Sức sống những làng nghề xứ Quảng

VĨNH LỘC 25/02/2023 13:50

(QNO) – Cải tiến mẫu mã, nắm bắt xu thế thị trường, giá cả phù hợp là những yếu tố then chốt giúp nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống Quảng Nam không chỉ tồn tại mà còn phát triển hiệu quả.  

Sản phẩm làng dệt Zara được khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Ảnh: V.L
Sản phẩm làng dệt Zara được khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Ảnh: V.L

Mở hướng đi riêng

Hơn 10 năm nay, những phụ nữ Cơ Tu làng Zara (xã Tà Bhing, huyện Nam Giang) mỗi sáng chiều hằng ngày lại tập trung về ngôi nhà sàn giữa làng dệt thổ cẩm. Với đôi tay khéo léo và sự cần mẫn, kiên trì, những người phụ nữ Cơ Tu nơi đây thêu và dệt lên hàng chục sản phẩm như tấm đắp, khố, váy, áo cho tới túi xách, khăn, ví cầm tay xinh xắn, tinh xảo.  

Là một trong những nghề có truyền thống lâu đời gắn liền đời sống, văn hóa nhiều thế hệ đồng bào Cơ Tu, song sản phẩm dệt thổ cẩm Zara chỉ thực sự được biết đến kể từ năm 2003 thông qua sự hỗ trợ, giúp đỡ của Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế Nhật Bản (FIDR).

Năm 2011 đánh dấu cột mốc hồi sinh mới của dệt Zara khi HTX Dệt thổ cẩm Zara được thành lập tập hợp những phụ nữ trong làng tham gia dệt, may và kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm theo hướng du lịch cộng đồng.

[VIDEO] - Làng dệt Zara mở hướng đi riêng theo hướng du lịch

Bà Nguyễn Thị Kim Lan – Chủ nhiệm HTX Dệt thổ cẩm Zara cho biết, nếu như trước đây phụ nữ Cơ Tu chủ yếu thêu cườm, dệt may tại nhà, thì nay tất cả cùng tập trung làm việc tại cơ sở HTX nhằm không chỉ trình diễn, giới thiệu sản phẩm, nơi đây còn trở thành điểm trưng bày, bán hàng cho du khách tham quan.

Từ sau dịch COVID-19 đến nay, hoạt động tiêu thụ sản phẩm cũng bắt đầu khởi sắc, ngoài một số nơi đặt hàng, thổ cẩm Zara cũng tham gia giới thiệu, bày bán tại các hội chợ, lễ hội trong và ngoài tỉnh. Thu nhập bình quân mỗi thành viên khoảng 500 nghìn đồng/tháng, dù không nhiều nhưng điều quan trọng nhất đã giúp kết nối những phụ nữ trong làng lại với nhau cùng làm việc, bảo tồn phát triển nghề dệt truyền thống của đồng bào.

Phát triển sản phẩm làng nghề theo hướng hàng hóa không chỉ giúp bảo tồn làng nghề hiệu quả mà còn góp phần tạo nên sức sống cho nghề.

Tại làng đúc đồng Phước Kiều, xã Điện Phương (thị xã Điện Bàn), việc cải tiến kỹ thuật, mẫu mã sản phẩm theo yêu cầu, thị hiếu khách hàng của một số cơ sở sản xuất đã giúp số lượng đơn hàng không ngừng gia tăng.

Làng đúc đồng Phước Kiều đã tự thay dổi nhằm thích ứng nhu cầu, thi hiếu thị trường. Ảnh: V,L
Làng đúc đồng Phước Kiều đã tự thay đổi nhằm thích ứng nhu cầu, thị hiếu thị trường. Ảnh: V.L

Ông Dương Ngọc Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Làng đúc Phước Kiều khẳng định, đạt được kết quả trên chính là sự kết hợp giữa 3 yếu tố then chốt. Thứ nhất là giá cả phù hợp với thị trường; thứ hai - sản phẩm đạt yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật; thứ ba - chất lượng đảm bảo, người tiêu dùng tin tưởng.

Công ty TNHH Làng đúc Phước Kiều là một trong những doanh nghiệp thành công nhất của làng đúc đồng Phước Kiều đến thời điểm hiện tại. Rất nhiều sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao, khối lượng lớn như đài phun nước, súng thần công, tượng danh nhân… đã được công ty chế tác thành công, mở ra hướng đi riêng cho nghề. Năm 2022, doanh thu của doanh nghiệp đạt hơn 17 tỷ đồng, đảm bảo việc làm thường xuyên cho 10 thợ nghề với mức thu nhập bình quân hơn 15 triệu đồng/tháng. 

Nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề

Có thể khẳng định, phát triển làng nghề, cụm làng nghề hiệu quả sẽ giúp tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh. Các phân tích cho thấy, thu nhập từ các hoạt động kinh tế làng nghề luôn cao hơn các hoạt động sản xuất nông nghiệp đơn thuần, đồng nghĩa địa phương nào có làng nghề phát triển, đời sống người dân cũng được cải thiện tốt hơn.

Nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề nhưng vẫn gìn giữ những nét truyền thống đang được nhiều làng nghê Quảng Nam thực hiện. Ảnh: V.L
Nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề nhưng vẫn gìn giữ những nét truyền thống đang được nhiều làng nghề Quảng Nam thực hiện. Ảnh: V.L

Những năm gần đây, thông qua các chương trình hỗ trợ khuyến công, một số cơ sở, sản xuất làng nghề nông thôn đã có những bước phát triển nhất định. Mẫu mã, sản phẩm cũng phong phú đa dạng hơn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề trên thị trường

Tính đến năm 2022, Quảng Nam có 45 làng có nghề, trong đó 34 nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận (4 nghề truyền thống, 30 làng nghề, làng nghề truyền thống). Tổng số cơ sở tham gia sản xuất ngành nghề nông thôn trên 9.985 cơ sở; tổng số cơ sở sản xuất tham gia hoạt động tại các làng nghề là 2.095 cơ sở, thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng trên 4,6 triệu đồng.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ tỉnh Quảng Nam, để nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... phải tái cấu trúc sản phẩm trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu thị trường, xác định những sản phẩm chủ lực cần duy trì và phát triển, những sản phẩm không có thị trường thì nên loại bỏ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, nghiên cứu đổi mới mẫu mã, khai thác thị trường. Tăng cường liên doanh, liên kết, khắc phục tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh.



Đặc biệt, cần thực hiện tốt quy hoạch cơ sở hạ tầng, đường sá, cảnh quan; phát triển làng nghề truyền thống theo cả chiều rộng và chiều sâu, kể cả gắn với hình thức du lịch làng nghề. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ, sự kiện… Tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động các làng nghề; có chế độ, chính sách cho các nghệ nhân làng nghề để họ tham gia truyền dạy nghề cho con cháu và các thế hệ trẻ, khắc phục tình trạng thiếu nguồn nhân lực, nhất là thợ có tay nghề chất lượng cao tại các làng nghề truyền thống.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sức sống những làng nghề xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO