Sức hút của trò chơi dân gian

LÊ HIỀN 09/11/2014 07:18

Thời gian gần đây, TP.Hội An đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng chất lượng sản phẩm du lịch, trong đó có các trò chơi dân gian. Sức hút du khách rất lớn song tiếc là các trò chơi lại chưa được duy trì thường xuyên.

Du khách tham gia múa sạp trên đường phố.                                                                                                                            Ảnh: L.HIỀN
Du khách tham gia múa sạp trên đường phố. Ảnh: L.HIỀN

Du khách nhập cuộc

Dù đã nhiều lần đến Hội An nhưng du khách vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của phố cổ cũng như các hoạt động cộng đồng, trò chơi dân gian được ngành chức năng địa phương tổ chức. Không đợi đến “Đêm phố cổ” hàng tháng, giờ đây, tối nào Trung tâm VH-TT thành phố cũng tổ chức trò hô hát bài chòi, thu hút đông đảo du khách tham gia. Hoạt động này đã trở thành “món ăn” tinh thần, là điểm hẹn của khách thập phương và cả người dân bản địa. Được dịch sang tiếng Anh nên du khách hiểu thể lệ và háo hức tham gia, reo vui khi dành được phần thưởng từ cuộc chơi. Bà Françoise Anne, du khách người Pháp chia sẻ: “Lần đầu đến Hội An tôi thấy thật ấn tượng. Các bạn đã cho tôi cảm nhận một phần về văn hóa Việt Nam thông qua trò chơi này. Phần thưởng chiếc đèn lồng màu đỏ sẽ là kỷ vật mà tôi sẽ mang về nước tặng cho người bạn thân của tôi…”.

Không chỉ có bài chòi, Trung tâm VH-TT Hội An còn tổ chức điểm vui chơi “Bịt mắt đập nồi” tại công viên Kazic trên đường Trần Phú. Với chiếc mặt nạ kín bưng và một chiếc đòn tay nhỏ, du khách hồi hộp lần từng bước, dò dẫm, vung gậy đập nồi. Mọi người vây quanh bên ngoài cổ vũ, gợi ý cho người chơi xác định hướng đập nồi. “Trước khi chơi, nhìn những chiếc nồi đất nhỏ bé, treo lủng lẳng mình nghĩ sẽ dễ dàng đập trúng nhưng ngược lại, khi đeo mặt nạ vào, không thấy đường nào nữa. Nghe mọi người nói bên trái, bên phải, đập đi thì mình vung tay đập ngay, hên xui thôi. Trò chơi này vui thật. Người đứng ngoài cười ồ lên khi mình đập trật chiếc nồi. Thật hồi hộp” -  Nguyễn Quỳnh Hương, du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh nói. Với mục đích tạo sân chơi cho du khách nên giá mỗi lần chơi “bịt mắt đập nồi” chỉ với 5.000 đồng/lượt. Người đập trúng, nồi đất bị vỡ tung tóe sẽ được tặng một chiếc đèn lồng hoặc một túi xách nhỏ đề dòng chữ “Hội An”.

Cần chung tay thực hiện

Đến Hội An, nhất là vào dịp lễ hội, tết nhứt, du khách được hòa mình trong không gian các hoạt động du lịch cộng đồng. Từ trò chơi nhảy sạp vui nhộn, bịt mắt đập nồi, thi đẩy gậy... đến đua thuyền ngang truyền thống, gấp lá dừa, lô tô đều được địa phương tổ chức. Nhiều du khách nước ngoài rất tò mò, hiếu kỳ, tham gia ngay khi hiểu “luật” chơi. Họ đã xua tan sự lạ lẫm, sẵn sàng nhập cuộc, cùng hòa mình vào những bước nhảy theo điệu nhạc. Những khi có lễ hội, hàng loạt trò chơi dân gian đã được địa phương tổ chức ngay trên đường phố, vỉa hè. Người dân và du khách có thể tham gia rất nhiều hoạt động cộng đồng, nhất là các trò chơi dân gian, trong đó, thi đẩy gậy giờ đã trở thành môn thể thao thu hút đông đảo người xem. Xoay quanh vòng đấu, nhiều du khách nước ngoài đã nhanh chóng hiểu luật chơi cũng như bí quyết để giành chiến thắng.

Hô hát bài chòi được tổ chức hàng đêm tại phố cổ.
Hô hát bài chòi được tổ chức hàng đêm tại phố cổ.

Gần đây, việc mở rộng không gian du lịch cũng là cơ hội để người dân Hội An tổ chức và hưởng lợi từ các hoạt động du lịch cộng đồng. Ngay tại Hói Lăng, xã Cẩm Thanh, có trò thi lắc thúng chai, hoặc hát bả trạo khi thăm thú rừng dừa Bảy Mẫu. Đặc biệt, Trung tâm VH-TT Hội An còn mở thêm tour “thử tài chuốt gốm” dành du khách là trẻ em khi đến thăm làng gốm Thanh Hà. Với hoạt động này, khi du lịch ở Hội An, trẻ em có thể trải nghiệm làm gốm cùng với người dân bản địa, tạo cho các em những khám phá về nghề gốm truyền thống của Việt Nam. Bên cạnh đó, trong các sự kiện giao lưu, biểu diễn tại các thành phố kết nghĩa ở nước Đức hoặc giao lưu văn hóa với Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia…, Hội An đều chọn trò chơi bài chòi như một sản phẩm độc đáo, “con bài đinh” để địa phương “mang chuông đi đánh xứ người”, giới thiệu văn hóa đặc trưng tới bạn bè quốc tế.

Theo ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An, việc tổ chức các trò chơi dân gian gắn kết với hoạt động du lịch cộng đồng dù góp phần đem đến cho du khách những cảm nhận khác nhau về đời sống tinh thần, phong tục tập quán của người Hội An nhưng làm thế nào để đưa trò chơi dân gian vào du lịch cộng đồng vẫn là việc khó khăn. Bởi nhiều trò chơi dân gian chưa trở thành một phần đời sống tinh thần của các em thiếu niên nhi đồng như trò chơi ô ăn quan, gấp lá dừa, đánh nẻ, bắn bi… “Thời gian gần đây, chúng ta có tổ chức các trò chơi dân gian nhưng để nó trở thành hoạt động thường xuyên trong đời sống tinh thần của các em thì chưa làm được, nhất là khi có quá nhiều loại hình vui chơi giải trí như hiện nay. Để trò chơi dân gian trở thành một sản phẩm du lịch thì chính quyền địa phương, các tổ chức du lịch cùng vào cuộc. Tôi lấy ví dụ như trò chơi đua ghe ngang rất hấp dẫn, lý thú, du khách rất thích nhưng cũng chỉ được tổ chức trong lễ hội như dịp tết hoặc giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản chẳng hạn” - ông Phùng nói.

Các tổ chức lữ hành, đơn vị du lịch góp phần cùng với địa phương tổ chức các trò chơi dân gian ở nhiều nơi tại Hội An, đáp ứng được nhu cầu thưởng lãm và trải nghiệm của du khách, chắc chắn Hội An sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn hơn nữa đối với du khách. Và thông qua đó, quảng bá về TP.Hội An với bạn bè khắp nơi trên thế giới.

LÊ HIỀN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sức hút của trò chơi dân gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO