Chuyện “lấy chồng từ thuở mười ba” ở vùng cao cứ dai dẳng như mùa mưa ở núi, thăm thẳm buồn. Nơi góc bếp, có những lời ru chưa tròn ê a vang lên, mà người hát ru là cô gái Cơ Tu tuổi trăng non trót sớm theo chồng, cơ cực luôn trĩu nặng trên đôi vai người mẹ trẻ. Khi bi kịch tưởng chừng không có hồi kết, thì may thay, ở góc núi Prao (Đông Giang) này, chúng tôi đã gặp và nghe nhiều câu chuyện rất khác, làm thay đổi nếp nghĩ cũ đã ám ảnh từ bao đời.
Để lời ru thôi buồn
Những suy tư như hằn lên nơi đáy mắt ông Zơrâm N., khi mới cách đó vài ngày, nhà gái xuống thăm, đánh tiếng giục phải mang lễ vật sang để lo chuyện cưới xin. Con trai ông mới vừa bước sang tuổi mười chín, còn “con dâu” cũng chưa tới trăng tròn. Như một màn sương đục phủ vây lấy căn nhà nhỏ chênh vênh trên đỉnh dốc làng Gừng (thôn Aduông, thị trấn Prao), tiếng thở dài của ông già buông trong nỗi bồn chồn không dứt.
Đã nhiều ngày trôi, mọi chuyện cứ ngổn ngang trong suy tính của ông già. Hai bàn tay đan chặt vào nhau, vần vò suốt cuộc trò chuyện. “Bữa trước, bên nhà gái nói ở đây không có đất đai, không cho về. Hai đứa nhỏ dừng tìm hiểu một thời gian, sau đó lại yêu tiếp, nhà gái họ không nói gì nữa. Tháng 8 vừa rồi, tự dưng họ gọi điện cho thằng con trai mình. Gọi ngày ni, ngày mai họ xuống luôn. Đột ngột quá, mình bị làm khó. Họ xuống, trong nhà có cái gì cũng phải cho thôi. Thằng con mình chắc chắn không đủ tuổi rồi, nó sinh năm 2000 kia mà” - ông N. kể.
Ngày nhà gái xuống, ông N. phải mổ một con heo. Nhà bên kia không chịu, đòi phải nhiều hơn, nhưng ông giải thích hoàn cảnh gia đình khó khăn, cho hết thì đến lúc hai cháu cưới nhau lấy gì để lo nữa. Rồi họ cũng về, nhưng “cái hẹn” gả cưới cứ treo lơ lửng như một món nợ đòi.
Bh’nướch Điều, cán bộ Tư pháp - hộ tịch của thị trấn Prao ngồi với ông N. trong căn nhà nhỏ. Anh chờ ông N. nói rõ về câu chuyện rồi mới mở lời. Cùng là người Cơ Tu, anh hiểu cái khó của ông N., hiểu luôn cả những luật tục khắt khe vốn đã hằn sâu trong nếp nghĩ của đồng bào. “Gia đình mình từ xưa đến giờ đã có truyền thống rồi, mình phải giữ. Bây giờ cho các cháu cưới là sai rồi. Bên kia họ ép, nhưng cũng do mình nể nang. Cái gì đúng mình nghe, cái gì không đúng mình phải bỏ. Mấy đứa nhỏ được tự do tìm hiểu, tự do yêu đương, nhưng việc cưới gả thì phải làm theo pháp luật. Phải đủ tuổi!” - Điều nói.
Sự xuất hiện của anh, ít nhiều chủ nhà đã đoán được. Bởi lâu nay, hễ cứ nghe thông tin về việc chuẩn bị cưới gả khi chưa đủ tuổi kết hôn, Điều và nhiều anh em cán bộ thị trấn đến ngay. Ban đầu là gặp, tìm hiểu ngọn ngành câu chuyện, rồi từ từ giải thích, vận động. Nhưng hủ tục như cái dằm ăn sâu vào tiềm thức, chuyện vận động không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Đem luật để nói với bà con, nhiều khi chỉ như thắp đèn rọi vào màn sương. Vậy là phải mang uy tín của chính mình ra để “cam kết” với đồng bào. Một lần, hai lần, có khi mất cả tuần liền để gặp gỡ, tuyên truyền cho… cả tộc họ. Song, cái lý của cán bộ tư pháp, đôi lúc cũng “gặp khó” với tập tục.
Điều nói riêng với chúng tôi, rằng chỉ tính trong năm 2019 này, có ít nhất 10 trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở thị trấn Prao được “ngăn chặn” kịp thời. Cán bộ thôn trở thành tai mắt thông tin cho anh và chính quyền địa phương mỗi khi có sự việc tương tự. Nếu không nhanh, không biết, nhiều khi mọi chuyện được quyết chỉ sau một cuộc gặp giữa hai gia đình. “Nhiều nhà giấu. Họ không tổ chức đám cưới, nhưng vẫn cho phép tụi nhỏ về sống với nhau như vợ chồng. Đến lúc có thai, là mọi chuyện đã rồi, không biết làm cách nào can thiệp được. Mình phải đi trước họ một bước” - anh lý giải.
Như câu chuyện ông N., sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng, ông già cũng đồng ý nghe theo cán bộ. Hai đứa nhỏ sẽ chờ thêm một năm nữa. Cuộc gặp trước đó giữa hai gia đình thành ra một chuyến thăm nhà, giao ước để tính đến chuyện cưới xin sau này. Đó cũng là thủ tục để xin phép làng, tránh bị “đổ thừa” khi làng không may có ai đau ốm, bởi theo quan niệm truyền thống, nam nữ chưa được cho phép tìm hiểu thì vẫn là người lạ, có thể mang bệnh tật đến làng. Tục cũ còn chưa bỏ được, dù cho cuộc sống đã nhiều đổi thay.
