Chỉ bằng khẩu súng trường và trái tim của người con Cơ Tu yêu bản làng, các chiến binh của núi rừng đã trở thành nỗi ám ảnh của máy bay Mỹ. Giờ đây, huyền thoại về những người anh hùng bắn hạ máy bay nay vẫn được các già làng kể cho cháu con nghe…
“Tử địa” của máy bay Mỹ
Bản Ađiêu nằm yên bình bên dòng A Vương, đoạn qua xã A Rooih, Đông Giang. Giữa ríu rít tiếng nói cười của bọn trẻ con trong bản, già Arấl Đuôl trầm ngâm kể cho chúng nghe về câu chuyện bắn máy bay địch ngày xưa ở vùng đất Pơrning (nay là thôn Pơrning, xã Lăng, Tây Giang).
Già làng kể cho cháu con nghe về chiến tích bắn rơi máy bay địch bằng súng trường.Ảnh: PHƯƠNG GIANG |
Thời đó, tiếng trực thăng gầm rú, tiếng phản lực ném bom hay máy bay do thám của Mỹ như xé tan bầu không khí yên bình của bản làng vùng cao. Arâl Đuôl khi đó là trung đội trưởng du kích, cùng đồng đội băng khắp các cánh rừng Hiên cũ (này là Đông Giang, Tây Giang) vừa phục kích tiêu diệt giặc đổ bộ, vừa nghĩ cách đánh máy bay giặc. Đầu tháng 2.1964, lần đầu tiên Arâl Đuôl cùng đồng đội diệt được một máy bay địch. Nghe tiếng trực thăng gầm rú trên bầu trời A Rooih, nơi đơn vị đang đóng quân, Arâl Đuôl cùng Arâl Bung (du kích xã) bám theo chiến hào Cong Tơ Đhai, bắn rơi một máy bay địch trước khi chúng đổ quân. Lần đó, ông được Huyện đội tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì. “Bắn rơi được máy bay của Mỹ rồi, cái bụng ta ưng lắm. Đứng dưới đất mà bắn được máy bay trên trời, cả bản làng ai cũng thích” - ông Đuôl cười nhớ lại.
Sau lần đó, Arâl Đuôl hễ nghe tin đồng đội nào bắn rơi máy bay địch đều cố tìm gặp để tìm hiểu cách bắn, cách xác định cự ly khi chiến đấu. Già Đuôl kể: “Nó bay nhanh lắm, mình phải ước lượng đúng khoảng cách mới “đón” được nó”. Năm 1968, cùng với du kích ở thôn Pơrning, Arâl Đuôl và đồng đội làm nên một trận thắng lớn, bắn rơi 2 máy bay HU-1B khi địch có ý định đổ biệt kích xuống khu vực này, thu được một đại liên cùng nhiều vũ khí khác. Sau lần đó, đơn vị liên tục được tuyên dương. Chiếc máy bay bị trung đội du kích bắn lần ấy, hiện đang được trưng bày tại Nhà truyền thống Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam. Còn Pơrning trở thành “tử địa” của máy bay Mỹ, sau khi rất nhiều máy bay bị bắn hạ.
Chiếc máy bay HU-1B bị du kích xã Lăng (Tây Giang) bắn rơi năm 1968 được trưng bày tại Tam Kỳ. |
Vùng đất của những anh hùng
Chiến tranh lùi xa, nhưng mỗi lần gặp lại, các cựu binh từng bắn rơi máy bay ngày xưa giữa núi rừng Đông Giang, Tây Giang vẫn rôm rả câu chuyện về chiến tích xưa. Anh hùng C’lâu Nâm (nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Tây Giang, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện) giản dị trong bộ quân phục đeo kín huân huy chương mà ông được trao tặng. Tuổi đã cao, nhưng câu chuyện về những chiến công bắn rơi 7 máy bay địch chỉ bằng khẩu K44 được ông nhớ như in. Trận đánh kéo dài 6 ngày từ ngã ba Phú Túc đến khu vực ngã tư Sông Hương (thôn Ôrây) hồi cuối tháng 5.1966 là trận đánh lớn nhất mà ông tham gia. Không tiếp cận được chiếc máy bay đổ quân từ dưới mặt đất, ông trèo lên một nhánh cây cao, dùng trung liên hạ ngay tại chỗ một máy bay Mỹ khi chúng vừa đổ bộ để vận chuyển thương binh. Liên tục trong 5 ngày tiếp theo, ông cùng đồng đội kiên cường đánh trả các đợt hành quân của địch, tiêu diệt 139 quân Mỹ, 7 máy bay trực thăng, phá hủy 7 khẩu đại liên 12 ly 7 của địch. Trong đó, ông trực tiếp tiêu diệt 2 trực thăng đổ bộ của Mỹ, nâng số máy bay do ông tiêu diệt lên 7 chiếc.
Cũng bằng súng trường K44, loại súng lên đạn từng viên thô sơ, nhiều du kích Cơ Tu khác lập công tiêu diệt hàng chục máy bay vận tải loại HU-1B, máy bay “tàu rọ” và phản lực nhỏ của Mỹ. Như cựu chiến binh Alăng Thị Thảo (thôn Aur, xã A Vương) một mình bắn rơi máy bay trực thăng. Cựu chiến binh Alăng Bảy (thôn Bhơ Hôồng, xã Sông Kôn, Đông Giang) cũng đã cùng già Đuôl bắn hạ chiếc máy bay HU-1B tại thôn Pơrning. Kể cả phản lực cơ F-105, loại máy bay Mỹ được mệnh danh “thần sấm”, cũng từng bị bắn rơi bởi súng loại súng trường K44 của du kích Tây Giang thời đó. Ông Đinh Ngọc Sử, nguyên Trung đội trưởng đội du kích địa phương, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tây Giang kể lại: “Tháng 7.1967, quân Mỹ sử dụng các loại máy bay ném bom, bắn phá ác liệt đường mòn Hồ Chí Minh và các xã A Nông, A Tiêng nhằm kiểm soát, ngăn chặn sự chi viện của ta cho các hướng chiến trường. Được đơn vị giao nhiệm vụ phục kích bắn máy bay địch, tôi cùng đồng chí Bhnướch Bảy xây dựng công sự chiến đấu tại đỉnh núi ở thôn Zrượt thuộc xã A Tiêng. Phát hiện một chiếc máy bay phản lực F105 oanh tạc khu vực A Nông, A Tiêng đến gần khu vực phục kích, tôi đón bắn. Chiếc F105 bị hạ, rơi tại khu vực thông A Zal xã Ma Cooih (Đông Giang). Đó là lần chúng tôi hạ được F-105 chỉ bằng súng trường K44”.
Những chiến công bắn rơi máy bay Mỹ của những chiến binh Cơ Tu trở thành niềm tự hào của các bản làng vùng cao, vẫn được già làng kể cho con cháu nghe bên bếp lửa bập bùng.
PHƯƠNG GIANG