Để tăng sức cạnh tranh trên thị trường đòi hỏi hàng hóa Quảng Nam cần đổi mới, cải tiến bao bì, mẫu mã hiệu quả.
Cần cải thiện
Chú trọng đầu tư mẫu mã, hộp yến sào của Công ty TNHH Yến sào Đất Quảng (xã Bình Đào, Thăng Bình) có kiểu dáng đẹp, hình ảnh, kiểu chữ trình bày ấn tượng. Trên bao bì cung cấp nhiều thông tin như hạn sử dụng, nơi sản xuất, các thành phần nguyên liệu; đặc biệt, ghi rõ sản phẩm không dùng chất bảo quản, đáp ứng các tiêu chí an toàn thực phẩm, tăng sức khỏe cho người tiêu dùng.
Theo bà Nguyễn Thị Thành Vinh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Đất Quảng, bao bì, mẫu mã là phần quan trọng của sản phẩm, hàng hóa, không chỉ thể hiện hình ảnh nhận diện thương hiệu mà còn là phương tiện để doanh nghiệp (DN) bảo vệ và giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tăng khả năng mua hàng của người tiêu dùng, tạo ra sự cạnh tranh khác biệt so với các đối thủ.
Ở hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, hàng hóa ngoại nhập có ưu thế cạnh tranh hơn hàng Việt nhờ bao bì, mẫu mã, kiểu dáng bắt mắt. Bà Nguyễn Thị Vi - Trưởng bộ phận Marketing của siêu thị Co.opMart Tam Kỳ cho rằng: “Nhiều mặt hàng nhập khẩu ở siêu thị dù chất lượng không cao hơn hàng hóa xứ Quảng nhưng lại vượt hẳn về kiểu dáng, mẫu mã. Sự bắt mắt, nổi trội ngay từ khi còn trên kệ chính là điều kiện giúp hàng nhập khẩu nhận được tin tưởng, đón nhận mua sắm của khách hàng”.
Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) cho biết, một trong những yêu cầu để các cơ sở sản xuất, DN, hợp tác xã có thể tăng thêm doanh số bán hàng là mẫu mã, bao bì, kiểu dáng hàng hóa.
“Thực tế có nhiều sản phẩm xứ Quảng bán rất chạy, rất thành công tại các siêu thị trong nước nhưng khi chào mời bán hàng ra nước ngoài thì không đáp ứng do bao bì, mẫu mã chưa sang trọng, thiếu tinh tế. Tâm lý, thị hiếu mua sắm của người tiêu dùng là nhìn kiểu dáng để đánh giá chất lượng hàng hóa” - ông Đinh Văn Phúc nói.
Hỗ trợ sản xuất
Bao bì, mẫu mã đẹp đem lại giá trị truyền thông thương hiệu lớn, ngược lại sẽ khiến cho hàng hóa, sản phẩm không đọng lại ấn tượng đối với khách mua hàng. Có những sản phẩm khi mới nhìn qua, người dùng đã có ấn tượng đây là sản phẩm cao cấp, an toàn, đáng tin cậy. Đó chính là sức mạnh của mẫu mã, bao bì chuyên nghiệp.
“Để đáp ứng được những tiêu chuẩn của nhà phân phối uy tín, DN phải có sản phẩm chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng, bao bì đóng gói thẩm mỹ. Chúng tôi triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DN nâng cao năng lực sản xuất, phát triển thương hiệu, thiết kế, cải tiến mẫu mã, đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn, hiện diện trong hệ thống các siêu thị trong và ngoài nước” - ông Đinh Văn Phúc nói.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, đã tham gia sân chơi toàn cầu, nhất là tham gia nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới, đòi hỏi DN phải nỗ lực cạnh tranh bằng thương hiệu. Nhiều sản phẩm hàng hóa của Quảng Nam, nhất là các sản phẩm nông sản bước đầu xuất khẩu nhưng chưa tạo lập được thương hiệu. Xây dựng thương hiệu, đổi mới mẫu mã, bao bì là điểm yếu chung của DN Quảng Nam. Do đó để nâng cao giá trị xuất khẩu, các DN cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt coi trọng mẫu mã, bao bì, nhất là tạo ra những sản phẩm độc đáo mang bản sắc riêng của xứ Quảng.
“Các DN nhỏ và vừa gặp khó về cải tiến bao bì, mẫu mã do quy mô sản xuất chưa lớn. Quảng Nam có nhiều hỗ trợ, các DN này cần tiếp cận, đầu tư máy móc mới, quy trình sản xuất công nghệ hiện đại, khắc phục các điểm yếu” - ông Nguyễn Quang Thử nói.
Có thể thấy, hiệu quả mang lại từ thành công của thiết kế bao bì, mẫu mã là khiến cho sản phẩm, thương hiệu của DN ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn, thu hút sự quan tâm nhiều hơn của người tiêu dùng. Bởi vậy, DN cần nắm bắt được những thông tin, kiến thức và kinh nghiệm về thị trường, nâng cao năng lực thiết kế, tạo dựng bao bì, mẫu mã riêng biệt, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.