Sức sống từ kỷ vật

ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG 01/09/2014 09:21

Những hiện vật dù đã nhuốm màu thời gian nhưng vẫn gợi cho người xem bao ký ức, hoài niệm, như sống lại những điều  xưa cũ…

Lưu giữ ký ức

 Bên cạnh không gian trưng bày văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Ca Dong, Bh’noong,… tại Lễ hội văn hóa - thể thao các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ XVIII, diễn ra tại Bắc Trà My vừa qua, là những hiện vật, hình ảnh, tư liệu quý về đề tài chiến tranh, công cuộc đổi mới đất nước. Tất cả đều in đậm những dấu vết về thời gian, không gian và cả những hoài niệm xưa cũ.
Như một bảo tàng thu nhỏ, bên góc trưng bày của huyện Nam Giang có những hiện vật quý. Sự khác biệt độc đáo đã tạo nên những gam màu ký ức vượt thời gian, như một sự hồi sinh chưa từng có. Đó là những chiếc nỏ (pa nanh), cung tên được đồng bào Cơ Tu sử dụng trong thời kỳ đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bám đất giữ làng; hay  những bi đông đựng nước; chiếc hăng gô đựng lương thực… đã gắn với một thời khói lửa trong kháng chiến của dân tộc. Cùng con trai tham quan khu trưng bày văn hóa các huyện miền núi tại Nhà truyền thống Bắc Trà My, chị Nguyễn Thị Thu Trang - người dân tộc Ca Dong dừng lại rất lâu để xem các mẫu hiện vật, hình ảnh tư liệu. Đứa con trai mới hơn 5 tuổi cũng hào hứng cùng mẹ. “Những thứ ở đây đều là hiện vật quý, có giá trị lịch sử cao, chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tiếp cận văn hóa vùng cao cho con trai của mình” - chị Trang chia sẻ.

Bàn đá in tờ báo Gung Dưr được trưng bày tại không gian văn hóa của huyện Nam Giang. Ảnh: NG.CÔNG
Bàn đá in tờ báo Gung Dưr được trưng bày tại không gian văn hóa của huyện Nam Giang. Ảnh: NG.CÔNG

Trong số những kỷ vật được trưng bày, rất nhiều người ấn tượng với chiếc bàn đá dùng để in ấn tờ báo Gung Dưr (Vùng lên) bằng hai thứ tiếng Kinh - Cơ Tu vào những năm đầu thập niên 60. Đây được xem là tờ báo đầu tiên, tiến bộ và hiệu quả nhất trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, Bác Hồ đến với đồng bào vùng cao ở các huyện miền núi phía tây của tỉnh; cũng như vận động đoàn kết, tăng gia sản xuất, phòng và chữa bệnh; dạy chữ, tuyên truyền xóa bỏ những tập tục lạc hậu tồn tại trong cộng đồng làng bản, giúp giác ngộ lý tưởng cách mạng, vùng lên đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bám đất giữ làng. Theo ông Aviết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, ngoài các hiện vật do đồng bào tự sáng chế, những hình ảnh tư liệu, sản vật truyền thống…, khu trưng bày huyện Nam Giang còn có cả những kỷ vật nổi tiếng một thời như: bàn đá in tờ báo Gung Dưr, chiếc radio cổ do nhà thơ Tố Hữu gửi tặng đồng bào làng Rô vào năm 1973. Tất cả đều in dấu thời gian, trở thành những kỷ vật vô giá luôn được đồng bào lưu giữ cẩn thận.

Tái hiện không gian lễ cưới của đồng bào vùng cao.
Tái hiện không gian lễ cưới của đồng bào vùng cao.

Không bao giờ cũ

Ở các khu trưng bày, mỗi hiện vật đều mang giá trị văn hóa, tái hiện những dấu ấn vẻ vang của lịch sử, ghi dấu sự trưởng thành cũng như công tác bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Những hiện vật đã khơi dậy niềm tự hào, sự tôn kính và tôn vinh giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao đối với người xem, đặc biệt là thế hệ trẻ. Không bao giờ xưa cũ, nói như ông Dương Trinh - Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Trà My thì, “các hiện vật có thể không còn nguyên vẹn như trước đây nhưng giá trị lịch sử, giá trị nhân văn, tính giáo dục và niềm tự hào dân tộc luôn tươi mới, được hồi sinh qua mỗi lần trưng bày. Đó chính là giá trị thực sự, giá trị của tinh thần dân tộc, đoàn kết sắt son để vượt qua mọi thử thách”.

Bức ảnh anh Trần Minh Cả chụp chung với đồng bào Bh’noong tại khu trưng bày của huyện Phước Sơn.
Bức ảnh anh Trần Minh Cả chụp chung với đồng bào Bh’noong tại khu trưng bày của huyện Phước Sơn.
Bức ảnh anh Trần Minh Cả
Thật bất ngờ, tại không gian trưng bày của huyện Phước Sơn, ngoài những mẫu vật văn hóa truyền thống, đồng bào còn trưng bày những hình ảnh tư liệu về cố Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả chụp chung với đồng bào, nghệ nhân và các em thiếu nhi dân tộc Bh’noong của huyện Phước Sơn. Theo ông Nguyễn Thế Thọ - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Phước Sơn, đây là những bức ảnh quý được địa phương lưu lại, chụp nhân sự kiện Lễ hội văn hóa - du lịch các dân tộc miền núi Quảng Nam tại thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn) vào năm 2006. “Có quá nhiều tình cảm, kỷ niệm đẹp mà đồng bào vùng cao không thể nào quên với anh”- ông Thọ chia sẻ.
Giữa không gian của lễ hội, bất chợt có những bước chân như chững lại, nhìn về phía bức ảnh, như cố tìm kiếm điều gì trong ký ức, đầy cảm động. Vẫn nụ cười hiền, cùng chiếc áo khoác thổ cẩm của đồng bào vùng cao, trong thâm tâm của đồng bào Cơ Tu, Ca Dong, Xê Đăng, Bh’noong… tình cảm mà họ dành cho anh Trần Minh Cả vẫn luôn vẹn nguyên sâu thẳm, vẫn ngân vang như nhịp chiêng của lũ làng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tri Hùng (Ban Dân tộc tỉnh) nói rằng, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao Quảng Nam thật sự đa dạng, đa sắc màu cả trong đời sống sinh hoạt, tập tục nghi lễ và luôn có chiều sâu văn hóa. Bởi vậy, những ngày có mặt tại lễ hội, ông Hùng đi từ khu trưng bày này đến khu trưng bày khác, chăm chú từng hiện vật, bộ sản phẩm, rồi tìm hiểu thông tin từ hướng dẫn viên ở các đoàn. “Với văn hóa vùng cao, tôi có sự say mê kỳ lạ, luôn cuốn hút và tạo ấn tượng đặc biệt, nhất là văn hóa của đồng bào Cơ Tu, Bh’noong, Tà Riềng… với những giá trị rất đặc trưng về chiều sâu văn hóa, thể hiện đúng bản chất của từng tộc người, từng vùng đất mà họ sinh sống”- nhà nghiên cứu Nguyễn Tri Hùng cho hay.

Ở bất kỳ lễ hội nào được tổ chức, không gian văn hóa vùng cao luôn tạo được sự chú ý của đông đảo du khách, những nhà nghiên cứu văn hóa, cùng người dân địa phương. Đó không chỉ là một sự chiêm ngưỡng vẻ đẹp, mà còn là sự tôn vinh, quảng bá và tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Đó là những chiếc gùi của phụ nữ, những màu sắc hoa văn của thổ cẩm, những chiếc ná, chiếc nỏ và cả trong văn hóa rượu cần, ẩm thực truyền thống… của đồng bào Cơ Tu, Ca Dong, Bh’noong. Một sự giao thoa mang đầy màu sắc, ý nghĩa và luôn để lại những dấu ấn đặc biệt không thể phai mờ. Điều đó cũng đã được chứng minh thông qua các nghi thức trong sự kiện tái hiện không gian lễ cưới của đồng bào các dân tộc tại lễ hội, tạo nên sự mới lạ độc đáo, trở thành “điểm nhấn” thu hút người xem. Hơn thế nữa, mọi thứ như tiếp tục được hồi sinh, khẳng định giá trị ngay giữa dòng chảy hiện đại.

ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sức sống từ kỷ vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO