"Sức sống" kinh tế tập thể ở miền núi

VIỆT NGUYỄN 24/06/2023 14:40

(ĐS 21/6) - Năng động, linh hoạt thích ứng với thị trường là cách để các mô hình kinh tế HTX ở miền núi trụ vững, từng bước phát triển và góp thêm “sức sống mới” cho vùng cao Quảng Nam.

Ông Lê Văn Tá (trái) cùng ông Trần Phước Thanh bên mô hình liên kết nuôi heo đen bản địa. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ông Lê Văn Tá (trái) cùng ông Trần Phước Thanh bên mô hình liên kết nuôi heo đen bản địa. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Dấu ấn chuỗi giá trị

HTX Phát triển nông nghiệp Thịnh Vượng (thôn 2, xã Trà Giang, Bắc Trà My) ra đời tháng 4/2019, do ông Trần Phước Thanh làm Giám đốc, chuyên sản xuất, kinh doanh các loại giống cây trồng, vật nuôi và cung ứng vật tư nông nghiệp.

HTX hoạt động theo phương thức liên kết  sản xuất, bao tiêu sản phẩm: cung cấp con giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho nông dân và thu mua sau thu hoạch để chế biến thành phẩm cung ứng ra thị trường. Trong đó, thịt heo đen gác bếp và thịt dê cỏ xông khói là sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, tạo được thương hiệu trên thị trường.

Ông Trần Phước Thanh nói, vùng cao Bắc Trà My có rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp. HTX Phát triển nông nghiệp Thịnh Vượng linh hoạt lựa chọn sản phẩm phù hợp đón đầu thị trường, từng bước khẳng định vị thế để đem lại giá trị kinh tế cao cho đơn vị, gắn liền với ổn định thu nhập của bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, ở 9 huyện miền núi hiện có 177 HTX (nhiều nhất là huyện Tiên Phước có 55 HTX, ít nhất là huyện Phước Sơn có 4 HTX). Trong đó, có nhiều HTX sản xuất, kinh doanh hiệu quả như HTX Sản xuất, chế biến nấm Nhì Tây (Hiệp Đức), HTX Thương mại & dịch vụ Bắc Trà My, HTX Dược liệu Đức Huy Tây Giang, HTX Trầm hương Tasiho (Tiên Phước), HTX Tây Bà Nà (Đông Giang)...

Chúng tôi đến tham quan mô hình liên kết với HTX Phát triển nông nghiệp Thịnh Vượng để nuôi heo đen của ông Lê Văn Tá (thôn 2, xã Trà Giang). Ông Tá cho biết, đang nuôi 60 con heo đen bản địa; con giống do HTX cung cấp chất lượng tốt, sức đề kháng mạnh cộng với kỹ thuật nuôi phù hợp nên miễn dịch với các loại bệnh thông thường, phát triển tốt.

Heo giống của HTX cung cấp có trọng lượng gần 10kg/con, sau 3 tháng nuôi đạt khoảng 30kg/con, HTX thu mua giá heo hơi mức 120 nghìn đồng/kg. Heo đen bản địa thích ứng với điều kiện tự nhiên của vùng đất, ăn chủ yếu là các cây trồng trong vườn, không ăn cám công nghiệp, thịt heo thơm ngon đặc trưng. 

Quảng Nam có 9 huyện miền núi với các điều kiện tự nhiên, xã hội đặc thù phù hợp với phát triển HTX. Thực tế cho thấy hầu hết HTX ăn nên làm ra, nhất là tập hợp được người dân vùng cao phát triển bền vững chuỗi liên kết các loại cây dược liệu.

Ở huyện Tiên Phước, HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Nhật Linh (xã Tiên Cảnh) đã liên kết với nông dân để tạo vùng nguyên liệu, thu mua và chế biến, sơ chế các đặc sản tiêu, rượu lòn bon, trầm hương, trong đó đặc sản “rượu lòn bon Tiên Phước” được UBND tỉnh xếp hạng 4 sao OCOP.

Hay các HTX ở vùng cao Tây Giang đã liên kết với người dân để trồng, chế biến các sản phẩm đặc trưng nức tiếng như đẳng sâm, sâm ba kích, táo mèo, sa nhân, mật ong… góp sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Đổi mới, đón đầu thị trường

Nhiều HTX ở miền núi Quảng Nam đã huy động các nguồn lực từ vốn tự có, tiếp cận vốn vay ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, tín dụng chính sách xã hội để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Cùng với chú trọng cải tiến chất lượng sản phẩm hàng hóa, các HTX đã đầu tư lớn cho bao bì, nhãn mác bắt mắt cũng như tham gia các hội chợ, triển lãm, chương trình kết nối cung cầu, giao thương để hàng hóa ngày càng vươn xa, nhất là xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thành Quảng - Giám đốc HTX Quế Trà My Minh Phúc (Bắc Trà My) nói, HTX ra đời với sứ mệnh khẳng định và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa các giá trị của cây quế Trà My. Để trích xuất phần tinh túy nhất của quế Trà My, HTX đã chế biến với quy trình nghiêm ngặt, hệ thống tiên tiến và đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Võ Bảy - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đánh giá, trong bối cảnh phục hồi sản xuất sau đại dịch, nhiều HTX ở miền núi đã tập trung đáp ứng các dịch vụ cơ bản phục vụ sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn thành viên sản xuất theo kế hoạch, theo lịch thời vụ...

Về cơ bản, các HTX ở miền núi đã tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế thành viên, từng bước khắc phục một số mặt hạn chế của kinh tế hộ; hỗ trợ nông dân hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần xây dựng xã nông thôn mới, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm…

Điểm chung trên con đường khẳng định vai trò, vị thế của các HTX ở miền núi là sở hữu tư duy đổi mới, đón đầu thị trường để xây dựng sản phẩm có sức cạnh tranh tốt, chiếm lĩnh niềm tin của khách hàng.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, cách tổ chức sản xuất, kinh doanh chặt chẽ là dấu ấn của các HTX ở miền núi. Hoạt động của các HTX đã thay đổi ý thức của người dân vùng cao, chuyển từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, tự phát sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa phù hợp với vận động của thị trường.

“Các HTX ở miền núi đã chứng minh từ sản phẩm thô sẽ tạo nên giá trị vượt trội khi biết chế biến với công nghệ tiên tiến, quy trình sạch, tầm nhìn xa và đích đến là đem lại giá trị kinh tế lớn. Niềm tin của khách hàng, sự đón nhận của thị trường khẳng định thành quả lớn cho những nỗ lực không ngừng của các HTX ở miền núi” - ông Ngô Tấn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Sức sống" kinh tế tập thể ở miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO