(QNO) - Đối mặt với số vụ và hậu quả tàn khốc do tai nạn lao động (TNLĐ) diễn ra ngày một nghiêm trọng, tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhấn mạnh đến việc xây dựng văn hóa bảo vệ an toàn và sức khỏe cho người lao động.
Nhân ngày Thế giới vì an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc (28.4) và ngày Quốc tế Lao động (1.5), ILO vừa đưa ra con số thống kê khiến thế giới không khỏi giật mình. Đó là khi mỗi ngày có đến 6.400 người chết vì TNLĐ và bệnh nghề nghiệp. Đó là chưa kể 860 nghìn người khác bị thương và nhiễm bệnh mỗi ngày trong quá trình lao động. Những vụ TNLĐ diễn ra nhiều trong các lĩnh vực xây dựng, hầm mỏ, hàng không, khai thác dầu mỏ, hạt nhân. Đặc biệt ở những quốc gia mà điều kiện bảo hộ còn kém hiệu quả thì số người thương vong rất lớn.
Đương kiêm Tổng giám đốc ILO, Guy Ryder kêu gọi xây dựng văn hóa bảo vệ an toàn và sức khỏe cho người lao động. (Ảnh: univisionkansas) |
Mới đây nhất, một vụ tai nạn hầm mỏ nghiêm trọng vừa xảy ra ngày 20.4 tại mỏ than ở huyện Đại Đồng, thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc khiến 21 người thiệt mạng. Tai nạn hầm mỏ được xem gây ra nhiều thương vong nhất trong số các vụ TNLĐ ở Trung Quốc, như cướp đi sinh mạng của khoảng 931 người trong năm 2014. Vào tháng 5.2014, vụ nổ mỏ than miền tây Thổ Nhĩ Kỳ khiến 150 công nhân tử vong…
TNLĐ luôn để lại hậu quả rất lớn, không những cướp đi tính mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người lao động mà qua đó gây ra những tổn thất, gánh nặng không nhỏ cho gia đình và xã hội. Tỷ như, mỗi năm thế giới mất đi khoảng 2,8 nghìn tỷ USD, tức tương đương 4% GDP của toàn cầu, là chi phí hao hụt thời gian làm việc, giảm lượng sản phẩm, bồi thường, chăm sóc y tế… do TNLĐ gây ra. Riêng ở Mỹ, nước này tiêu tốn 250 tỷ USD mỗi năm do TNLĐ và các căn bệnh nghề nghiệp.
Xây dựng, một trong những lĩnh vực mà lao động gặp nhiều rủi ro. (Ảnh: Todayonline) |
ILO khẳng định, TNLĐ là điều chúng ta có thể ngăn ngừa, giảm mức thấp nhất thiệt hại mà TNLĐ gây ra thông qua sự tham gia quản lý hiệu quả, sự hợp tác, điều hành, chia sẻ tích cực và có trách nhiệm từ chính phủ các nước, chính quyền sở tại, chủ quản hay người trực tiếp tham gia lao động. Từ nhiều năm qua, an toàn và sức khỏe trong lao động được ILO xem như một quyền cơ bản của con người cần được bảo vệ. Ở đó, mỗi một công dân có thể đóng góp để xây dựng văn hóa bảo vệ an toàn và sức khỏe cho người lao động.
Vào 3 năm trước đây, nhân Ngày thế giới vì an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc, Tổng Giám đốc ILO lúc đó - Juan Somavia đã nói, bảo vệ sự an toàn và sức khỏe của người lao động phải trở thành nhân tố quan trọng trong quá trình chuyển nền kinh tế đương đại sang nền kinh tế xanh.
KIM OANH