Nghèo đương nhiên là khổ, là khó. Vì vậy, mới có những từ ghép “nghèo khổ”, “nghèo khó”. Nhưng những năm gần đây, dư luận lại râm ran cụm từ “sướng như hộ nghèo”. Nếu không như vậy, thì làm sao có sự thật hiện nay là nhiều người không muốn thoát nghèo, nhiều hộ “xin” để được nghèo, và thậm chí không ít xã, thôn không muốn địa phương mình ra khỏi danh sách... nghèo!
Thực tế, thời gian qua, có hàng loạt chủ trương, chính sách từ Trung ương đến địa phương và các hội, đoàn thể về trợ giúp hộ nghèo, huyện nghèo, xã nghèo. Tại Quảng Nam, trong 3 năm 2010 - 2013, các nguồn vốn trung ương và của tỉnh hỗ trợ xóa nghèo đã lên đến hơn 6.511 tỷ đồng (trong đó vốn trung ương hơn 5.991 tỷ và vốn ngân sách tỉnh trên 520 tỷ đồng). Thêm vào đó là vốn ngân sách huyện, cùng những khoản hỗ trợ chắc chắn cũng khá lớn từ Mặt trận, các đoàn thể, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ dành cho hộ nghèo. Chưa bao giờ hộ nghèo được ưu ái như hiện nay: được hỗ trợ tiền điện, nhà ở, đào tạo nghề, tiền ăn tết, bảo hiểm y tế, tiền thuế, miễn và giảm học phí... Có lẽ một phần cũng vì điều này đã làm phát sinh tâm lý “không muốn thoát nghèo” trong một bộ phận dân cư và cán bộ cơ sở. Một báo cáo chuyên đề gần đây của UBND tỉnh (số 86-BC/UBND ngày 21.6.2013) thẳng thắn thừa nhận tình trạng nhiều bất cập, sai sót của các cấp khi thực hiện quy trình điều tra, soát xét, bình xét hộ nghèo; dĩ nhiên trong đó có hiện tượng “lách” chính sách để được... nghèo. Mặc khác, trong khi các chính sách tạo “cần câu” chưa được đầu tư đúng mức và phát huy tối đa hiệu quả, thì những hỗ trợ trực tiếp cho an sinh xã hội, lại càng khiến cho người dân không muốn thoát nghèo.
Suy cho cùng, những thành quả hay bất cập trong thực tiễn đời sống liên quan đến các chính sách đều bắt nguồn từ bản thân chính sách và quá trình tổ chức thực thi chính sách. Thành quả và những hạn chế, kể cả những bất cập, nghịch lý trong việc triển khai các chính sách giảm nghèo hiện nay cũng không là ngoại lệ. Trong khi kinh tế đất nước và của tỉnh còn nhiều khó khăn như hiện nay thì việc Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm hỗ trợ người nghèo và các địa phương nghèo đã là sự nỗ lực rất lớn. Và điều đó càng đỏi hỏi mỗi chính sách và việc thực thi chính sách phải thật đúng, thật trúng mới phát huy tốt nhất hiệu quả của mỗi nguồn lực đầu tư.
Ngay từ đầu năm nay, UBND tỉnh đã xác định, chính quyền các cấp phải quyết liệt chăm lo công tác giảm nghèo. Và đầu tuần này, Hội nghị Tỉnh ủy lại tiếp tục bàn về câu chuyện giảm nghèo. Sẽ có những chủ trương, chính sách và những giải pháp mới. Một khi “định danh” đúng hộ nghèo, với những biện pháp hỗ trợ cụ thể, sát với từng trường hợp, chắn chắn sẽ không còn lây lan tâm lý “xin được... nghèo”.
LÊ VĂN