Nhờ chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công tác xây dựng Đảng ở huyện Thăng Bình đã đạt được nhiều kết quả trong thời gian qua.
Mạnh từ cơ sở
Bình Tú là xã đầu tiên của huyện Thăng Bình đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới vào năm 2014. Theo Đảng ủy xã Bình Tú, xây dựng nông thôn mới ở xã hoàn thành trước một năm so với nghị quyết đề ra là nhờ vai trò chủ thể của người dân đã phát huy đến mức cao nhất. Quy chế dân chủ cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được đề cao đã tạo nên sức lan tỏa rộng khắp trong mọi lĩnh vực xây dựng nông thôn mới. Điều đó có được một phần cũng nhờ vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Theo ông Nguyễn Đình Hồng - Bí thư Đảng ủy xã Bình Tú, muốn xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh thì phải bắt đầu từ các chi bộ mà nòng cốt là các đảng viên ở cơ sở. Đảng viên ở xã luôn là tấm gương đi đầu trong mọi phong trào. Hàng năm, Đảng ủy xã cũng như các chi bộ thôn đều giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, hoàn thành công việc được giao. Nhiệm vụ của đảng viên gắn chặt với địa bàn dân cư cụ thể. Như tại các chi bộ thôn Phước Cẩm, mỗi đảng viên được phân công nhiệm vụ giúp một vài hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Hay ở thôn Tú Ngọc A, Tú Ngọc B, đảng viên đã thực hiện tốt vai trò vận động người dân hiến đất để làm đường giao thông nông thôn, kiên cố kênh mương nội đồng. Ở các chi bộ thôn Tú Cẩm hay Trường An, các đảng viên đã tham gia đóng góp sức người, sức của để thi công nhiều công trình hạ tầng quan trọng, phục vụ sản xuất.
Huyện Thăng Bình kịp thời khen thưởng, động viên các cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Đ.CAO |
Tại xã Bình Tú, nhiều mô hình làm nấm hiệu quả đang được nhân rộng. Người dân nông thôn đã có được nguồn thu nhập tương đối cao để ổn định đời sống. Đây cũng là một trong những hoạt động thể hiện vai trò đi đầu của cán bộ, đảng viên ở xã trong việc áp dụng các mô hình kinh tế mới tại địa phương. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt được ở ở Bình Tú trong thời gian qua nhờ sự đồng thuận cao của người dân. “Chất keo” kết dính tạo nên thành tích đó là nhờ sự linh hoạt vận động, đoàn kết người dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở xã. Theo Đảng ủy xã Bình Tú, địa phương luôn chú trọng đến công tác xây dựng nền tảng tư tưởng vững chắc cho cán bộ, đảng viên. Nhiệm vụ hàng đầu này được thực hiện tốt đã khiến cho niềm tin vào Đảng của người dân ngày một củng cố hơn.
Ông Hồng Quốc Cường - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thăng Bình cho biết, trong 5 năm qua, địa phương đã chú trọng tổ chức, thực hiện nhiệm vụ 3 mũi đột phá theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Các nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính được thực hiện tốt là nhờ vai trò “đầu tàu” của công tác phát triển nguồn nhân lực. “Nhiệm vụ xuyên suốt trong xây dựng Đảng ở huyện Thăng Bình trong thời gian qua là đào tạo nên nguồn nhân lực lớn mạnh. Nhắc đến thành tựu này không thể không nói tới sự chuyên nghiệp trong thực hiện các nhiệm vụ được giao của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, như Bình Tú và nhiều địa phương khác” - ông Hồng Quốc Cường nói.
Chú trọng quy hoạch
Theo Nguyễn Đức Tám - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thăng Bình, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là khâu đột phá trong công tác xây dựng Đảng ở địa phương. Huyện chú trọng quy hoạch để thực hiện tốt công tác đào tạo, bổ nhiệm, đề bạt và luân chuyển cán bộ. Khi bố trí cán bộ vào các cơ quan, ban ngành trên địa bàn, việc thảo luận tập trung, dân chủ được thể hiện công khai, minh bạch. Để thực hiện tốt quy hoạch, ngay từ đầu nhiệm kỳ, các cấp ủy đảng đều rà soát, bổ sung lẫn bồi dưỡng, theo dõi cán bộ, đảng viên. Trong thực hiện quy hoạch, chất lượng đảng viên, cán bộ đã có nhiều chuyển biến. Thành quả đó có được là nhờ Thăng Bình đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu. Cán bộ được đào tạo có số lượng lớn và toàn diện trên các lĩnh vực. Thời gian qua có 186 đồng chí được cử đi học đại học. Đào tạo sau đại học có 11 đồng chí. Đào tạo cao cấp lý luận chính trị và đại học chính trị là 46 đồng chí. Qua khảo sát tổng hợp, chất lượng đội ngũ cán bộ ở 2 cấp huyện và xã toàn diện hơn so với thời điểm năm 2010. Các chức danh trưởng, phó ở các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện có trình độ đại học, cao đẳng trở lên chiếm 89%, tăng 9,62% so với năm 2010. Ban thường vụ cấp ủy ở các xã có trình độ đại học trở lên chiếm 81%, tăng 6% so với thời điểm năm 2010.
Theo ông Hồng Quốc Cường, trong thời gian đến, Thăng Bình tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ huyện đến cơ sở, trong đó ưu tiên đào tạo cán bộ có trình độ thạc sĩ trở lên và lãnh đạo cấp cơ sở đạt chuẩn. Thăng Bình vận dụng các cơ chế của tỉnh và trung ương để thu hút, tuyển dụng cán bộ có trình độ chuyên môn sâu ở hầu khắp lĩnh vực. Còn theo ông Nguyễn Đức Tám, Thăng Bình chú trọng nguồn cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ có năng lực, uy tín để đào tạo, từng bước bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý. Cùng với đó, huyện sẽ đổi mới cách đánh giá cán bộ, coi trọng thực chất, công minh để quy hoạch và bố trí cán bộ.
ĐĂNG CAO