Sáng mai 27.12, UBND huyện Duy Xuyên khánh thành chợ mới Nam Phước. Dự án động lực này chính là bước đột phá mở đầu cho tiến trình phát triển đô thị loại IV của địa phương.
Chợ mới
Chợ mới Nam Phước khuất sau dãy nhà đang hối hả dựng xây, bám theo mặt quốc lộ 1, nhão nhẹt bùn đất ven đường dưới những ngày mưa dai dẳng. Các gian hàng nơi khu trung tâm hay chỗ bán hàng tươi sống đều có lối bày biện theo một kiểu thiết kế, đồng bộ. Từng ngành hàng, nhóm hàng có mối liên hệ được sắp xếp liên hoàn, phù hợp. Những người thạo tin hay dạo chợ khắp nơi ví von người ta đã đưa chợ Hàn - một ngôi chợ đặc sản nổi tiếng đất Đà thành về bày trên đất thị trấn. Suốt một tuần nay, dường như ngày nào ông Phan Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cũng xuống chợ, lẫn giữa những tiểu thương sắp xếp, bày biện hàng hóa chuẩn bị cho ngày khánh thành. Người ta nói ông Cảnh vui với ngôi chợ mới như thể mừng chính căn nhà mới cất của gia đình mình. Trong tiếng nói cười của người dựng sạp, kẻ khuân vác, ông Cảnh nói vui vài ba ngày nữa không cần phải ra Đà Nẵng hay đi đâu xa, chỉ cần đến chợ mới Nam Phước là đã có thể thỏa sức mua sắm. Từ thời trang, mỹ phẩm, thủ công mỹ nghệ, sản vật đặc biệt của địa phương… dành cho mọi giới đều có đủ ở chợ.
Chợ mới Nam Phước. |
Ông Phan Đình Kỳ - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng 569 (chủ đầu tư dự án) nói, khu chợ mới ra đời đã “xóa sổ” về sự thiếu an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và nguy cơ cháy nổ, vốn là bài toán khó giải lưu cữu nhiều năm ở khu chợ cũ. Khu chợ mới Nam Phước đã được Bộ Công Thương chọn xây dựng thành chợ vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài việc bố trí cho hơn 500 hộ kinh doanh cố định có quầy sạp trong các khu nhà chợ và ki-ốt, khu vực này còn có đến 4.000m2 đất xung quanh dành cho sân bãi, hệ thống giao thông, cấp thoát nước thông qua các bể lắng, lọc trước khi xả ra sông Bàu Vân; điện cao áp hàng đêm chiếu sáng và các công trình phụ trợ, đủ khả năng tạo điều kiện cho hơn 200 hộ kinh doanh tập kết hàng nông sản phát luồng hàng đi mọi miền khu vực. “Khu chợ mới khang trang này là một công trình nằm trong tổng thể dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu đô thị và phố chợ Nam Phước. Dự án động lực này sẽ thúc đẩy thêm những dự án khác, góp phần phát triển toàn trung tâm thị trấn trong tương lai. Nó có thể trở thành một trạm dừng chân lý tưởng, một khu chợ đầu mối nông sản lớn nhất Quảng Nam” - ông Kỳ nói.
Khu chợ cũ nhếch nhác sắp được di dời. |
Sự khác biệt lớn nhất của khu chợ mới Nam Phước không phải vì kiến trúc, cảnh quan hay sự phân bố các mặt hàng đa dạng theo logic, mà chính là cách ứng xử vì “đại cuộc” của chính quyền địa phương. Có thể xem dự án an sinh (theo chủ trương của chính quyền) này như một cuộc “tái định cư” đặc biệt cho 347 tiểu thương chợ cũ đăng ký vào kinh doanh ở khu chợ mới. Họ không phải đóng góp tiền xây dựng chợ ban đầu, không nộp cả tiền lệ phí chợ trong vòng 3 tháng đầu và còn được hỗ trợ 20 - 30% tiền thi công khung bảo vệ gian hàng. Điều này đã dẫn đến sự bình yên, không lùm xùm, ồn ào như các dự án chợ mới khắp nơi giữa những ngày chộn rộn di dời đến địa điểm mới. Đó là chưa kể đến ngày khánh thành chợ (27.12, tức ngày mùng 6.11 âm lịch) cũng là ngày mà chính quyền, chủ đầu tư dự án thực hiện đúng theo ý nguyện của tiểu thương khi họ cho rằng đó là ngày tốt để dời chỗ làm ăn!
