Sức hút trường chuyên

XUÂN PHÚ 17/07/2017 08:58

Dù có những lo ngại khi chế độ chính sách đối với học sinh (HS) thay đổi từ học kỳ 2 năm học 2016-2017, song thực tế kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua cho thấy sức hút vào các trường THPT chuyên trên địa bàn tỉnh vẫn rất lớn.

Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức đón học sinh trúng tuyển vào lớp 10 tại lễ khai giảng năm trước.  Ảnh: X.PHÚ
Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức đón học sinh trúng tuyển vào lớp 10 tại lễ khai giảng năm trước. Ảnh: X.PHÚ

KỲ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017-2018 của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và THPT chuyên Lê Thánh Tông vừa được Sở GD-ĐT tổ chức trong 3 ngày (từ ngày 10 đến 12.7) tại 4 địa điểm thi ở TP.Tam Kỳ và TP.Hội An. Nhằm tạo nhiều cơ hội trúng tuyển cho thí sinh có học lực giỏi, đồng thời giúp nâng cao chất lượng tuyển sinh, kỳ thi năm nay, mỗi thí sinh được quyền dự thi 2 môn chuyên. Có tổng cộng 1.306 HS dự thi vào 2 trường, trong đó Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông có 574 thí sinh, THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm 732 thí sinh.

Tỷ lệ chọi cao

Với chỉ tiêu tuyển sinh mỗi lớp chuyên 35 HS (trong đó Sử và Địa gộp chung thành 1 lớp chuyên), có thể thấy tỷ lệ chọi năm nay ở nhiều môn khá cao. Trường THPT chuyên Bỉnh Khiêm, môn có tỷ lệ cạnh tranh cao nhất là Ngữ văn với 165 thí sinh dự thi, tiếp theo là các môn Tiếng Anh 156, Toán 140, Hóa 137, Lý 113. Trong khi đó, sự cạnh tranh ở Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông dù có phần ít “nóng” hơn nhưng vẫn khá căng thẳng ở các môn Tiếng Anh với 133 thí sinh, Ngữ văn 108, Toán 92, Hóa 86. Chia sẻ lý do cho con mình dự thi vào lớp chuyên Hóa Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, một phụ huynh tên Trần Bá Tài nói: “Trường chuyên có môi trường giáo dục tốt hơn nên có điều kiện để học giỏi, phát huy năng khiếu của con em. Chỉ tiêu tuyển 35 HS nhưng số lượng dự thi lớp chuyên Hóa lên đến 137 thí sinh cho thấy để đậu vào trường chuyên là rất gay go. Tuy nhiên, thi vào trường chuyên có sự đua tranh như vậy mới có chất lượng, HS nào đậu mới xứng đáng với chế độ hỗ trợ của tỉnh”.

Cuối năm 2016, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết 31 (8.12.2016) quy định chính sách đối với HS các trường THPT chuyên trên địa bàn tỉnh. Điều đáng nói là số tiền mà HS được hỗ trợ hàng tháng theo nghị quyết này kể từ học kỳ 2 năm học 2016-2017 so với trước đó (Nghị quyết 12, ngày 19.7.2011) giảm đáng kể, từ 80% mức lương cơ sở xuống còn 30% (HS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số, con thương binh, liệt sĩ, HS khuyết tật cũng bị giảm nhưng ít hơn từ 120% xuống 100% mức lương cơ sở). Sau khi nghị quyết ban hành, đã có những lo ngại về việc các trường chuyên sẽ không thu hút được nhiều HS giỏi, nhất là HS ở các huyện. Tuy nhiên, thực tế tại kỳ thi tuyển sinh vừa qua điều đó đã không xảy ra. Số lượng HS có nguyện vọng trở thành “công dân” trường chuyên là khá lớn. Theo lãnh đạo 2 trường chuyên, việc giảm mức hỗ trợ của tỉnh không ảnh hưởng đến chuyện thu hút HS giỏi, bởi những HS có kết quả học tập tốt ở trường sau này còn được hỗ trợ chế độ học bổng khuyến khích hàng tháng khá cao. Hơn nữa, với chính sách mới này đã tạo động lực cho HS thi đua nỗ lực học tập. Điều đó được thể hiện rõ ở việc chất lượng học tập của học kỳ 2 năm học vừa qua nâng lên đáng kể.

Đột phá

Bên cạnh niềm vui khi các môn Toán, Văn, Lý, Hóa… luôn có tỷ lệ cạnh tranh rất lớn thì việc tuyển sinh ở các môn chuyên Sử, Địa và Tin học thời gian qua không có được chất lượng tốt, thậm chí không ít năm đối mặt với tình trạng thiếu chỉ tiêu do quá ít HS dự thi. Tuy nhiên, năm nay ngoại trừ môn Tin học của Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, 2 môn Địa và Sử đã cho thấy có sự hấp dẫn lớn đối với học trò. Chỉ tuyển 17 HS song môn Địa của Trường Lê Thánh Tông có 64 thí sinh dự thi còn môn Sử tuyển 18 chỉ tiêu nhưng đã có 46 thí sinh dự thi.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc, để góp phần tạo ra bước đột phá mới cho các trường chuyên, thời gian qua ngành đã có nhiều đổi mới trong công tác tuyển sinh, như cho phép HS thi vào lớp 10 được đăng ký dự thi 2 nguyện vọng, điểm môn chuyên nâng lên hệ số 3; đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tối đa năng lực tự học, tự nghiên cứu của HS; từng bước áp dụng phương pháp phát hiện năng khiếu, xác định chỉ số thông minh IQ, EQ. Cạnh đó, việc Sở GD-ĐT tham mưu cho tỉnh điều chỉnh chính sách hỗ trợ đối với HS và giáo viên cũng góp phần rất lớn vào việc nâng cao chất lượng. Nếu như trước đây HS học tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm chủ yếu tập trung ở TP.Tam Kỳ và các vùng phụ cận thì nay các huyện đã có nhiều HS dự thi vào 2 trường chuyên. Trước đây, chế độ hỗ trợ hằng tháng cào bằng thì nay HS nào nỗ lực học giỏi hơn sẽ được hỗ trợ nhiều hơn, nhờ đó kích thích việc học của HS…

Số lượng HS thi tuyển vào lớp 10 vừa qua khá lớn quả thật là niềm vui đối với các nhà quản lý, lãnh đạo và giáo viên các trường chuyên. Có được kết quả đó không chỉ nhờ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường chuyên tốt hơn mà còn ở những thành tích ấn tượng trong dạy và học thời gian qua. Sau 15 năm xây dựng và phát triển, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khẳng định thương hiệu của mình, khi những năm gần đây vươn lên xếp thứ nhì các trường chuyên khu vực miền Trung - Tây Nguyên về số lượng và chất lượng HS giỏi quốc gia. Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông tuy còn non trẻ (thành lập năm 2012) nhưng bước đầu cũng đã thể hiện được mình tại các cuộc thi HS giỏi khu vực, quốc gia. Mới nhất là tại kỳ thi THPT quốc gia 2017, cả 2 trường THPT chuyên đều góp mặt trong tốp trường có nhiều HS đạt điểm 10 các môn thi (Nguyễn Bỉnh Khiêm có 24 HS với 26 điểm 10; Lê Thanh Tông 11 HS với 12 điểm 10).

Rõ ràng, sức hút của trường chuyên là từ môi trường giáo dục tốt, chất lượng cao. Còn chế độ, chính sách hỗ trợ chỉ có ý nghĩa như một phần thưởng nhằm tạo động lực, kích thích HS nỗ lực hơn trong học tập và rèn luyện.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sức hút trường chuyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO