Mỗi khi nhắc về những ngày can qua, lại thấy hình ảnh những người mẹ hiện lên với sự hy sinh vô bờ bến cho Tổ quốc, quê hương. Rồi miên man với dòng suối tóc chảy qua miền tâm thức, nỗi quan hoài về đời người và lịch sử. Vì vậy, khi xem phân đoạn “suối tóc” trong chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Mẹ” chào mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Nam, lòng lại thao thức bồi hồi...
Nhớ mẹ Lê Thị Thường, nhà ở xóm Đông, trên là làng Cẩm Sa, dưới là sông Trùm Lang, bây giờ thuộc xã Điện Nam Bắc - Điện Bàn. Mẹ Thường trải bao gió sương nuôi chồng và con tham gia kháng chiến. Các con của mẹ, là Nguyễn Cư, Nguyễn Hồng Chương, Nguyễn Thị Liệu, Nguyễn Thị Toan, Nguyễn Thị Chiêu… khi lớn lên, lần lượt tham gia công tác cách mạng, còn mẹ giữ nhà với căn hầm nuôi giấu cán bộ. Ông Nguyễn Hồng Thắng, nguyên Bí thư Huyện ủy Điện Bàn, nhớ lại: “Trong giai đoạn 1954-1960, nhà mẹ Thường là nơi huyện ủy chọn làm điểm đứng chân. Đồng chí Nguyễn Đức An, Bí thư Huyện ủy, hầu như lần nào về vùng cát cũng ở đây. Các đồng chí lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam như Cao Sơn Pháo, Mười Khôi... cũng chọn nhà mẹ Thường để ở”.
Sống trong kìm kẹp, khi ấp chiến lược bị quân ta về phá là bọn giặc bắt dân đi rào lại. Có bận, giặc bắt những gia đình có người thân tham gia kháng chiến cũ phải nộp hai ôm cọc tre lớn hoặc nộp tiền mua tre rào. Mẹ Thường không có tre, cũng không có tiền để mua, bị bọn ác ôn kêu lên kêu xuống đe nẹt, đành nuốt nước mắt cắt tóc làm chang bán để lấy tiền nộp cho bọn chúng. Còn nhớ lời bà Nguyễn Thị Chiêu, con gái mẹ Thường, sụt sùi kể: “Tóc mẹ tôi dày và mượt lắm, làm được gần hai cái chang bán 120 đồng. Nhưng tội nghiệp, cắt hết tóc, mẹ gần như bị trọc đầu”. Nhiều cán bộ kháng chiến về Cẩm Sa nghe kể chuyện này không cầm được nước mắt. Đời mẹ Thường còn trải nhiều đau thương khi nghe tin dữ về chồng con. Nguyễn Cư hy sinh năm 1963, Nguyễn Thị Liệu bị bắt đi tù ở Biên Hòa, Nguyễn Hồng Chương hy sinh năm 1969… Mẹ Thường đã thành Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên dải cát thương đau mà anh dũng.
Không chỉ trong các cuộc chiến tranh ở thế kỷ XX, cái chang tóc của người mẹ đất Quảng mới xõa màu bi tráng. Dường như trong cõi linh thiêng hàng trăm năm trước, khi đoàn quân theo vua Lê Thánh Tông đi mở nước về phương Nam, đã thấp thoáng cái chang tóc ấy. Ở xứ Phú Vinh Đông – Thăng Bình còn dấu tích lăng và đền thờ bà Phô Thị. Bà tham gia đánh giặc và khi chết thì hiển linh giúp dân giúp nước. Thờ bà Phố Thị, người dân bày biện cái chang tóc, chiếc áo dài hạt mè, đôi hài và binh khí...
Có lẽ, hình ảnh suối tóc trong khói lửa binh đao, sẽ còn tạc suy tư về Mẹ xứ sở. Như đoạn nói về những vị nữ thần: “...Dấu tích của tạo hóa, tinh hoa của âm dương lưu lại gọi là thần. Cố nhiên thần cũng phải có nhân thần, có đạo trời phải có đạo đất. Điều này thấy ở châu ta như đền Nam Bảo Vương ở Vân Nam, đền Tiên Nương trên đỉnh Ấn Sơn, đền Bô Bô phu nhân ở Thu Bồn, đền Thái Dương phu nhân ở Phô Thị… đều lấy những thành tích vĩ đại của các đấng anh thư làm tấm gương rạng rỡ trong nhân gian” (“Thần nữ linh ứng truyện”, biên soạn ngày 26 tháng 12 Khải Định năm thứ 4 (1919) - theo tài liệu nghiên cứu của Xa Văn Hùng).
Cái chang tóc của những người mẹ, như vẫn còn đổ bóng xuống thời gian cõi người, như dấu vết lịch sử hằn in trên quê hương thao thức, rì rầm… Và, còn bao bà mẹ nữa như mẹ Thường, một thời mấy lần cắt tóc làm chang quấn búi cho con gái, tiếp nối sức bền dai dẳng cho “đội quân tóc dài” đi đấu tranh với quân thù để bảo vệ làng xóm quê hương. Ngày hòa bình, những sợi tóc lại trở về đời thường, mỗi khi chải dính qua kẽ lược thì được tuốt ra nhét vào vách nhà. Đó là những gùi tóc rối, thường khi trái gió trở trời cuộn với trứng gà và giác bạc cào ban lặm cho con…
Những sợi tóc, đã sinh ra, lớn lên, đẫm màu năm tháng, kết thành dòng suối lưu dấu công ơn dưỡng dục vô bờ của người mẹ Quảng Nam, mẹ Việt Nam.
NGUYỄN ĐIỆN NAM