Đã đặt chân đến cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), không ai là không muốn đến Lũng Cú - nơi có cột cờ quốc gia trên đỉnh núi Rồng. Cũng thật lạ, chưa bao giờ cảm thức chủ quyền thiêng liêng của dân tộc cứ ùa về tự nhiên trong tôi như ở nơi này…
Ngày 2.9.2010 cột cờ quốc gia Lũng Cú được nâng cấp hoàn chỉnh.
Ở nơi đỉnh điểm chót vót này, lần đầu tiên tôi được các chiến sĩ của Đồn Biên phòng Lũng Cú tường tận kể về nhiều tích thiêng. Lũng Cú được ví như đỉnh chóp giữa đường biên giới Việt - Trung với hai điểm thấp nhất nằm ở A Pa Chải (Điện Biên) và Sa Vĩ (Móng Cái).
Sừng sững cột cờ Lũng Cú. |
Theo cách đọc chệch của người Mông, “Lũng Cú” - Long Cổ, có nghĩa là trống của vua. Tích rằng, sau khi đại phá quân Thanh, vua Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống đồng rất lớn tại Lũng Cú. Cứ mỗi cầm canh, trống lại được gióng lên ầm vang sang tận bên kia biên giới. Tại một trong 8 chân cột cờ hình bát giác in các bức phù điêu bằng đá có ý nghĩa minh họa cho các giai đoạn lịch sử của đất nước. Hình tượng trống đồng Đông Sơn được khắc họa rõ nét đã hùng hồn khẳng định tâm thế ấy. Tích rồng thiêng đến ngụ tại ngọn núi thiêng Lũng Cú cũng đã được giải thích từ cách chệch âm: Lũng Cú sang Long Cư (nơi rồng ngụ). Từ đỉnh cột cờ cách mặt nước biển 1.700m nhìn xuống khó thấy 2 ao nước quanh hai bên núi. Tuy nhiên, người dân nơi đây minh định rằng, 2 ao nước đã hiện hữu từ ngàn đời nay là hiện thân của mắt rồng. Đó cũng là mạch nước chính để sinh hoạt và trồng trọt từ bao đời nay của các dân tộc sống xung quanh núi như Lô Lô, Mông, Tày, Giáy…
Trong lồng lộng vi vút gió, lá cờ Tổ quốc có diện tích 54m2 - tượng trưng cho 54 dân tộc anh em - phần phật tung bay. Tôi không lý giải được cảm xúc trong lòng mình nhưng vào thời khắc đó, nhìn sang bên kia biên giới, chỉ nghe âm hưởng hào hùng từ bài thơ Thần gợi lên: “Sông núi nước Nam vua Nam ở. Tuyệt nhiên định phận ở sách trời…”.
Khởi sự từ thời Lý Thường Kiệt, ban đầu cột cờ Lũng Cú chỉ được dựng bằng cây sa mộc. Sau nhiều lần trùng tu, hiện cột cờ đã sừng sững uy nghi. Lũng Cú chỉ là một điểm trong chặng dài biên giới Việt – Trung, ở đó các chiến sĩ biên phòng của Đồn Biên phòng Lũng Cú trấn giữ đêm ngày. Một trong những nhiệm vụ cao cả là gìn giữ lá cờ Tổ quốc. Để giữ quốc kỳ luôn tươi mới, các chiến sĩ biên phòng mỗi ngày đều đặn leo 389 bậc thang, cộng thêm 140 bậc thang xoắn ốc trong lòng cột cờ để quan sát và thay cờ khi cần thiết.
Từ đỉnh Lũng Cú hay núi Rồng nhìn xuống, dệt theo tầm mắt một màu xanh bất tận. Trong mông mênh cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ với đá Đồng Văn điệp trùng, từng khoảnh ruộng bậc thang điểm xuyết cạnh bản làng của người Lô Lô, Mông, Séo Lủng... vẽ nên bức tranh hoang sơ. Những thơ mộng, thanh bình, yên ả của vùng cao cứ sẽ thắc thỏm những ai từng đến… Tiếng Mông, lũng có nghĩa là ngô, Lũng Cú còn có nghĩa “thung lũng ngô”. Màu tươi non của ngô cứ quấn quýt lấy đôi tay non trắng ngần của thiếu nữ đồng bào dân tộc. Đã bao nhiêu mồ hôi, công sức giữa trập trùng đá và đá để đổi lấy những nương ngô vươn lên xanh ngút và trổ trái trĩu đầy? Và bao nhiêu máu thịt của đồng bào vùng cao, chiến sĩ đã ngã xuống để Tổ quốc hiên ngang, sừng sững vượt thời gian sống mãi ở đất này?
Ở nơi đá và ba bề núi: “thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày” như Lũng Cú, Đồng Văn, việc làm đường ngỡ là không thể. Thế nhưng con đường “chiến lược” dẫn từ trung tâm tỉnh Hà Giang đến Lũng Cú được hoàn thành nhờ sự quyết tâm, đồng lòng, bền bỉ của các dân tộc vùng cao. Để có được con đường ấy như ngày hôm nay, bao nhiêu người đã phải ngã xuống khi phải “treo mình trên vách đá để đục, đánh mìn, bổ, khắc đá ra mà cấn mạch đường vào vách đá đứng thành vại” như cách nói của nhà văn Nguyễn Tuân. Ở “Mỏm Lũng Cú tột Bắc”, nhà văn Nguyễn Tuân còn viết: “Ngồi ở mỏm Lũng Cú này, ngồi ở nhà cụ Mèo Dềnh đây, tưởng như mình là người thợ ngõa nào khom mình trên một nóc thượng lương để nghe Tổ quốc đang như một bác thợ cả không ngớt lời truyền cho mình những bài học thấm thía về xây dựng cơ bản và giữ cửa giữ nhà. Lại thấy quý mến Hà Giang, cái tỉnh núi đã được đất nước ông bà giao cho cái trọng trách đặt một cái nón lá lên đầu người khổng lồ Tổ quốc. Và nếu mũi Cà Mau trong kia là cái ngón chân cái người khổng lồ chưa khô bùn vạn dặm, thì mũi Lũng Cú đây đích thị là cái chóp nón một cái nón bài thơ muôn đời đó”.
NGUYỄN QUANG VIỆT