"Sức nóng" từ Doha

03/12/2012 01:19

Hội nghị Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần thứ 18 (COP-18) đang diễn ra tại thủ đô Doha của Qatar đang nóng dần lên khi gần 17 nghìn đại biểu tham dự đại diện gần 200 nước vẫn nỗ lực tìm kiếm những thỏa thuận nhằm ngăn chặn sự biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng khắc nghiệt hơn.

alt
Thế giới cần nỗ lực khẩn cấp hơn nữa để bảo vệ chính sự sống của chúng ra. (Ảnh Reuters)

Thế giới đã và đang gồng mình gánh chịu những cơn “thịnh nộ” nghiệt ngã hơn của thiên tai từ hạn hán, bão lụt đến lốc tố, sạt lở đất… gây tổn thất nặng nền về người và của. Theo thống kê của LHQ trong 20 năm qua, thế giới đã có hàng  triệu người thiệt mạng, 2.500 tỷ USD thiệt hại vì tác động của thiên tai. Ngay trước thềm hội nghị, LHQ đã khuyến cáo về tình trạng năm 2012 là đang trên đường trở thành một trong những năm nóng kỷ lục. Trong đó, đáng chú ý là thực trạng tan băng của gần 12 triệu km2 băng đá vùng Bắc Cực chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 3 - 9. 2012. Bên cạnh đó, lượng khí thải CO2 đã tăng thêm 20% từ năm 2.000. Gần đây nhất, một dự án nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới khuyến cáo nhiệt độ trái đất có thể tăng lên 4 độ C vào năm 2060 và sẽ mang lại nhiều hậu quả tàn khốc nếu chính phủ các nước không hành động khẩn cấp để đối phó những tác động của biến đổi khí hậu. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, ông Jim Yong Kim nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không bao giờ có thể xóa đói nghèo nếu không giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với xã hội hiện nay”.

Trong khi đó, Nghị định thư Kyoto -  một thỏa thuận quốc tế duy nhất mang tính ràng buộc đối với các nước phát triển về giảm lượng khí thải nhà kính, nguyên nhân chính làm trái đất nóng lên -  ra đời năm 1997 đã kêu gọi thế giới tùy theo mức độ ô nhiễm của mỗi nước, đến năm 2012 buộc phải cắt giảm 5,2% lượng khí thải nhà kính. Song, cho đến nay Nghị định thư Kyoto trên thực tế vẫn được xem là không khả thi. Và trong khi thời hạn 2012 sắp kết thúc, thế giới tiếp tục chạy đua với thời gian với hy vọng cho ra đời một thỏa thuận quốc tế mới về chống biến đổi khí hậu. Phát biểu khai mạc hội nghị lần này, Bộ trưởng Quan hệ quốc tế của Nam Phi, Maite NKoana - Mashabane kêu gọi các đại biểu tham dự nỗ lực để đưa ra được một kế hoạch hành động cho 3 năm tới, hướng đến mục tiêu là một thỏa thuận toàn cầu về ứng phó biến đổi khí hậu được triển khai từ năm 2020. Thêm nữa, một trong những ưu tiên của hội nghị là đảm bảo sự tiếp nối của Nghị định thư Kyoto và lập kế hoạch hành động theo tinh thần Tuyên bố Durban - một cơ chế đàm phán mới về khí thải nhà kính. Các nước cũng sẽ đề cập đến việc huy động nhiều tỷ USD hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu. Nhà môi trường Ruth Davis thuộc nhóm bảo vệ môi tường Greenpeace tại London, Anh đã nói, cần phải có những thay đổi về chính sách trong lúc có nhiều người hơn trải nghiệm các tác động của sự biến đổi khí hậu.

Điểm nhấn trong hoạt động của Đoàn Việt Nam tại COP - 18 là Hội thảo bên lề “Chính sách phát triển, cơ chế tài chính, chuyển giao công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu”. Tại đây, Đoàn Việt Nam sẽ giới thiệu mô hình Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SPRCC) đang được thực hiện có kết quả tại Việt Nam, thảo luận về “Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia” (NAMAs) ở Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, quản lý chất thải…

ĐỨC BÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Sức nóng" từ Doha
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO