Những loại cây lấy sợi (cói, bông vải...) từng một thời rất hưng thịnh nhưng giờ đây đang đối mặt với đà suy thoái nặng nề bởi hiệu quả kinh tế đem lại không cao.
Cách đây khoảng hơn một thập kỷ, thời mà hai loại cây lấy sợi chủ lực là cói và bông vải còn đang ở giai đoạn hoàng kim, diện tích canh tác hai loại cây trồng này trong tỉnh lên đến khoảng 1,5 nghìn héc ta, trong đó riêng cây bông vải chiếm hơn 1 nghìn héc ta. Theo thống kê, vào năm 2011 tổng diện tích canh tác cây lấy sợi trên địa bàn tỉnh vẫn còn khoảng 420ha. Tuy nhiên đến nay con số này sụt giảm khoảng một nửa, chỉ còn trên dưới 200ha và tiếp tục sụt giảm. Theo bà Nguyễn Thị Sương - Trưởng phòng Kỹ thuật (Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Quảng Nam): “Việc canh tác ồ ạt nhưng không chú trọng đến biện pháp thủy lợi khiến cây bông vải chết yểu, còn những ruộng cói hàng chục năm không cải tạo đất trồng mới khiến chất lượng thu hoạch ngày càng tệ dần”.
Làng nghề dệt chiếu sẽ bị ảnh hưởng nặng nếu cây lấy sợi tiếp đà suy thoái. Ảnh: Q.TUẤN |
Vài năm trước, một số vùng trồng bông vải nhỏ của tỉnh như ở xã Cẩm Kim (TP.Hội An) hay xã Zuôih (Nam Giang) vẫn còn canh tác với khoảng vài chục héc ta nhưng nay gần như đã bỏ hẳn, trong khi đó hiện cây cói chỉ còn ở hai xã Duy Vinh và Duy Phước (Duy Xuyên) nhưng diện tích ngày một thu hẹp bởi hiệu quả kinh tế mang lại quá thấp. Ông Nguyễn Văn Bảy (trú thôn 2, xã Duy Vinh) bộc bạch: “Giờ đây phần lớn chỉ có người già hoặc trung niên mới bám theo mấy ruộng cói bởi cực quá. Thu hoạch đã khổ, ngồi hì hục đập, phơi khô cả mấy tháng mới bán được khoảng 4 triệu đồng/sào, thanh niên nào thiết tha cho nổi”.
Việc sụt giảm đáng kể diện tích canh tác các loại cây lấy sợi khiến sản lượng, năng suất sụt giảm nhanh chóng. Theo số liệu thống kê, trong năm 2015 tổng sản lượng thu hoạch được từ cây lấy sợi chỉ còn khoảng 1,4 nghìn tấn trong khi con số này vào năm 2011 là hơn 2 nghìn tấn. Bà Arất Thị Hoa - Phó phòng NN&PTNT huyện Nam Giang cho biết: “Trước đây người Cơ Tu trên địa bàn huyện có canh tác cây bông lanh nhưng giờ không còn nữa. Nguồn nguyên liệu len phục vụ cho các làng dệt thổ cẩm đều phải lấy từ bên ngoài”. Ở làng chiếu Bàn Thạch (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) vẫn còn có thể tự cung tự cấp nguồn nguyên liệu với gần 150ha cói nhưng cứ qua mỗi mùa thì lại có vài hộ bỏ nghề trồng cói, treo khung dệt chiếu để tìm sinh kế khác.
Trong đề án “Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014 - 2020”, UBND tỉnh có đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên, phụ liệu ngành dệt may xuống còn khoảng 50%. Để cụ thể hóa điều này, Quảng Nam cần phải quy hoạch lại diện tích trồng cây bông khoảng 10 nghìn héc ta, trong đó giai đoạn đầu triển khai 2 nghìn héc ta. Tuy nhiên ở các xã Đại Hồng, Đại Đồng, Đại Lãnh (Đại Lộc), nơi được quy hoạch là vùng trồng bông chủ lực đến nay vẫn chỉ canh tác manh mún chừng vài chục héc ta. Diện tích sản xuất cây lấy sợi tiếp tục bị thu hẹp khi các làng nghề không đủ sức cạnh tranh và sản phẩm ngày một thưa vắng trên thị trường…
QUỐC TUẤN