Sức nóng của hành tinh

QUỐC HƯNG 18/06/2023 17:21

(QNO) - Thế giới đi được nửa chặng đường của năm 2023. Nhiều kỷ lục khí hậu bị phá vỡ. Hành tinh nóng nhanh hơn nhiều so với dự kiến do ô nhiễm tăng và sự xuất hiện của El Nino. 

 
Đường phố Bắc Kinh đang trong những ngày nắng nóng kỷ lục. Ảnh: Reuters

Nhiệt độ toàn cầu tăng đột biến

Năm 2023 đang trở thành một trong những năm nóng nhất. Dữ liệu toàn cầu cho thấy nhiệt độ tăng vọt lên mức cao bất thường.

Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) công bố, 10 ngày đầu tiên của tháng 6/2023 chứng kiến nhiệt độ cao nhất vào thời điểm này trong năm. Đây cũng là lần đầu tiên nhiệt độ không khí toàn cầu trong tháng 6 vượt quá mức thời tiền công nghiệp hơn 1,5 độ C.

Nhiều vùng ở Đông Nam Á đang oằn mình với đợt nắng nóng kỷ lục trong khi nhiệt độ kỷ lục ở Trung Quốc gây chết gia súc và mùa màng, làm dấy lên lo ngại về an ninh lương thực.

Thành phố Turpan (Tân Cương) phía tây Bắc Trung Quốc ghi nhận nhiệt độ trên đường nhựa lên 67 độ C. Trong 2 ngày cuối tuần này, ít nhất 44 người tại bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) tử vong vì nắng nóng gay gắt. 

Sức nóng đại dương 

Các đại dương nóng mức kỷ lục và không có dấu hiệu dừng lại. Theo Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ, tháng trước là tháng 5 nóng nhất được ghi nhận đối với các đại dương trên thế giới. Năm 2022, các đại dương phá kỷ lục nhiệt năm thứ tư liên tiếp.

Nhà khí hậu học Maximiliano Herrera không nghĩ rằng sự nóng lên nhanh chóng đến sớm như vậy. "Ngay cả trước khi El Nino đến lần này, các vùng nhiệt đới và đại dương trải qua quá trình nóng lên rất nhanh" - ông Maximiliano Herrera nói.

 
Nhiệt độ đại dương tăng nhanh. Ảnh: Pexels/Pixabay

Sự nóng lên của đại dương gây ra những hậu quả nghiêm trọng bao gồm hiện tượng tẩy trắng san hô, sự tuyệt chủng của sinh vật biển và mực nước biển dâng cao. Trong khi đó, El Nino gây khô hạn nặng nề tại châu Á nhưng mưa lớn tại Mỹ...

Băng biển Nam Cực ở mức thấp kỷ lục

Các nhà khoa học lo ngại rằng đây là một dấu hiệu nữa cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đã đến khu vực được cho là cô lập này. 

Vào cuối tháng 2/2023, biển băng ở Nam Cực đạt mức thấp nhất kể từ khi hồ sơ bắt đầu vào những năm 1970 hay lần đầu tiên giảm xuống dưới 2 triệu ki lô mét vuông. 

Tiến sĩ Ted Scambos - nhà nghiên cứu về sông băng tại Đại học Colorado-Boulder (Mỹ) nói với CNN rằng sự sụt giảm biển băng Nam Cực thực sự đáng báo động, làm tăng tốc độ ấm lên toàn cầu và đẩy mực nước biển càng dâng cao, sẽ nhấn chìm nhiều vùng trũng thấp...

 
Băng biển Nam Cực tan chảy nhanh. Ảnh: Reuters 

Khí thải CO2 kỷ lục

Đầu tháng 6/2023, Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) và Viện Hải dương học Scripps tại Đại học California ở San Diego (Mỹ) báo cáo rằng mức độ khí thải CO2 trong không khí từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch đạt mức kỷ lục vào tháng 5 vừa qua.

 
Nhà máy nhiệt điện than Niederaussem, Đức. Ảnh: Reuters

NOAA cho biết mức độ ô nhiễm các-bon gây ra khủng hoảng khí hậu, hiện cao hơn 50% so với trước khi cách mạng công nghiệp bắt đầu.

Tiến sĩ Rick Spinrad - quản trị viên NOAA nói: "Hằng năm, chúng ta thấy mức độ CO2 trong bầu khí quyển tăng lên do hoạt động trực tiếp của con người. Hằng năm, thế giới chứng kiến tác động của biến đổi khí hậu trong các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt, cháy rừng và bão lốc". 

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sức nóng của hành tinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO