Sưu tầm hiện vật Mẹ Việt Nam anh hùng

VĨNH LỘC 30/10/2013 11:41

Sưu tầm hiện vật về Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) và phụ nữ Điện Bàn qua 2 cuộc kháng chiến sẽ lưu giữ một cách có hệ thống những kỷ vật quý giá gắn với cuộc đời mỗi người mẹ Điện Bàn, gắn với bề dày lịch sử của một vùng đất anh hùng.
Kỷ vật của mẹ

Chủ yếu là các vật dụng sinh hoạt gắn liền với đời sống của các Mẹ VNAH nhưng mỗi kỷ vật để lại đều gắn với một hồi ức, một câu chuyện. Những chén, bát, đĩa, bình, hũ, ngoáy trầu… đã từng được các mẹ dùng tiếp tế, đưa cơm hoặc làm ký hiệu cho cán bộ, chồng con hoạt động dưới hầm bí mật. Hay những hiện vật quý có ý nghĩa lịch sử như nắp hầm bí mật, dầm ghe dùng để đưa đón bộ đội sang sông dù qua gần nửa thế kỷ vẫn được các mẹ và người thân gìn giữ nâng niu như kỷ vật của cuộc đời. Theo chị Nguyễn Thị Hà - cán bộ Bảo tàng Điện Bàn, để có được những hiện vật trên, các thành viên trong tổ ngoài việc phối hợp với chính quyền địa phương lên danh sách thì việc vận động, thuyết phục gia đình hiến tặng cũng không hề đơn giản vì đa số hiện vật đã trở thành những kỷ vật tinh thần gắn bó với cuộc đời mỗi mẹ và gia đình trong suốt nhiều năm. “Có hiện vật cán bộ tổ sưu tầm phải lên xuống vận động thuyết phục nhiều lần mới được gia đình đồng ý trao tặng, nhưng cũng có nhiều nơi lưỡng lự chưa hiến tặng vì đó là những kỷ vật thiêng liêng mà gia đình không muốn rời xa” - chị Hà kể.

Trong quá trình sưu tầm không ít hiện vật đã gây nhiều cảm xúc cho các thành viên trong tổ như hũ gạo nuôi quân của mẹ Phạm Thị Vân (thôn 7A, xã Điện Nam Đông) được mẹ dùng đựng gạo tiếp tế bộ đội. Năm 1968, khi giặc càn, người dân bỏ nhà di tản mẹ Phạm Thị Vân vẫn cương quyết mang theo hũ gạo, tiếp tục nuôi quân, tham gia kháng chiến tại xã Điện Phương cho đến ngày giải phóng. Hay chiếc Dầm ghe của mẹ Nguyễn Thị Nhiểu (khối 3, thị trấn Vĩnh Điện) dùng để đưa đón cán bộ sang sông Bình Phước (Cẩm Lý, xã Điện Hồng) trong kháng chiến chống Mỹ đến nay vẫn được gia đình đặt trang trọng trong nhà. Xúc động nhất là chiếc Radio cũ kỹ của mẹ Phạm Thị Láng (thôn Đông Lãnh, xã Điện Trung) được mẹ mua cho 3 con của mình là anh Đỗ Thế Việt, Đỗ Thị Hiền, Đỗ Ngọc Nam (cả 3 đã hy sinh) dùng nghe tin tức và gia đình nắm thông tin để cảnh giới địch trong kháng chiến chống Mỹ, đến nay vẫn được mẹ trân trọng cất giữ trên bàn thờ các anh như báu vật. “Chúng tôi luôn bắt gặp cảm giác luyến tiếc của các gia đình như sắp chia tay một điều gì đó thân thương. Có mẹ nói, khi nào trưng bày xong nhớ báo mẹ xuống xem nghe con” - chị Hà kể.

Những kỷ vật được hiến tặng đang được chọn lọc tại Bảo tàng huyện Điện Bàn.
Những kỷ vật được hiến tặng đang được chọn lọc tại Bảo tàng huyện Điện Bàn.

Gìn giữ

Theo ông Nguyễn Tuấn Linh - Phó giám đốc Trung tâm VHTT Điện Bàn, dù công tác tổ chức sưu tầm rất chặt chẽ như bố trí cán bộ Trung tâm VHTT huyện đứng điểm, phối hợp với các xã, thôn thành lập tổ sưu tầm hiện vật lên danh sách rà soát nhằm tránh chồng chéo, bỏ sót trong quá trình triển khai sưu tầm hiện vật nhưng kết quả vẫn còn nhiều hạn chế. Cũng một phần, những người còn sống không còn minh mẫn để nhớ chính xác lý lịch hiện vật cụ thể. “Trong số 20 xã, thị trấn của huyện được điều tra sưu tầm chỉ có 8 xã, thị trấn còn hiện vật, nhiều nhất là xã Điện Hồng với 12 hiện vật, các xã còn lại do nhiều lý do khác nhau nên không có hiện vật nào được sưu tầm” - ông Linh cho biết.

Huyện Điện Bàn có 1.611 Bà mẹ VNAH, trong đó có 117 mẹ còn sống và nhiều phụ nữ tham gia kháng chiến. Qua gần một năm triển khai sưu tầm hiện vật “Mẹ VNAH và phụ nữ Điện Bàn qua 2 cuộc kháng chiến”, Trung tâm VHTT huyện Điện Bàn đã sưu tầm được 32 hiện vật…

Trong khi đó, những hiện vật quý giá như vàng, bạc, đồng… vẫn chưa được các gia đình đồng ý hiến tặng. Chị Hà cho rằng, điều này cần có cơ chế hỗ trợ từ UBND huyện chứ không thể thuyết phục gia đình. “Tại xã Điện Trung có một hiện vật giá trị rất lớn là đôi bông tai bằng vàng khoảng hơn 2 chỉ của một Bà  mẹ VNAH đã ủng hộ cho cách mạng, nhưng sau ngày giải phóng đôi bông tai đó lại được hoàn trả lại. Khi chúng tôi lên vận động, gia đình kiên quyết không hiến tặng, xin chụp ảnh để làm tư liệu trưng bày cũng không được đồng ý”. Ngoài ra, một số hiện vật được các mẹ dùng nấu cơm nuôi giấu cán bộ trong chiến tranh như nồi đồng, niêu đồng cũng rất khó thuyết phục gia đình đồng ý hiến tặng.  

Có những hiện vật như cái chén của mẹ Phạm Thị Tố (thôn Cẩm Văn Tây, Điện Hồng) được mẹ dùng đưa cơm xuống hầm bí mật nuôi giấu cán bộ trong kháng chiến chống Pháp từ năm 1947 - 1949 đến nay dù đã qua hơn 60 năm vẫn được gia đình lưu giữ nguyên vẹn. hay chiếc bình đông của mẹ Lâm Thị Tích (thôn Nam Hà 2, xã Điện Trung) dùng đựng nước mắm (để địch không nghi ngờ) mang từ vùng tạm chiếm về vùng giải phóng cung cấp cho bộ đội, du kích địa phương trong kháng chiến chống Mỹ những năm 1968 - 1974 cũng được gia đình gìn giữ cẩn thận như mới. “Nếu không có sự trân trọng quá khứ thì những hiện vật này đã không còn được các mẹ và gia đình gìn giữ đến bây giờ” - chị Hà nói.

 VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sưu tầm hiện vật Mẹ Việt Nam anh hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO