Nga - Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã ban hành các lệnh trừng phạt kinh tế lẫn nhau bắt nguồn từ khủng khoảng Ukraine. Đối tượng bị thiệt hại là người tiêu thụ, nông dân và các nhà sản xuất của các bên.
Để đáp trả lệnh cấm vận kinh tế của EU và Mỹ áp đặt đối với Nga, cách đây một tuần, Nga chính thức ban hành lệnh “cấm toàn diện” đối với thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, cá, phô mai, sữa và các sản phẩm từ sữa, rau quả nhập khẩu từ các nước Australia, Canada, EU, Mỹ và Na Uy trong thời hạn một năm và có thể xem xét lại nếu các bên đạt được thỏa thuận. Trước đó, Nga tung ra một loạt các lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm nước ngoài để “bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Nga”, các mặt hàng như sữa, pho mát, hành tây từ Ukraine; đào từ Hy Lạp; táo từ Ba Lan, hoa quả khác từ Moldova, hay thịt từ Tây Ban Nha. Lệnh cấm vận này khiến nông dân các nước chịu thiệt hại khi hàng hóa giậm chân tại chỗ. Chính phủ các nước yêu cầu ủy ban EU bồi thường 400 triệu euro để đền bù cho nông dân khu vực liên quan đến việc đình chỉ xuất khẩu sang Nga.
Nhiều nông dân ở châu Âu bắt đầu nao núng khi phải dừng xuất khẩu nông sản sang Nga. |
Không chỉ có nông dân, chính phủ các nước EU cũng lo ngại khi các mặt hàng nông phẩm trong khu vực thay vì được xuất khẩu sang Nga nay lại đổ dồn vào thị trường các nước trong khu vực khiến giá cả hàng hóa đứng trước nguy cơ giảm giá sâu, gây thiệt hại cho người sản xuất. Nhiều nước buộc phải đề nghị các nước ngoài khu vực mở cửa thị trường. Theo tư liệu của Ủy ban châu Âu, thị phần nhập khẩu của EU vào Nga là khoảng 30% trái cây và hơn 20% các loại rau, ước khoảng 30 tỷ USD.
Trước đó, EU tiến hành lệnh trừng phạt kinh tế Nga nhằm vào các lĩnh vực tài chính, thương mại và năng lượng, có hiệu lực từ ngày 1.8. Một số báo Pháp bình luận rằng: Nga sẽ cạn tiền nếu tiếp tục đọ sức với phương tây. Tờ báo Liberation của Pháp dẫn lời nhà kinh tế Serguei Gouriev rằng, nếu tiếp tục đeo đuổi các biện pháp cứng rắn thì Nga sẽ “cạn tiền” từ nay đến năm 2018. Cũng theo Gouriev, Nga sẽ không ngưng cung cấp khí đốt và dầu khí cho phương tây lâu dài bởi Nga cần nguồn thu nhập từ đây để cải thiện nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Chính phủ Nga cũng thừa nhận ngay sau lệnh cấm vận lên EU và Mỹ, Nga đang phải đối phó với sức ép chống tăng giá và tình trạng khan hiếm hàng hóa ở các siêu thị. Bộ Nông nghiệp và Bộ Kinh tế Nga còn dự báo lạm phát có thể sẽ bùng phát trở lại ở mức hai con số trong thời gian ngắn hạn. Do đó, chính quyền sẽ phải thỏa thuận với các nhà phân phối và đại lý bán hàng trên cả nước nhằm nâng cao thị phần sản phẩm nội địa, kiềm chế giá cả và chống những kẻ cơ hội lợi dụng tình hình để đẩy giá cả lên cao. Bộ Thương mại Nga cũng đã làm việc với hơn 40 nhà xuất khẩu từ các nước Mỹ La tinh đề nghị sớm tham gia thị trường Nga. Trong khi đó, Thủ tướng Nga Medvedev cho rằng lệnh cấm vận kéo dài một năm này sẽ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong nước.
QUỐC HƯNG