Đồi Yên Ngựa nằm giữa 2 mỏm đồi 49, 50 (thuộc thôn Tịch Tây, xã Tam Nghĩa, Núi Thành), là nơi quân và dân ta làm nên chiến công oanh liệt. Sau 50 năm vang danh với chiến thắng trận đầu đánh Mỹ, mảnh đất anh hùng Tam Nghĩa tiếp tục phát huy truyền thống xây dựng quê hương phát triển.
Một góc xã Tam Nghĩa hôm nay. Ảnh ĐOÀN ĐẠO |
Đổi thay trên đất anh hùng
Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi về thôn Tịch Tây, nơi diễn ra trận đầu đánh Mỹ. Chiêu ngụm trà xanh, ông Võ Phó (90 tuổi, thôn Tịch Tây) nhớ lại: “Hồi đó ruộng đất, nhà cửa của chúng tôi ở sát đồi 49, đồi 50 nhưng khi Mỹ đổ quân thì bị dồn xuống dưới này. Hồi xưa khó nhọc lắm, không có đường sá gì hết nên dân chỉ toàn lội đất cát mà đi”. Bí thư Chi bộ thôn Tịch Tây Nguyễn Tấn Hiền cho biết, trước đây Tịch Tây còn khó khăn lắm với hơn 90% dân số làm nông, ruộng phải làm 3 vụ, nước thì không đủ tưới. Sau ngày quê hương giải phóng, nhân dân đã chung tay từng bước để khắc phục khó khăn. Lúc trước toàn thôn chỉ toàn đường đất cát nay đã bê tông hóa được 2.000m trục đường chính của thôn, xây dựng được 6 cống thoát nước qua đường. Ông Hiến nói: “Về sản xuất, đến nay thôn cũng đã xây dựng được các tuyến giao thông nội đồng, bờ vùng bờ thửa, dồn điền đổi thửa ở một số diện tích, giúp đưa cơ giới hóa vào sản xuất thành công. Đồng thời được sự hỗ trợ của Nhà nước, đập Bà Quận đã được nâng cấp với tổng kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng, đảm bảo nước tưới cho cả 64,4ha đất lúa của thôn”.
Tịch Tây hôm nay không còn những căn nhà lợp lá dừa nước vách đất, mà thay vào đó là những ngôi nhà xây sạch đẹp. Thời gian qua, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, thôn đã xây nhà tình nghĩa cho 20 hộ nghèo, hoàn thành việc xóa nhà tạm. Thêm vào đó, nhiều hộ trồng rừng có thu nhập 50 - 100 triệu đồng/năm. Trồng lúa kết hợp chăn nuôi, trồng rừng và phát triển các dịch vụ, nâng đời sống người dân Tịch Tây dưới chân đồi Yên Ngựa ngày càng khấm khá, tỷ lệ hộ nghèo qua mỗi năm đều giảm xuống, đến nay chỉ còn khoảng 7,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 20 triệu đồng/người/năm. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao, hệ thống điện, đường được xây dựng. Đặc biệt, thôn Tịch Tây hiện còn 16ha rừng dừa nước nguyên sinh đang được bảo tồn và hiện tại chính quyền đang quy hoạch mở rộng lên 35ha. Trong tương lai đây sẽ là khu du lịch sinh thái hấp dẫn. Ông Nguyễn Tấn Huỳnh (thôn Tịch Tây) nói: “Người dân chúng tôi rất tự hào với di tích lịch sử trên đồi Yên Ngựa. Càng tự hào, chúng tôi càng cố gắng bảo tồn di tích và giáo dục, nhắc nhở thế hệ trẻ ghi nhớ chiến tích của cha ông, ra sức xây dựng quê hương giàu đẹp”.
Tiếp nối truyền thống
Chiến tranh đã biến Tam Nghĩa thành một vùng hoang hóa của huyện Nam Tam Kỳ (cũ) với ruộng vườn tiêu điều, đời sống người dân bị xáo trộn. Nhưng với bản chất cần cù, nhân dân xã Tam Nghĩa đã vươn lên vượt qua những khó khăn. Bây giờ, Tam Nghĩa đã không còn cảnh cát bỏng chân người khi tất cả tuyến đường chính của xã, các tuyến liên thôn đã bê tông hóa, cứng hóa 100%. Đời sống nhân dân xã Tam Nghĩa đã có nhiều đổi thay khi 100% nhà ở của dân đã được xây dựng kiên cố và bán kiên cố… Trên lĩnh vực kinh tế, Tam Nghĩa đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh công nghiệp - dịch vụ. Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Nam Chu Lai đóng chân trên địa bàn xã đã thu hút 81 công ty, xí nghiệp vào đầu tư sản xuất, hoạt động. Toàn xã có gần 900 hộ dân kinh doanh ở lĩnh vực thương mại dịch vụ rất đa dạng như dịch vụ vận tải, cơ khí sửa chữa ô tô, chế biến thực phẩm…
Song song với việc phát triển kinh tế - xã hội, Tam Nghĩa luôn là ngọn cờ đầu trong việc củng cố hệ thống chính trị, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Ông Châu Ngọc Hồng - Bí thư Đảng ủy xã Tam Nghĩa, cho biết: “Năm 1978, Đảng bộ xã Tam Nghĩa được thành lập chỉ có 30 đảng viên thì đến nay toàn đảng bộ đã có 286 đảng viên với 14 chi bộ đảng. Trải qua 23 kỳ đại hội, ở mỗi nhiệm kỳ với từng nhiệm vụ chính trị cụ thể, đảng bộ luôn khẳng định vai trò lãnh đạo chính quyền, mặt trận, các hội đoàn thể và quần chúng nhân dân xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xây dựng quê hương đi lên ngày càng giàu đẹp”. Theo ông Hồng, công tác xây dựng Đảng luôn được chú trọng. Chính vì vậy, việc triển khai các chủ trương, chính sách lớn của Trung ương, tỉnh, huyện và xã như xây dựng Cụm công nghiệp Nam Chu Lai, dự án mở rộng quốc lộ 1, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, xây dựng nông thôn mới… khi triển khai đều có sự thống nhất cao, đồng thuận trong quần chúng nhân dân. Ông Châu Ngọc Hồng chia sẻ: “Từ tình hình thực tế, sắp đến Tam Nghĩa tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bền vững, đẩy mạnh phong trào trồng rừng, bê tông hóa kênh mương, quy hoạch những vùng chuyên canh, phát triển công nghiệp – dịch vụ và xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người dân nơi vùng đất có trận đầu thắng Mỹ”.
ĐOÀN ĐẠO - VĂN PHIN