Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư được phát huy trở thành sức mạnh góp phần nâng cao cuộc sống người dân ở nhiều khu dân cư.
Đoàn kết ở Hà Dục Đông
Năm 2019, sau khi sáp nhập, thôn Hà Dục Đông (xã Đại Lãnh, Đại Lộc) được mở rộng với 9 tổ đoàn kết và dân số 530 hộ/2.430 khẩu. Địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, nhưng tinh thần đại đoàn kết ở Hà Dục Đông không ngừng được củng cố, phát huy, mang lại nhiều giá trị tốt đẹp trong đời sống.
Dẫn chứng cho tinh thần đoàn kết, đồng lòng của người dân trong thôn, ông Võ Xuân Quang - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Hà Dục Đông kể câu chuyện vận động người dân từ bỏ tập tục không phù hợp trong tổ chức tang lễ.
Trước năm 2000, ở thôn người dân còn giữ tập tục mổ heo “đãi dân khiêng” khi nhà có người mất. Nhận thấy việc duy trì tập tục gây tốn kém cho người dân và không phù hợp trong bối cảnh gia đình có “tang gia bối rối”, Chi bộ, Ban nhân dân, Ban công tác Mặt trận thôn đã họp, thống nhất vận động người dân xóa bỏ.
“Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, người dân thôn Hà Dục Đông đã đồng lòng hưởng ứng thực hiện nhiều nội dung thiết thực, trong đó có việc xóa bỏ tập tục mổ heo trong đám tang.
Ban đầu còn một số hộ chưa chấp hành nhưng đến nay thì tập tục này đã hoàn toàn chấm dứt. Khi gia đình nào trong thôn có người mất, bà con tạm ngưng công việc để lo liệu, đưa tiễn người đã khuất một cách tự nguyện” - ông Quang chia sẻ.
Cũng nhờ tinh thần đoàn kết, đồng lòng của người dân mà thôn Hà Dục Đông đã triển khai thuận lợi các chủ trương về thủy lợi hóa đất màu, mở rộng đường giao thông nông thôn, bảo vệ an ninh trật tự…
Nhờ đó, đời sống người dân trong thôn không ngừng nâng lên. Thôn có hơn 90% dân cư làm nông nghiệp nhưng đến nay chỉ còn 4 hộ nghèo (thuộc đối tượng bảo trợ xã hội) và 7 hộ cận nghèo.
Chủ trương thủy lợi hóa đất màu được nhân dân đồng tình ủng hộ; nhiều diện tích đất trồng lúa, trồng hoa màu kém hiệu quả đã được chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang hiệu quả thu nhập cao cho người dân. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư, mở rộng thông thoáng nhờ sự đồng lòng, hiến đất đai, vật kiến trúc từ người dân.
Là hộ đã tự nguyện hiến hơn 200m2 đất để mở đường giao thông liên thôn, ông Lê Duyệt (75 tuổi, thôn Hà Dục Đông) chia sẻ: “Mở đường giao thông là việc tốt, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn. Ngoài truyền thống gia đình, thời điểm đó tôi làm Chi hội trưởng Người cao tuổi thôn nên tự nguyện hiến đất trước để làm gương cho mọi người”.
Tinh thần đoàn kết ở thôn Hà Dục Đông và nhiều thôn ở xã Đại Lãnh được cố kết, thể hiện rõ nhất ở Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm. Như năm 2022, nhân dân 18 tổ đoàn kết của thôn Hà Dục Đông và thôn Tịnh Đông Tây đã đồng lòng tổ chức thành công hội trại liên khu dân cư nhân kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận (18/11).
Nhân lên truyền thống đẹp
Khối phố Xuân Thuận (phường Cẩm Phô, TP.Hội An) có 493 hộ dân, trong đó có 37 hộ theo đạo Công giáo. Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, người dân khối phố không phân biệt lương - giáo, luôn thương yêu đùm bọc, sinh sống thuận hòa.
Ông Bùi Quang Trung - Bí thư Chi bộ khối phố Xuân Thuận nhớ lại thời điểm người dân Hội An nói chung và khối phố Xuân Thuận phải chống chọi với đại dịch COVID-19. Trong điều kiện người dân khối phố sống chủ yếu bằng dịch vụ kinh doanh, buôn bán, du lịch…, nên dịch bệnh đã khiến phần lớn thất nghiệp, đời sống rơi vào khó khăn.
Trước thực trạng đó, cùng với sự quan tâm của chính quyền các cấp và cộng đồng, Chi bộ, Ban nhân dân, Ban công tác Mặt trận khối phố đã phát huy truyền thống tương thân tương ái, sẻ chia lúc khó khăn.
Theo Ban công tác Mặt trận khối phố Xuân Thuận, riêng năm 2022, khối phố đã vận động gần 200 suất quà (200 - 450 nghìn đồng/suất) và tổ chức một phiên “Chợ 0 đồng” để hỗ trợ người dân về nhu yếu phẩm. Nhiều hộ gặp khó khăn đột xuất do ảnh hưởng của dịch COVID-19 được nhận từ 2 - 3 suất quà nên đã vượt qua được thời điểm bí bách.
Phát huy tinh thần tương thân tương ái, gia đình ông Bùi Quang Trung - Bí thư Chi bộ khối phố Xuân Thuận đã hỗ trợ 150 suất rau sạch trị giá khoảng 20 triệu đồng để tặng người dân trong khối phố.
Gia đình ông Trung có vườn rau sạch bên Cẩm Hà chủ yếu phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn. Nhận thấy dịch COVID ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân nên ông bàn với vợ hỗ trợ khố phố một phần rau để tặng cho những hộ khó khăn, có nhu cầu.
“Đó là việc làm bình thường, không chỉ gia đình tôi mà nhiều người khác trong khối phố cũng làm vậy. Thời điểm dịch bệnh khó khăn, chúng tôi phát động tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng để cùng nhau vượt qua” - ông Trung chia sẻ.
Không chỉ trực tiếp hỗ trợ rau sạch tặng người dân, gia đình ông Trung còn tham gia đóng góp cho nhiều hoạt động an sinh xã hội khác ở địa phương. Trong đó, cá nhân ông Trung đã một lần ủng hộ 25 triệu đồng cho công tác khắc phục thiên tại qua kênh Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam...