(QNO) - Những ngày gần đây, Greenland nhận được sự chú ý đặc biệt khi có tin cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump có ý mua hòn đảo lớn nhất thế giới này.
Cuối tuần qua, Greenland bác bỏ ý tưởng mua đảo của ông Trump khi Bộ trưởng Ngoại giao của Greenland Ane Lone Bagger nói với Reuters: “Chúng tôi mở cửa làm ăn kinh doanh, nhưng chúng tôi không bán đất”.
Còn trên trang xã hội Twitter, cựu Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen viết: “Đây chắc hẳn là trò đùa Cá tháng Tư. Hoàn toàn không đúng thời điểm”.
Tuy vậy, được biết Đan Mạch từng bán lãnh thổ của mình cho Mỹ. Đó là vào năm 1917, Đan Mạch bán hết các đảo Tây Ấn cho Mỹ với giá 25 triệu USD. Mỹ sau đó đổi tên thành quần đảo Virgin (Mỹ). Một hiệp ước quốc phòng giữa Đan Mạch và Mỹ có từ năm 1951 trao cho quân đội Mỹ một số quyền đối với căn cứ không quân Thule ở bắc Greenland.
Greenland xinh đẹp có diện tích khoảng 2,12 triệu kilomet vuông với 82% bề mặt bao phủ bởi băng, là một xứ tự trị thuộc Đan Mạch. Như vậy, chưa đầy 20% diện tích của còn lại là nơi sinh sống của 56.000 người dân của đảo. Trong đó, chỉ có 17.000 người sống ở Nuuk - một trong những thành phố thủ đô nhỏ nhất thế giới. Nuuk có nhiệt độ trung bình -3,5C và tháng 3 là tháng lạnh nhất trong năm.
Các nhà khoa học cho biết, biến đổi khí hậu đang khiến nhiều mảng băng lớn tại Greenland tan chảy với tốc độ chóng mặt, gấp 6 lần so với những năm 80 của thế kỷ trước. Chỉ tính riêng trong tháng 7 nắng nóng kỷ lục vừa qua, Greenland mất 160 tỷ tấn băng, càng khiến cho mực nước biển dâng cao hơn.
Tuy nhiên, Greenland sở hữu vị trí địa lý ngày càng có ý nghĩa chiến lược bởi tình trạng băng tan giúp mở ra những tuyến đường vận tải biển mới ở Bắc Cực. Hơn nữa, ngoài tài nguyên thiên nhiên của hòn đảo, dưới lớp băng tan đó được cho rất phong phú khoáng sản như than, kẽm, đồng và quặng sắt. Do đó, hòn đảo này đang thu hút sự chú ý từ các siêu cường quốc toàn cầu bao gồm Trung Quốc, Nga, Mỹ.
Đến nay, thu nhập của người dân trên đảo Greenland chủ yếu vào việc đánh bắt cá nhưng họ có mức sống rất cao. Ảnh hưởng của Đan Mạch có thể được nhìn thấy trong kiến trúc Greenland.
Nền kinh tế Greenland phụ thuộc vào xuất khẩu tôm và cá. Cá chiếm hơn 90% xuất khẩu của đảo. Greenland đồng thời cũng nhận khoản trợ cấp đáng kể từ Chính phủ Đan Mạch, như khoảng 535 triệu USD vào năm 2017.
Tiêu dùng nội địa và du lịch cũng đang góp phần tăng trưởng GDP cho Greenland nhiều hơn những năm trước. Du lịch ở Greenland tăng trưởng hàng năm khoảng 20% trong năm 2015 và 2016, phần lớn là kết quả của việc tăng số lượng các tuyến du lịch hoạt động ở vùng biển phía tây và phía nam của Greenland trong mùa cao điểm du lịch hè.
Nằm ở phía tây đảo Greenland, khu săn bắn Aasivissuit-Nipisat có diện tích hơn 4.000km2 - nơi lưu trữ nhiều di tích của các tập quán săn bắn động vật đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2018.