Vén màn sương đục
Đối diện và đổi thay luật tục chưa bao giờ là điều dễ dàng trong một sớm một chiều. Anh Bùi Đức Ngọc - Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Prao kể, nhiều chuyến đi vận động ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, cán bộ thị trấn vấp phải sự phản ứng dữ dội của cộng đồng. Năm 2017, khi nghe tin về việc một đám cưới cận huyết sắp diễn ra ở thôn Aduông, anh cùng nhiều cán bộ xã khác đến tận nhà để tìm hiểu, hai gia đình vốn là họ hàng gần.
“Họ gả cưới vì không muốn mất đi của cải. Đôi nam nữ vốn là anh em cô cậu, được gả cho nhau để của hồi môn không sang nhà khác. Chúng tôi đi tuyên truyền, vận động, họ không đồng thuận. Chưa vừa ý, hai bên còn kéo cả tộc họ đến tận nhà Bí thư Đảng ủy thị trấn phản ứng, trình bày việc cán bộ làm khó dễ, không cho gả cưới. Mọi chuyện lúc đó rất căng thẳng. May thay, vợ của bí thư cũng là bà con, nên đã kiên trì giải thích, thuyết phục” - anh Ngọc kể lại chuyện cũ.
Chuyến đi đó, nhóm người giận dữ bỏ về, từ chối bữa cơm của gia đình bí thư. Họ ấm ức, suốt một thời gian dài không nhìn mặt cán bộ địa phương. Chính quyền vẫn kiên quyết giữ quan điểm, không đồng ý cho đám cưới diễn ra, đồng thời khẳng định sẽ xử phạt theo quy định nếu đôi bên tổ chức cưới gả. Đám cưới không được tổ chức, và tuyên truyền cứ “mưa dầm thấm lâu”, mọi chuyện dần yên. Không lâu sau, Ating Nghĩa - “chú rể hụt” trong câu chuyện ấy lấy vợ ở làng khác. Bây giờ, Nghĩa đã ổn định cuộc sống, vừa làm xong một căn nhà mới ở làng Aduông. Còn cô gái nọ đi làm công nhân ở dưới xuôi, nợ duyên cũ đã không còn ai nhắc lại.
Chúng tôi đi cùng anh Ngọc vào làng Aduông. Mẹ Nghĩa, người từng từ mặt anh Ngọc, nay lại thương. Thấy anh, bà buông tay giã gạo, trút số gạo rẫy trong cối mang đi sàng, rồi gói lại dúi vào tay anh. Bà nói, nghĩ lại chuyện ngày trước mà thấy mình có lỗi nhiều với Ngọc, với anh em vì đã buông lời xúc phạm. Hồi đó không nghe, vì tình cảm của hai gia đình quá lớn, không muốn lấy người ngoài. Giờ bà mới hiểu, mới thấy mình sai quá. Nhờ anh Ngọc, nhờ sự cương quyết của chính quyền, mà Nghĩa nay có cuộc sống ổn định trong ngôi làng nhỏ.
Câu chuyện của Nghĩa như một lát cắt nhỏ về “cuộc chiến” với hủ tục dai dẳng ở vùng cao. Anh Ngọc chia sẻ, một trong những cái khó của chuyện vận động là không thể huy động sự tham gia quyết liệt của già làng. “Lâu nay, mọi việc trong làng bất kể lớn nhỏ, chỉ cần già làng quyết là xong ngay. Nhưng riêng chuyện tảo hôn đã ăn sâu vào tiềm thức. Nhiều già làng dự một đám cưới theo diện tảo hôn, hôn nhân cận huyết, nhưng vẫn tự hào vì “bố đi đám cưới kia bố đòi được nhiều của lắm”. Như thế khác nào đang cổ xúy cho hủ tục. Nhiều lúc anh em thành ra đơn độc. Nhưng khó đến mấy cũng phải làm. Làm được nhà này, nhà khác cũng nhìn vào, cũng thay đổi. Tất cả, vì bà con mình thôi” - anh nói.
Trăn trở, không dừng lại ở đó. Trước đây, nhiều trường hợp chính quyền bị rơi vào thế khó, khi giữa các địa phương vẫn chưa có sự đồng bộ. Có thể làm tốt ở địa phương này, nhưng địa phương khác thiếu sâu sát, thiếu quyết tâm, mọi việc trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cũng thừa nhận, phải điều chỉnh lại nhiều điều trong công tác phối hợp ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết, vốn đã được đưa vào quy chế chung của ba huyện Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang. Dẫu sao, nhìn sâu vào câu chuyện của từng trường hợp, cũng đã thấy được bước chuyển trong nhận thức. Khó, nhưng ít nhất cũng đã có nhiều điểm sáng, nhen nhóm thêm nhiều hy vọng, như ở nơi này, thị trấn Prao.
Thay cho lời ru buồn, thay cho những đôi mắt thăm thẳm niềm thương ló ra từ khung cửa nhà sàn mùa mưa ở núi, chúng tôi đã gặp họ - những người “gom nắng”. Họ nhặt từng câu lý, để nói, để giảng giải cho bà con về hủ tục, mở lối thoát khỏi màn sương của u mê. Ở đây, có những cái kết vẹn tròn…