(QNO) - Được khởi động từ cuối tháng 5, Hội thi nghệ thuật quần chúng tộc họ văn hóa huyện Đại Lộc lần II-2013 diễn ra trên quy mô rộng, thu hút 18 xã/thị trấn tham gia.
Hội thi tạo sự hưởng ứng của đông đảo tộc họ và khán giả huyện nhà. |
Hội thi Nghệ thuật quần chúng tộc họ văn hóa lần II-2013 huyện Đại Lộc đã tạo dấu ấn và hiệu ứng xã hội rất lớn, thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo con cháu của 70 tộc họ của 18 xã/thị trấn và dấu ấn từ hội thi đã góp phần vào việc xây dựng phong trào đời sống văn hóa đi vào chiều sâu.
Phát biểu tại đêm trao giải, ông Nguyễn Hữu Tôn - Phó giám đốc Trung tâm VH-TT, thành viên ban giám khảo đánh giá: ở phần thi giới thiệu tộc họ, nhìn chung, các tộc họ đã vận dụng các loại hình nghệ thuật để chuyển tải nội dung, những đóng góp của tộc trong các phong trào xây dựng văn hóa cơ sở đã làm cho người xem hiểu được xuất xứ, cội nguồn của tộc mình cũng như những thành quả mà tộc đã đạt được. Với phần thi thuyết trình, đây là thể loại cũng khá hấp dẫn, thu hút người xem, có những bài thuyết trình tốt, đi sâu vào trọng tâm, chủ đề, đáp ứng được yêu cầu từ ban tổ chức. Phần thi văn nghệ có nhiều tiết mục hấp dẫn, đầu tư công phu, nhiều tiết mục múa đẹp, ngôn ngữ múa chuyển tải được nội dung tư tưởng của bài hát, trang phục đẹp, tạo cho sân khấu thêm phần hoành tráng. Tuy nhiên, vẫn còn vài tiết mục chưa được hay, nội dung dàn trải, chưa có kịch tính, thiếu tính thuyết phục đối với ban giám khảo… |
Chuẩn bị cho hội thi diễn này, con cháu nội ngoại, dâu rể các chư tộc đang sinh sống, làm ăn trong và ngoài huyện đã có hơn một tháng trời tề tựu, tập luyện, đầu tư trang phục, kịch bản, nhất là phần diễn xướng. Chị Nguyễn Thị Loan, con cháu tộc Nguyễn Văn, xã Đại Tân tâm sự: “Nhận được thông báo từ ban tổ chức, những thành viên trong tộc họ chúng em có người sinh sống ở địa phương nhưng có người ở xa tận TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng nhưng nhiêu người dành thời gian trở về tham gia tập luyện. Thời gian để chuẩn bị cho hội thi diễn ra ở cơ sở và ở huyện không nhiều nên tập luyện khá vất vả, mệt nhưng vui”. Để con cháu trong tộc có dịp thể hiện năng khiếu về âm nhạc, trổ tài khéo léo trong ứng xử và có dịp tìm hiểu về cội nguồn, tri ân công đức tổ tiên, vai trò của tộc trưởng các chư tộc hết sức quan trọng, giúp hội thi thành công hơn. Ông Lê Sỹ - trưởng tộc Lê Cao xã Đại Hiệp chia sẻ: hội thi không chỉ là dịp để gia đình ông và con cháu, dâu rể trong tộc có dịp thể hiện năng khiếu mà còn là dịp để các thành viên trong tộc quây quần, sinh hoạt cùng nhau, tạo cố kết gia tộc, ôn lại truyền thống vẻ vang của gia tộc và nhắc nhở nhau luôn giữ vững truyền thống quý báu đó.
Hội thi lần này nhận được sự hưởng ứng của 18 gia tộc và hơn 500 anh chị em diễn viên là con cháu nội ngoại trong các chư tộc với 54 tiết mục văn hóa - văn nghệ diễn ra ở 3 vòng thi. Bên cạnh phần thi văn nghệ với đủ các thể loại: ca, múa, dân ca, tiểu phẩm… các tộc sẽ tranh tài ở 2 phần thi kể chuyện về tộc họ và thuyết trình. Theo đó, ở phần kể chuyện tộc họ, bằng các loại hình nghệ thuật, các tộc phải chuyển tải phần giới thiệu về lịch sử, xuất xứ của tộc mình, sự đóng góp của gia tộc trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, phong trào xây dựng nông thôn mới. Phần thi thuyết trình phải chuyển tải được những câu chuyện, tấm gương con cháu, dâu rể hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ; đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình làng nghĩa xóm… Đa số các tộc tham gia hội thi đã được công nhận danh hiệu “tộc họ văn hóa” hay đã phát động xây dựng “tộc họ văn hóa”.
Ban tổ chức đã chấm chọn, trao giải cho các tộc họ đạt thành tích xuất sắc. Ở phần thi giới thiệu tộc họ, giải nhất thuộc về tộc Nguyễn Văn (Thị trấn Ái Nghĩa); tộc Phan (Đại Nghĩa) đạt giải nhất phần thuyết trình; giải nhất phần thi văn nghệ thuộc về tộc Huỳnh Văn (Đại Quang). Giải nhất toàn đoàn được trao cho tộc Nguyễn Văn; 2 tộc Hứa (Đại Hồng) và Huỳnh Văn (Đại Quang) đồng giải nhì toàn đoàn. |
Đến với phần thi văn nghệ, các tộc Nguyễn Văn (thị trấn Ái Nghĩa), Huỳnh Văn (xã Đại Quang), tộc Hứa (Đại Hồng)… đã mang tới cho khán phòng không khí sôi động của một ngày hội văn hóa - văn nghệ khi có những tiết mục thuyết trình, kể chuyện lịch sử tộc họ, nhiều tiết mục diễn xướng dân ca, ca nhạc, múa, tiểu phẩm được đầu tư bài bản, công phu. Bên cạnh đó, không ít phần thể hiện của các tộc họ khác đã thu hút sự hưởng ứng, theo dõi của đông đảo khán giả. Như tộc Nguyễn Văn (xã Đại Lãnh) với phần thuyết trình về câu ca dao bàn về chữ hạnh và chữ đức: “Người trồng cây hạnh người chơi/Ta trồng cây đức để đời mai sau” đã nhận được những tràng pháo tay tán thành, hưởng ứng bởi ý nghĩa sâu sắc, nhân văn từ bài thuyết trình cộng với chất giọng, phong thái thuyết trình của diễn viên tạo sự cuốn hút, ấn tượng mạnh đối với người xem. Hay như tộc Huỳnh Văn (xã Đại Quang) với phần hát múa “Khi Tổ quốc gọi tên” đã khiến sân khấu trở nên sôi động, hoành tráng bởi đây là một trong những đơn vị có sự đầu tư công phu về trang phục biểu diễn, diễn viên, những diễn viên không chuyên nhưng phần thể hiện trên sân khấu tỏ ra khá chuyên nghiệp.
Phần bình luận về 2 câu ca dao “Cơm ăn không hết thì treo/Việc làm chẳng hết thì kêu xóm giềng” của tộc Phan (xã Đại Nghĩa) cũng tạo được ấn tượng với văn phong trau chuốt, sâu sắc, đề cao tình làng nghĩa xóm, một chủ đề thiết thực và gần gũi trong cuộc sống thường nhật.
TRIÊU NHAN