏi tỉnh đầu tư cầu vượt sông Trường Giang tại thôn Tây Giang (xã Bình Sa) đi Bình Hải và xây dựng cầu Bình Nam do đã xuống cấp. Về mong mỏi này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Việt Cường cho biết, tỉnh đã quy hoạch bổ sung 13 tuyến đường ngang nối từ đường 129 (nay là đường Võ Chí Công) đến đường dọc bờ biển; trong đó, có tuyến đường đi qua các cầu nêu trên. Do vậy, việc đầu tư xây dựng các cầu này là phù hợp quy hoạch. Trước mắt, UBND huyện Thăng Bình kiểm tra, có giải pháp sửa chữa cầu Bình Nam để bảo đảm giao thông, phục vụ nhân dân đi lại. Sở Kế hoạch - đầu tư nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh bố trí nguồn vốn hỗ trợ Thăng Bình thực hiện cầu vượt sông Trường Giang sau năm 2020 để triển khai.