Điện Bàn tích cực thực hiện chương trình xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng để xứng đáng với tầm vóc của một thị xã.
Thực hiện nếp sống mới
Từ năm 2006 đến nay, thị xã Điện Bàn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội. Kể từ đó, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây đã có sự lột xác rõ nét và tạo được nhiều dấu ấn đáng kể. Điện Bàn có dân số hơn 200 nghìn người nên áp lực điều chỉnh các đối tượng trong việc cưới, việc tang là rất lớn. Các hoạt động này lại thực hiện theo phong tục, nghi thức từ xưa nên việc thay đổi tập quán của người dân là không hề dễ dàng. Trưởng phòng VH-TT thị xã Điện Bàn, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, xuyên suốt nhiều năm nay, từ Cổng thông tin điện tử Điện Bàn, Đài Truyền thanh - truyền hình thị xã đến đài truyền thanh xã, phường liên tục truyền tải thông tin từ những cuộc họp, ngày hội đại đoàn kết toàn dân… để người dân hiểu và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội. Ngoài ra, các đoàn thể, mặt trận cũng phối hợp với trưởng thôn, trưởng khối phố sâu sát vận động đến từng gia đình để loại bỏ hủ tục lạc hậu.
Lễ hội Thanh minh tại Điện Quang là sự kiện để cháu con tìm về cội nguồn, tri ân công đức tiền nhân. ảnh: CÔNG TÚ |
Trước đây, việc cưới, tang diễn ra với nhiều nghi thức rườm rà, vừa tốn kém tiền bạc lại vừa mất thời gian. Hiện nay, ngoài xóa bỏ những hình ảnh như khóc thuê, lăn đường, đội mũ gai… trong tang ma, hầu hết địa phương trên địa bàn thị xã cũng đã thực hiện quy định không rải vàng mã trên đường đưa tang. Cộng đồng dân cư xem việc lễ hội, cưới hỏi như dịp để gắn kết tình cảm họ hàng, xóm giềng nên sinh hoạt chừng mực và có kiểm soát. Đơn cử như ở xã Điện Quang, từ cuối tháng 12.2015, các đám tang không còn xuất hiện tình trạng rải vàng mã mà phải đốt ở những vị trí nhất định. Hầu hết các khu dân cư trên địa bàn xã cũng đã bỏ thông lệ uống rượu bia trong tang lễ, đãi khách linh đình trong ngày mở cửa mả, làm tuần 49 hay 100 ngày. Hằng năm, lễ hội Thanh minh tổ chức vào tháng 3 âm lịch thường quy tụ hàng chục nghìn người dân và du khách tham dự. Thế nhưng, hoạt động văn hóa này luôn được xã tổ chức nền nếp và đậm nét truyền thống, không để các hoạt động biến tướng xuất hiện trong lễ hội.
Xây dựng phố văn minh
Trở thành thị xã, Điện Bàn đối mặt với nhiều thách thức mới. Trong đó, việc tạo ra một diện mạo mới cho đô thị cũng như sự chuyển biến về ý thức cho cư dân trên địa bàn là một nhiệm vụ trọng tâm của quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Giai đoạn 2016 - 2020, thị xã dự kiến có tổng cộng 67 tuyến đường thuộc 7 phường sẽ được chỉnh trang, xây dựng để đạt chuẩn tuyến phố văn minh đô thị. Theo ông Lê Thân - Bí thư Thị ủy Điện Bàn, tất cả tuyến phố nằm trong danh sách này đều phải đảm bảo đủ các tiêu chí về trật tự, an toàn giao thông; mỹ quan, văn minh đô thị; giữ gìn vệ sinh môi trường. Ngoài ra, các ngành chức năng cũng phải nghiên cứu xây dựng thí điểm một tuyến phố kiểu mẫu trong thời gian tới để đúc rút kinh nghiệm, tiến tới quy hoạch, xây dựng đồng bộ cho tương lai. Hiện tại, ngoài phường Vĩnh Điện đã có một hệ thống các tuyến phố văn minh tương đối hoàn chỉnh với 9 tuyến phố được công nhận, các địa phương còn lại vẫn còn gặp rất nhiều trở lực. Đơn cử, việc thay đổi hành vi, nếp sống cư dân nông thôn đã gắn bó lâu đời để thích ứng với môi trường đô thị là chuyện không dễ. Trên các tuyến phố, tình trạng thả rông súc vật, lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán tự phát vẫn thường xảy ra. Ở Điện Ngọc, một số khu đất dự án du lịch bị bỏ dở trở thành nơi “tập kết” rác thải sinh hoạt. Thực trạng ấy khiến địa phương nhiều lần phải bỏ kinh phí để xử lý nhưng tìm kiếm một giải pháp căn cơ thì nằm ngoài khả năng của phường.
Điều trăn trở nữa là, làm thế nào để người dân chấp hành việc giữ vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh một cách thực sự chứ không phải thực hiện mang tính hình thức. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho Đội kiểm tra quy tắc đô thị Điện Bàn càng có vai trò hết sức quan trọng trong công tác quản lý trật tự đô thị. Ông Nguyễn Đình Chấn - Đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc đô thị Điện Bàn nói: “Từ khi trở thành đô thị, hàng loạt dịch vụ bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở Điện Bàn. Các hãng taxi Mai Linh, Thu Bồn, Tiên Sa thường xuyên đậu đỗ ở khu vực ngã 3, ngã 4, lấn chiếm vỉa hè gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Cho nên, thời gian qua, đội đã huy động toàn lực để ra quân kiểm tra, xử lý chấn chỉnh nhiều cá nhân, tập thể để trả lại sự thông thoáng cho các tuyến đường đô thị. Và trong thời gian đến, các thành viên sẽ phấn đấu giải quyết rốt ráo nhiều vi phạm”. Có thể nói, dù đối mặt với những thách thức nhưng cả hệ thống chính trị ở thị xã cùng chung tay góp sức thực hiện mục tiêu xây dựng Điện Bàn trở thành đô thị văn minh và xanh - sạch - đẹp.
QUỐC TUẤN