Dự báo, sau dịch bệnh và thiên tai, sự cạnh tranh giữa các điểm đến sẽ diễn ra gay gắt nhằm kéo khách du lịch quay lại. Trong đó, sản phẩm, dịch vụ được xem là yếu tố cạnh tranh giữa các địa phương. Vậy, Quảng Nam đã và đang làm gì trong cuộc chạy đua khó khăn này?
1. Cuối tháng 9, một nhóm gồm 10 chủ đầu tư các resort, khách sạn, nhà hàng trên trục đường Nguyễn Phan Vinh, dọc bãi biển Tân Thành (phường Cẩm An, Hội An) cùng nhau ngồi lại, bàn bạc cho ra mắt một sản phẩm lần đầu tiên xuất hiện ở Quảng Nam, đó là “Chợ phiên làng chài Tân Thành” (diễn ra vào thứ 7 hằng tuần). Ý tưởng ban đầu chỉ là nơi giao lưu, mua bán các đồ dùng còn thừa, thực phẩm, đồ uống đã mua mà không dùng đến bởi dịch Covid -19...
Sự kiện ngay lập tức nhận được sự quan tâm vào cuộc của Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và TP.Hội An. Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, phiên chợ đã tạo nên một điểm đến văn hóa mới lạ, gắn với du lịch biển, góp phần hút khách tới Hội An, đồng thời cũng giúp giãn khách ra xa trung tâm phố cổ.
Với gần 100 gian hàng, chủ yếu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ tự làm, đồ cũ, đặc sản địa phương, dịch vụ, ẩm thực… gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao, âm nhạc đường phố, giao lưu tiếng Anh, đặc biệt là các show diễn mini đến từ công viên Ấn tượng Hội An và những màn trình diễn áo dài của nhà may Miss Hội An đã làm nên sắc màu hấp dẫn cho chợ phiên Tân Thành.
Theo bà Phạm Thị Hải Nguyên - chủ đầu tư khách sạn Sea’Lavie Boutique Resort &Spa Hội An, tài nguyên là hữu hạn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh thường xuyên xảy ra, ngành du lịch “chết lâm sàng” như hiện nay thì việc sáng tạo những sản phẩm độc đáo có thể thu hút khách là cần thiết. Thực tế, trong 2 phiên chợ đầu tiên, rất nhiều du khách tìm đến thưởng lãm, qua đó minh chứng cho sức hút của sản phẩm du lịch mới lạ.
2. Trong đợt mưa lũ đầu tuần qua, một lượng khách Việt Nam và người nước ngoài đã tới Hội An chỉ để… xem lũ lụt và trải nghiệm cảm giác đi thuyền tham quan phố cổ. Sau khi trải nghiệm tour khám phá phố cổ bằng thuyền, nhiều du khách cho biết rất thích thú với loại hình du lịch độc đáo này.
“Khi tôi ngồi trên thuyền nhỏ, nhẹ nhàng len qua từng con phố, ngắm những ngôi nhà ngập nước, một cảm giác rất khác lạ, bình yên trong tôi, phố lúc đó rất quyến rũ và đẹp vô cùng” - chị Hồ Thanh Phương, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ. Thậm chí, một vài du khách nước ngoài còn dí dỏm ví tham quan phố cổ Hội An mùa lụt bằng thuyền giống như đang du lịch thành phố Venice (Ý).
Thật ra, ý tưởng xây dựng sản phẩm du lịch mùa lụt tại Hội An đã được đưa ra thảo luận gần 10 năm trước với nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh sự đồng tình, hưởng ứng của doanh nghiệp thì một số cơ quan quản lý nhà nước tỏ ra lo ngại về sự an toàn của loại hình du lịch này. Dù vậy, như một sự mặc định ngầm, không cấm nhưng không khuyến khích, mỗi khi đến mùa mưa lũ Hội An lại rộn ràng đón đưa du khách tham quan những ngóc ngách phố cổ bằng thuyền.
3. Có thể khẳng định, sức hút của một điểm đến chính là sản phẩm du lịch khác biệt. Từ khoảng 15 năm trước Hội An đã nổi tiếng với hàng loạt sản phẩm mới lạ như cưỡi trâu, làm nông, dạy nấu ăn hay tái hiện không gian phố cổ những năm đầu thế kỷ XX…, tất cả được du khách đón nhận nhiệt thành. Tuy nhiên, theo thời gian các sản phẩm dần trở nên bão hòa, nhàm chán, trong khi rất ít sản phẩm du lịch mới xuất hiện, thay thế dẫn đến sức cạnh tranh điểm đến du lịch Quảng Nam yếu so với các địa phương trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ.
Ông Nguyễn Sơn Thủy - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, ngoài làm mới các sản phẩm hiện có, thì việc xây dựng sản phẩm khác biệt là cần thiết nhằm tạo sức hút cho điểm đến Quảng Nam. Cụ thể, phải nhanh chóng hiện thực mục tiêu mở rộng không gian du lịch ra xa di sản phố cổ, lan tỏa đến các khu vực gần như Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, tiếp đến là phía nam và phía tây của tỉnh dựa trên những tiềm năng, lợi thế từng nơi như du lịch nông nghiệp, làng quê, làng nghề, kể cả du lịch mạo hiểm, du lịch chữa bệnh…
Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, việc xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch phải do doanh nghiệp thực hiện, Nhà nước chỉ ban hành cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát huy sự sáng tạo của mình, nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp, nhằm cùng hướng tới mục tiêu thúc đẩy du lịch Quảng Nam phát triển.