Cuối tuần qua, tôi có dịp đi xem trận chung kết giải bóng đá chào mừng ngày hội Quốc phòng toàn dân của phường Hòa Hương (TP.Tam Kỳ). Khu Văn hóa - thể thao của phường nằm ven sông Tam Kỳ thật đẹp nhưng chưa được đầu tư nhiều nên sân bãi còn có phần nhếch nhác, bụi bay đầy trời mỗi khi các cầu thủ tranh bóng. Thế nhưng trận đấu diễn ra sôi nổi, các cầu thủ thi đấu hăng say dưới sự cổ vũ nhiệt tình của khá đông khán giả. Cũng có đàn ca sáo thổi, kèn trống liên tục được các cổ động viên gióng lên, tất cả tạo nên một không khí lễ hội sôi động. Một cổ động viên ở khối phố Hương Sơn cho biết, mỗi năm người dân nơi đây tốn kém mấy tạ lúa cho đội bóng nhưng ai nấy đều rất vui lòng tạm gác công việc đồng áng để đi ủng hộ.
Bóng đá làng luôn sôi nổi, cuốn hút người xem.Ảnh: A.NHI |
Bóng đá làng luôn có sức sống mãnh liệt mà nếu ai chứng kiến mới cảm nhận hết được. Đó là thứ bóng đá không quyến rũ về mặt chuyên môn, thậm chí kỹ thuật còn vụng về nhưng chính sự quyết liệt lôi cuốn người xem. Bởi vậy, có những người chưa bao giờ đến sân Tam Kỳ xem các trận đấu tại V-League hay các giải bóng đá quốc gia nhưng lại không bao giờ bỏ sót trận đấu nào của đội bóng khối phố mình. Thế nên, không ngạc nhiên khi các “cổ động viên” lại đi xem giải bóng đá phường Hòa Hương trong lúc các trận đấu của đội U21 Quảng Nam tại vòng loại giải Bóng đá U21 quốc gia năm 2014 đang diễn ra tại sân Tam Kỳ. So sánh bóng đá làng với V-League hay bóng đá trẻ có phần khập khiễng nhưng rõ ràng, nhìn những khán đài khang trang trống trơn khán giả trong khi sân bãi làng đầy bụi nhưng lại chật kín người xem để lại nhiều điều phải suy nghĩ.
Những ngày qua, khi V-League hạ màn cũng là lúc các giải bóng đá cấp huyện, xã, phường trên địa bàn tỉnh được tổ chức khá sôi nổi. Không chỉ đem lại niềm vui cho người dân mà giải bóng đá của những huyện như Thăng Bình, Phú Ninh, Quế Sơn còn tạo ra nguồn thu đáng kể cho địa phương qua việc bán vé vào sân (một mùa giải mỗi huyện thu cả trăm triệu đồng). Tạm gác lại những nỗi buồn của bóng đá chuyên nghiệp nước nhà, người hâm mộ tìm niềm vui nơi bóng đá làng và họ đã được đền đáp. So với bóng đá làng, có những thứ mà bóng đá chuyên nghiệp không có như sự nhiệt tình, không tính toán và điều quan trọng nhất là cầu thủ thi đấu hết mình vì “màu cờ sắc áo”.
Một vị lãnh đạo địa phương nọ quá chán ngán sau khi chứng kiến nhiều sự việc không hay của bóng đá chuyên nghiệp trong khi bóng đá làng lại sôi nổi và thu hút nhiều người xem nên trong một cuộc họp đã phát biểu rằng, tỉnh nhà nên để tiền ngân sách nuôi đội bóng chuyển sang đầu tư cho bóng đá phong trào. Có thể có nhiều ý kiến trái ngược trước đề nghị này nhưng ở một khía cạnh nào đó, rõ ràng bóng đá làng tạo được niềm tin nơi khán giả và thật sự là hoạt động giải trí phục vụ người dân đúng nghĩa hơn.
AN NHI