Sức khỏe răng miệng & những điều cần biết

Anh Trâm 04/04/2013 08:43

Theo khảo sát mới nhất của Hội Răng - hàm - mặt Việt Nam, số người dân mắc bệnh răng miệng chiếm tỷ lệ 90% dân số, thuộc trong nhóm các nước có tỷ lệ người mắc bệnh răng miệng cao nhất thế giới. Tại Quảng Nam, theo đánh giá của các bác sĩ chuyên khoa, người dân chỉ có thói quen đến phòng khám khi đau răng…

Chẩn bệnh cho răng

Có 3 bệnh thường gặp nhất ở răng gồm sâu răng, vôi răng, viêm nướu lợi… Giảng viên của trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, nha sĩ Trần Thị Nguyên cho biết, thói quen của người bệnh khi đến phòng khám là đã mắc một trong số những bệnh về răng mà không nghĩ đến việc chăm sóc, dự phòng cho các bệnh về răng miệng ngay từ ban đầu. Sâu răng là một bệnh ở phần cứng của răng làm răng bị phân hủy. Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sâu răng là giảm thiểu thói quen ăn ngọt. Việc đánh răng thường xuyên không chỉ giúp loại bỏ nguy cơ sâu răng mà còn ngăn không cho các mảng bám dày hơn trên răng. Các vùng quanh răng như hố răng hay kẽ răng - chỗ bàn chải không tiếp cận được là những nơi vôi răng có thể ung dung tồn tại nếu bạn không chải răng thường xuyên. “Các chất Flour phát huy tác dụng khá tốt trong việc ngăn ngừa răng bị sâu. Vì thế, những ai sống ở khu vực có mức độ Flour trong nước tối ưu sẽ ít bị sâu răng hơn. Ứng dụng ưu điểm ấy, 80 - 90% các loại kem đánh răng hiện nay trên thị trường đều có chứa Flour” - bác sĩ Nguyên giải thích.

Khám nha khoa định kỳ thường xuyên để bảo vệ tốt nhất cho răng miệng.Ảnh: A.T
Khám nha khoa định kỳ thường xuyên để bảo vệ tốt nhất cho răng miệng.Ảnh: A.T

Bệnh viêm nướu, lợi có dấu hiệu dễ nhận thấy nhất qua hơi thở. Bệnh nhân đôi khi có thể không chú ý tới việc lợi bị chảy máu, đặc biệt khi đánh răng. Hơi thở có mùi phần lớn đều xuất phát từ căn bệnh này. Ở bệnh này, việc vệ sinh răng miệng và làm sạch các kẽ răng là cách phòng ngừa hiệu quả nhất. Tuy nhiên, khi đã mắc bệnh thì quá trình điều trị kéo dài và yêu cầu người bệnh phải kiên trì. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sức khỏe răng miệng kém, nhưng phổ biến nhất vẫn là 3 nguyên nhân: chải răng không đúng cách, dùng tăm xỉa răng, không dùng nước súc miệng.

Bác sĩ Trần Thị Nguyên cho biết: “Việc dùng tăm hay các vật nhọn xỉa răng lâu ngày làm cho các kẽ răng bị hở, làm trầy nướu răng và gây tụt nướu ở các kẽ răng. Thay vì dùng tăm theo thói quen bao lâu nay, nên chuyển qua dùng chỉ nha khoa để đảm bảo sức khỏe răng miệng hơn. Cũng ít người biết rằng, việc chải răng không đúng cách sau một thời gian dài sẽ dẫn đến mòn men răng, ngà răng, viêm nướu, tụt nướu và dễ mắc bệnh nha chu. Hậu quả của những bệnh này có thể trầm trọng hơn, thậm chí mất răng nếu để quá lâu”.

Nguy cơ cho sức khỏe

Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa vệ sinh răng miệng không đúng cách và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Những người bị bệnh lợi có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành cao gấp 2 lần so với người bình thường. Vi khuẩn có hại trong miệng thâm nhập vào máu và tạo ra mảng mỡ tích tụ ở mạch máu của tim, gây ra viêm nhiễm và tăng nguy cơ hình thành huyết khối dẫn đến đau tim. Việc vệ sinh răng không đúng cách cũng dễ dẫn đến nguy cơ sa sút trí tuệ, vi khuẩn ở miệng có thể lan truyền đến não và góp phần tạo ra mảng bám có liên quan đến bệnh Alzheimer. Bệnh nhân tiểu đường dễ mắc bệnh nha chu hơn so với những người không bị bệnh này.

Định kỳ 6 tháng nên đến phòng khám nha khoa kiểm tra răng một lần để nha sĩ kịp thời phát hiện cho những dấu hiệu bệnh. Thứ nhất, điều trị dự phòng bao giờ cũng rẻ hơn, tốt hơn cho răng. Thứ hai, cũng tập dần thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách theo định kỳ khám sức khỏe. Phụ nữ mang thai càng được khuyến cáo đến gặp nha sĩ thường xuyên nếu có vấn đề về răng miệng vì ở thời điểm sau sinh, các hormone chuyển hóa có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về răng lợi. Để tăng cường sức khỏe về răng miệng, phụ nữ mang thai nên nạp thêm can xi hằng ngày. Lượng can xi hợp lý sẽ bảo vệ hệ thống xương đồng thời đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của thai nhi. Các nguồn can xi trong thực phẩm bao gồm sữa, phô mai, sữa chua, sữa đậu nành… Tăng cường lượng vitamin D sẽ giúp cơ thể hấp thu tốt can xi. Những thực phẩm có chứa vitamin D là phô mai, bơ thực vật, cá hồi, trứng…

Đặc biệt, việc chăm sóc răng miệng đối với bà bầu được các chuyên gia nha khoa khuyến cáo nên cẩn thận hơn bởi nếu gặp các vấn đề về răng miệng trong thời kỳ mang thai sẽ có nguy cơ sinh non hoặc sinh con thiếu cân. “Nhiều nghiên cứu cũng đã phát hiện có sự liên quan giữa bệnh răng miệng trong thời kỳ mang bầu với hiện tượng sinh non và thiếu cân. Trẻ sinh non có thể sẽ hgặp các nguy cơ về sức khỏe như bại não và có các rắc rối về thị lực và thính lực. Khoảng 18 trong số 100 ca sinh non bị kích thích bởi bệnh nha chu, một loại nhiễm trùng mãn tính của lợi. Nếu được điều trị nha khoa thích hợp, các bà bầu sẽ giảm được nguy cơ sinh non tới 80%” - bác sĩ Nguyên cho biết. Các hormone liên quan đến quá trình mang thai có thể gây nên các vấn đề như sưng lợi và chảy máu (thường xảy ra trong giai đoạn thứ hai và thứ ba của thai kỳ). Hiện tượng nghén nôn mửa cũng khiến các hormone trong thời kỳ này làm mềm các cơ vốn giữ thức ăn trong dạ dày. Trào ngược dạ dày hoặc tình trạng nôn mửa có thể khiến răng bạn bị bao phủ bởi một lớp acid dạ dày rất dày. Thường xuyên bị trào ngược và nôn mửa có thể phá hủy lớp men răng và tăng nguy cơ sâu răng…

Anh Trâm

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sức khỏe răng miệng & những điều cần biết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO