Nỗ lực sưu tầm văn học dân gian ở huyện miền núi Nam Giang đã góp phần bổ khuyết vào những thiếu hụt trong mảng văn học này. Tuy nhiên, những khó khăn trong khâu tiếp cận tri thức dân gian cho thấy chúng ta phải khẩn trương vào cuộc trước khi quá muộn…
Sau 2 năm với nhiều nỗ lực, Phòng VH-TT huyện Nam Giang đã tập hợp được từ 100 truyện cổ của người Cơ Tu, Ve, Tà Riềng trên địa bàn và biên tập, chọn lọc, hệ thống lại tập truyện với 52 truyện ngụ ngôn, cổ tích của 3 tộc người trên. Trải dài từ vùng thấp đến vùng cao, hầu như xã nào người đi sưu tầm cũng tìm được những câu chuyện dân gian đang lưu hành trong cộng đồng bà con dân tộc thiểu số. Theo ông Trần Dư, Trưởng phòng VH-TT huyện, tập truyện bằng 2 thứ tiếng Việt - Cơ Tu dự kiến xuất bản vào tháng 6 tới.
Già Clâu Nâm xã Lăng (Tây Giang) thổi khèn trong lễ đâm trâu. Ảnh: T.VIỆT |
Đây là lần đầu tiên Nam Giang sưu tầm văn học dân gian miền núi. Với sự chỉ đạo từ huyện đến cơ sở, cán bộ Phòng VH-TT huyện đã tổ chức sưu tầm dài ngày tại các xã Đăc Pring, Chà Vàl, Tà bhing, Cà Dy…, gặp gỡ các già làng, những người am hiểu văn hóa địa phương để được nghe họ kể. Tuy nhiên, lại nảy sinh nhiều khó khăn trong việc sưu tầm. Theo đánh giá của Phòng VH-TT huyện, khó nhất là từ người kể chuyện. Tại miền núi, không ai am hiểu đời sống họ bằng người già, có kinh nghiệm, nhưng hầu hết những người được tiếp cận đều giảm sút sức khỏe và trí nhớ, hạn chế trong diễn đạt… khiến việc tổng hợp thông tin từ câu chuyện của họ rất vất vả, có khi phải mất nhiều tuần mới biên tập, “dựng” hoàn chỉnh một câu chuyện.
Một trong những đặc điểm của văn học dân gian là tính dị bản. Tại Nam Giang, đương nhiên chuyện đó không tránh khỏi, nhưng khó nhất vẫn là tình huống cán bộ văn hóa không đủ điều kiện để “thẩm định” đâu là chính truyện, đâu là dị bản. Hệ lụy này khiến người biên tập buộc phải đưa vào tập truyện nhiều câu chuyện có cùng nội dung nhưng được kể khác nhau tại mỗi thôn, bản, với các tình tiết không giống nhau… Vì mới thực hiện, quá mới mẻ tại địa phương, nên tập truyện không làm công việc phân loại theo chủ đề. Dẫu sao, đây cũng là điều hết sức đáng trân trọng, bởi tại miền núi, lịch sử văn hóa và tâm hồn họ “ánh xạ” lung linh nhất chính là qua chuyện kể, ta có thể tìm thấy trong đó tiếng nói chi phối mạnh mẽ lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán của bà con, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, như lịch sử văn học đã chứng minh các sử thi miền núi được truyền miệng từ những đêm dài bên bếp lửa nhà sàn…
Tại Nam Giang, cán bộ văn hóa làm chủ công xuống gặp các già làng, nghệ nhân, cán bộ xã để sưu tầm. Huyện cũng chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp thực hiện, phát động trong cán bộ giáo viên tham gia sưu tầm. Người sưu tầm kêu gọi những ai có hiểu biết về văn hóa dân gian địa phương tham gia góp ý, chỉnh sửa, chú thích các từ ngữ mang tính địa phương cho chuẩn xác, bởi thực tế có sự khác nhau giữa ngôn ngữ Cơ Tu của địa phương với từ điển tiếng Cơ Tu do tỉnh xuất bản.
Những rào cản từ công tác sưu tầm văn học dân gian miền núi cho thấy có nhiều mảng trống, và không phải huyện nào cũng làm được như Nam Giang, Tây Giang. Ông Nguyễn Đình Quý, Phó Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh đánh giá: “Hội VH-NT có 2 chi hội văn học dân gian và văn học miền núi, nhưng chưa hoạt động hiệu quả. Lý do là các chi hội trên thiếu người đứng ra qui tụ các hạt nhân văn hóa văn nghệ có khả năng tại miền núi. Việc mở rộng phát triển hội viên cũng mới dừng lại ở tộc người Cơ Tu”. Quảng Nam thiếu những người có chuyên môn hẳn hoi về văn học dân gian, mà việc sưu tầm đánh giá phải vững vàng kiến thức chứ không thể “tay ngang” được. Làm công tác sưu tầm văn học dân gian là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, thiếu say mê là không làm được, mà bây giờ việc đó xem ra khó tìm. Vì thế có thể nói sưu tầm văn học dân gian chỉ dừng lại ở phạm vi hẹp, ít được quan tâm, làm riêng lẻ. Ở đây nổi lên trách nhiệm lẫn tâm huyết của người đứng đầu, phải thật sự yêu quý văn hóa dân tộc mình. Theo người viết, cấp tỉnh cần chú trọng mạnh hơn nữa, từ việc khuyến khích, chỉ đạo đến bố trí kinh phí hoạt động cho đội ngũ sưu tầm; tiến hành tập hợp, chỉnh lý, đánh giá, phân loại và nghiên cứu sâu rộng hơn; biên độ hoạt động cần phải chú trọng đến hầu hết các tộc người. Năm 2004, Sở VH-TT đã ra mắt cuốn Văn học dân gian miền núi, tuy nhiên vẫn chưa đầy đủ.
Lâu nay vẫn nghe nhiều lời thúc giục rằng: “Nhanh lên, người già có hiểu biết về truyền thống bản làng mình càng ngày càng ít đi”. Tại các huyện miền núi, khi tìm hiểu những vấn đề xa xưa, cán bộ thường nghe bà con nói: “Ôi chuyện đó chỉ mấy ông già biết thôi, nhưng… chết hết rồi”. Vậy nên, nếu chúng ta không nhanh chân thì có lẽ văn học dân gian miền núi cũng không là ngoại lệ buồn như trên.
TRUNG VIỆT