“Ươm mầm” đô thị tương lai
Khu chợ mới Nam Phước được xây dựng trên diện tích đất là 12.533m2, bao gồm chợ và công trình phụ trợ 4.767m2, đất sân vườn và giao thông 7.766 m2. Trong đó có: khu chợ trung tâm (khu A) 2 tầng có diện tích xây dựng 3.695m2, được trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy, hệ thống quầy sạp đồng bộ; khu B gồm 2 nhà (diện tích 2.208m2); khu nhà lồng (573m2); khu C (500m2) gồm 2 dãy ki-ốt, mỗi dãy 14 gian; khu nhà lồng ngoài sân phía bắc khu B (300m2); khu giết mổ gia súc, gia cầm (60m2). Các công trình phụ trợ gồm bể nước ngầm (100m2), 2 trạm bơm, 1 trạm điện, 1 trạm thu góm rác thải, các nhà để xe, đầy đủ hệ thống cấp nước, cấp điện, giao thông, đèn cao áp chiếu sáng xung quanh chợ và sân bãi (9.174m2). Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 45 tỷ đồng bằng vốn ngân sách (không kể chi phí bồi thường giải tỏa, đầu tư hệ thống mở đường giao thông nối quốc lộ 1 và tuyến ĐT610…). |
Không chỉ là chợ. Sau chợ sẽ là gì? Câu chuyện này đã được dân thị trấn luận bàn như thời sự trong nhiều tháng qua. Nam Phước vốn là một đô thị bên đường. Thị trấn nhỏ bé trên con đường thiên lý Bắc - Nam này vốn là một trạm dừng chân thay ngựa thời nhà Nguyễn và dấu tích của hai trụ Văn Thánh hàng huyện khai khoa tiến sĩ Lê Thiện Trị người Duy Xuyên là minh chứng cho chốn phồn hoa đô hội của xứ sở này. Người Nam Phước vốn đã lưu trong mình dòng máu dân đô thị. Nơi ấy tấp nập hàng quán thâu đêm suốt sáng. Thế nhưng, vẻ đẹp hình thức mà dân thị trấn miệt mài đua chen, chải chuốt hơn mấy chục năm qua, từng khiến nhiều người ngộ nhận đã bắt đầu lộ rõ sự khập khiễng với cái ruột bên trong từ lâu bị bỏ quên. Họ bắt đầu nhận ra và thất vọng khi sự sơn phết bên ngoài, rốt cuộc cũng chỉ là mớ hình ảnh bị đánh lừa. Thị trấn không còn vắng vẻ, nhưng vẫn là hai dãy nhà mặt phố kiến trúc lộn xộn, vụn vặt, vàng xỉn tháng năm. Nơi ngã ba chật chội ấy hai dãy nhà bưu điện, trung tâm thương nghiệp cũ như muốn tràn cả ra đường. Dân chúng khát thèm những khu chợ phố mới cho ra dáng vẻ đô thị thực sự. Ngay chính quyền huyện cũng thừa nhận là quy hoạch xây dựng trung tâm thị trấn đã được phê duyệt 10 năm trước vẫn không thể thực hiện được điều gì vì thiếu vốn, thiếu một chủ đầu tư thực sự có khả năng. Vì thế, khi chợ mới ra đời đã kéo theo nhiều hy vọng của dân chúng về sự “ươm mầm” cho một đô thị hiện đại trong tương lai. Ông Phan Đình Kỳ - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng 569 nói, sau chợ mới, một khu đô thị mới sẽ nhanh chóng được tiến hành xây dựng, mở rộng, làm tiền đề cho thị trấn đứng vào “gia đình” các đô thị loại IV. Khu đô thị mới được bố trí như một bàn cờ này được kéo từ bắc đường ĐT610 tới giáp cầu Bàu Vân, bảo đảm giao thông thông suốt theo các tuyến nhánh quốc lộ, tây giáp khu dân cư và đông giáp quốc lộ 1, tuyến ĐT610. Khu vực này có đủ các hạ tầng xã hội như nhà văn hóa, nhà trẻ theo quy mô khu phố… đáp ứng mọi nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng cư dân trong khu phố. Ông Văn Bá Thanh - Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước nói, chính chợ mới và khu đô thị này đã tác động lớn đến quy hoạch trung tâm thị trấn. Những hạ tầng thiết yếu sẽ hoàn thiện trong nay mai của khu vực này đã góp phần thêm “điểm” cho các tiêu chí trở thành đô thị loại IV của thị trấn Nam Phước.
Ông Nguyễn Công Dũng - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên chia sẻ, khu phố chợ mới đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn của thị trấn. Dự án động lực này sẽ làm nền tảng, kéo theo sự phát triển rộng lớn hơn của đô thị Nam Phước. Năm 2015, chính quyền địa phương sẽ hoàn tất việc đặt tên các tuyến đường tại thị trấn, mở rộng đô thị về khu đất phía đông, nâng cấp các tuyến giao thông trọng yếu và xúc tiến việc xây dựng một trung tâm văn hóa, thể thao tại Chợ Chùa. Khi tiểu thương chợ cũ di dời hết, chính quyền sẽ xúc tiến xây dựng khu mặt tiền phố chợ. “Chính quyền sẽ chủ động tìm nguồn lực, liên kết đầu tư, đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân để xúc tiến, triển khai các dự án đầu tư. Quan điểm của chính quyền không phải là tạo nguồn ngân sách để đầu tư cho nơi khác mà chính là lấy nguồn thu quỹ đất tại chỗ để đầu tư, phát triển, kiến thiết kết cấu hạ tầng thị trấn, phát triển đô thị” - ông Dũng nói.
NHẬT PHONG - HOÀNG THƠ