Trong khi các trạm truyền thanh do hợp tác xã (HTX) thành lập ở huyện Quế Sơn đều tan rã thì Trạm Truyền thanh Quế Xuân 2 vẫn đứng vững và phát triển gần 35 năm nay.
Theo tài liệu của Đài Truyền thanh - truyền hình huyện Quế Sơn, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ở Quế Sơn chỉ có duy nhất Trạm Truyền thanh Quế Sơn ra đời vào tháng 2.1976. Trạm có 2 kỹ thuật viên, thiết bị gọn nhẹ gồm 2 máy tăng âm 40W và 100W hiệu TOA của Nhật, 2 bình ắc quy 12V-135Ah, 5 loa phát thanh được bắt trong khoảng 1km từ trung tâm làm việc tạm thời của huyện Quế Sơn đặt ở Trường Dân Trí (nay là Trường THPT Trần Đại Nghĩa) kéo ra khu vực lân cận. Đến năm 1979, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp phát triển đồng loạt trên địa bàn huyện Quế Sơn và chính các HTX này đã xây dựng nên các trạm truyền thanh cơ sở. Từ một số trạm truyền thanh ban đầu do các HTX nông nghiệp Quế Phú, Quế Trung, Quế Lộc 2 và HTX 2 Quế Xuân thành lập, về sau hàng loạt HTX ở các địa phương tiết kiệm, chắt chiu tiền của cũng đã thành lập trạm truyền thanh nhằm phục vụ công tác tuyên truyền ở địa phương. Giai đoạn 1979 - 1985 được xem là thời kỳ nở rộ của các trạm truyền thanh cơ sở với chất lượng hoạt động khá tốt. Tính đến cuối năm 1985, trên địa bàn huyện Quế Sơn có 17 trạm truyền thanh cơ sở hoạt động, kết nối với Đài Truyền thanh huyện Quế Sơn tạo ra mạng lưới thông tin truyền thanh rộng khắp trong huyện.
Một góc làm việc ở Trạm Truyền thanh HTX 2 Quế Xuân (nay thuộc xã Quế Xuân 2) hiện nay. Ảnh: PHẠM DUY THÁI |
Tuy nhiên hệ thống truyền thanh cơ sở ở Quế Sơn chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi. Sự chuyển đổi của nền kinh tế sang cơ chế thị trường khiến hàng loạt HTX nông nghiệp tự giải thể hoặc rơi vào tình trạng khó khăn. Do vậy, từ năm 1986 đến năm 2005 hầu hết trạm truyền thanh của các HTX ngừng hoạt động, dây và loa bị tháo gỡ; chỉ còn Trạm Truyền thanh của HTX 2 Quế Xuân (nay thuộc xã Quế Xuân 2) vẫn duy trì hoạt động. Ông Đoàn Tính - người có 33 năm gắn bó với trạm truyền thanh này cho biết, khi kinh tế HTX rơi vào tình trạng khó khăn, cũng như các nơi khác, Trạm Truyền thanh Quế Xuân có nguy cơ bị dỡ bỏ, nhưng nhờ các xã viên đã thống nhất giữ trạm truyền thanh bằng cách mỗi xã viên đóng một công điểm (khoảng 2 ang lúa) để trạm duy trì hoạt động. Ông Tính kể, khi trạm mới tiếp sóng chương trình Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) và Đài Truyền thanh - truyền hình huyện Quế Sơn, người dân rất hào hứng đón nhận, tiếng loa đã đánh thức một vùng quê trầm lắng. Với 5 chiếc loa nối trên đường dây mạ kẽm và một máy phát 100W ở thời điểm đầu, đến năm 1982 HTX ăn nên làm ra đã tiếp tục đầu tư máy tăng âm lên 200W và mở rộng mạng lưới loa phát thanh. Ngoài các chương trình kinh tế, chính trị, xã hội hằng ngày, người dân đặc biệt thích thú với chương trình sân khấu truyền thanh vào các tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần. Đến giờ phát chương trình này, người dân tập trung lại để cùng nghe các tiết mục tuồng, dân ca, còn mang trống để gõ và hát theo điệu nhạc. Bên cạnh đó, những thông báo của HTX về thời vụ, hướng dẫn cách làm ăn phát trên trạm được bà con quan tâm đón nghe… Có lẽ những ý nghĩa tinh thần đó đã cổ xúy cho động lực giữ trạm của người dân Quế Xuân trong suốt gần 35 năm qua. “Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, đội ngũ người làm truyền thanh cơ sở chúng tôi càng thấy tự hào khi trạm vẫn duy trì hoạt động, đem lại món ăn tinh thần bổ ích cho người dân” - ông Tính tâm sự.
Năm 2005, Trạm Truyền thanh HTX 2 Quế Xuân được chuyển giao về xã Quế Xuân 2 quản lý. Đến năm 2010, với sự hỗ trợ của huyện Quế Sơn, dây dẫn mạ kẽm được thay thế bằng dây lưỡng kim. Mạng lưới truyền thanh có tổng chiều dài đường dây 12km với 30 cái loa phát thanh đặt tại những điểm phù hợp ở các thôn. Hiện nay truyền thanh hữu tuyến đã được thay bằng thiết bị truyền thanh vô tuyến. Ngoài tiếp phát chương trình của đài tuyến trên và các thông báo của chính quyền xã, huyện, Trạm Truyền thanh xã Quế Xuân 2 đang tiến tới thành lập ban biên tập gồm 5 người để tự làm tin bài phát trong xã, phản ánh toàn diện đời sống kinh tế, xã hội trên địa bàn đến người dân.
Ông Lê Văn Năm - Trưởng đài Truyền thanh - truyền hình huyện Quế Sơn cho biết, sau thời kỳ các trạm truyền thanh ở cơ sở tan rã, chỉ còn Trạm Truyền thanh Quế Xuân và Đài Truyền thanh huyện hoạt động, thông tin đưa đến người dân bị thu hẹp không gian. Trước hiệu quả hoạt động do Trạm Truyền thanh Quế Xuân mang lại, năm 2005, lãnh đạo đài đã tham mưu cho HĐND huyện ra Nghị quyết số 44/QĐ-HĐND ngày 20.3.2006 thông qua đề án “Phát triển sự nghiệp truyền thanh - truyền hình huyện Quế Sơn giai đoạn 2006 - 2010”. Từ đó hệ thống truyền thanh dần được khôi phục ở 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. “Trong lịch sử phát triển của sự nghiệp truyền thanh - truyền hình huyện Quế Sơn, Trạm Truyền thanh HTX 2 Quế Xuân luôn được đánh giá cao. Một số cá nhân như ông Đoàn Tính luôn hết mình với công việc, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Quế Xuân” - ông Năm nói.
PHẠM DUY THÁI