Sức hút thị trường lao động Nhật

DIỄM LỆ 17/08/2018 02:30

Lao động của Quảng Nam được đánh giá cao về chất lượng, ý thức tổ chức kỷ luật khi đi làm việc có thời hạn ở thị trường chất lượng cao Nhật Bản. Và phong trào xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Nhật đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn tỉnh.

Trường Đại học Quảng Nam phối hợp tổ chức hội thảo tư vấn và giới thiệu việc làm cho sinh viên đi thực tập sinh và làm việc tại Nhật Bản với chủ đề “Chương trình tiếp sức khởi nghiệp Đông du mới” năm 2018. Ảnh: C.T.S.V
Trường Đại học Quảng Nam phối hợp tổ chức hội thảo tư vấn và giới thiệu việc làm cho sinh viên đi thực tập sinh và làm việc tại Nhật Bản với chủ đề “Chương trình tiếp sức khởi nghiệp Đông du mới” năm 2018. Ảnh: C.T.S.V

Học nhiều từ nước bạn

Trở về từ Nhật Bản vào cuối năm 2016, anh Lê Viết Dương (huyện Quế Sơn) đã có một công việc ổn định tại trung tâm ngoại ngữ, với việc dạy tiếng Nhật. Anh Dương sang Nhật Bản từ năm 2014 theo diện thực tập sinh Chương trình IM Japan, làm việc tại một công ty xây dựng. Anh bảo, thời gian làm việc ở Nhật học hỏi được rất nhiều. “Thời gian đầu, tôi còn nhiều bỡ ngỡ, phải vừa làm vừa học nghề, học tiếng. Điều đầu tiên cần học chính là tinh thần tự giác, đề cao việc đảm bảo an toàn lao động (LĐ) khi làm việc trong công trình xây dựng. Mỗi người ở công ty đều phải cố gắng học hỏi và làm việc theo đúng yêu cầu của chủ sử dụng LĐ. Sau một thời gian, tôi thành thạo công việc và làm tốt, thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng” - anh Dương chia sẻ. Theo anh Dương, Nhật Bản là thị trường “khó tính”, đòi hỏi ở người LĐ tính kỷ luật cao cũng như trình độ tay nghề chất lượng. Về kinh nghiệm dành cho những người đang có ý định hoặc sắp đi LĐ ở Nhật Bản, anh Dương chia sẻ, nên học tiếng thật tốt, để không chỉ khi qua Nhật dễ thích nghi với môi trường sống mới, mà sau này trở về nước sẽ dễ tìm việc ở các công ty Nhật đầu tư vào Việt Nam.

Tại phiên giao dịch việc làm định kỳ tổ chức tại TP.Tam Kỳ ngày 15.8 vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Lan (ở huyện Nông Sơn) đưa con trai đi đăng ký làm hồ sơ. Ông Lan cho biết, ông có người con gái là Nguyễn Thị Ngọc Diễm đã đi làm việc ở Nhật Bản từ tháng 9.2016 thông qua Công ty Tocontap Sài Gòn. Công việc mà Diễm đang làm ở Nhật là đóng gói sữa, một tuần làm việc được nghỉ 2 ngày thứ Tư và Chủ nhật. “Tôi thấy con gái làm việc tốt, số tiền vay mượn đi Nhật giờ đã gửi về tôi trả xong hết. Sau đó đều đặn mỗi tháng Diễm gửi về nhà khoảng 20 triệu đồng nhờ gia đình cất giữ làm vốn làm ăn khi trở về nước” - ông Lan nói. Ông còn cho biết, cũng chính Diễm khuyên gia đình đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để đăng ký cho em trai Nguyễn Ngọc Tú đi XKLĐ ở Nhật Bản.

Cơ hội với IM Japan

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Quảng Nam có 3 trường hợp thực tập sinh bỏ trốn, dừng chương trình tại Nhật Bản, gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh người LĐ của tỉnh. Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản gửi UBND các xã, phường, thị trấn có người LĐ bỏ trốn đề nghị phối hợp với gia đình tuyên truyền vận động con em mình chấp hành pháp luật nước sở tại, ra đầu thú để về nước.
Ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, Nhật Bản là thị trường khó tính, đòi hỏi người LĐ phải có tính kỷ luật cao, tác phong công nghiệp, trình độ ngoại ngữ đạt tiêu chuẩn. Độ tuổi tuyển dụng trẻ (19 - 30 tuổi), tốt nghiệp THPT trở lên; nếu tốt nghiệp THCS yêu cầu phải có nghề, kinh nghiệm. LĐ ngoài đảm bảo sức khỏe, còn phải không có hình xăm, tiền án, tiền sự... LĐ có thời gian thực tập 3 - 5 năm, thu nhập bình quân 22 - 34 triệu đồng/tháng tùy theo vùng. Công việc phổ biến ở trình độ LĐ phổ thông vào làm việc trong các nhà máy và LĐ có nghề như đóng gói, chế biến thực phẩm, cơ khí, xây dựng... LĐ của tỉnh có cơ hội rất cao ở thị trường Nhật Bản.

Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, trong năm 2016 toàn tỉnh có 541 trường hợp đi XKLĐ thì có đến 447 người sang thị trường Nhật Bản. Còn 6 tháng đầu năm 2018, có 478 người đi làm việc ở Nhật trong tổng số 568 trường hợp đi XKLĐ của tỉnh. “Thị trường LĐ Nhật Bản có sức hút mạnh là nhờ các địa phương, đơn vị liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là từ hiệu quả nhìn thấy được ở những người đi XKLĐ Nhật Bản trở về. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã có 2 đợt thông tin về tuyển chọn thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo Chương trình IM Japan. Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam đã phối hợp với các địa phương thông tin tuyên truyền rộng rãi chương trình này đến đông đảo người LĐ. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 11 LĐ đi làm việc theo Chương trình IM Japan, và hiện có hơn 180 LĐ đã trúng tuyển, đang được đào tạo tại Trung tâm Lao động ngoài nước trước khi xuất cảnh.

Bà Phạm Ngọc Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết, đối với các chương trình mà trung tâm đang thực hiện, trong đó có Chương trình IM Japan, LĐ của Quảng Nam trúng tuyển ngày càng nhiều. Điều đó chứng tỏ chất lượng LĐ của Quảng Nam ngày càng tốt hơn. “Tôi khẳng định rằng trong 63 tỉnh thành có LĐ đi làm việc tại Nhật Bản, LĐ của Quảng Nam có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, trình độ tay nghề ngày càng được nâng cao, tỷ lệ LĐ bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp hoặc bỏ trốn ở lại khi hết hạn hợp đồng dù có xảy ra nhưng thấp hơn so với các tỉnh thành khác. Tôi khuyên các LĐ nếu có ý định đi XKLĐ sang Nhật Bản, hay đang làm việc ở Nhật Bản, hết hạn LĐ nên về nước đúng hạn, sau đó sẽ có cơ hội đi tiếp. Khi ý thức kỷ luật được các doanh nghiệp nước sở tại đánh giá tốt thì cơ hội được đi lại cao hơn, đồng thời tạo cơ hội lớn hơn cho những người sắp đi XKLĐ sang Nhật Bản” - bà Lan nói.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sức hút thị trường lao động Nhật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO