Từ năm 2014 trở lại đây, đàn yến ở Cù Lao Chàm (Hội An) giảm liên tục theo từng năm, có thời điểm số lượng chim yến giảm hơn một nửa, kích thước và khối lượng tổ yến cũng ngày càng giảm. Trong khi đó, công tác quản lý, phát triển quần thể chim yến tổ trắng tại quần đảo Cù Lao Chàm gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Nhiều nguyên nhân
Theo Ban Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm Hội An, đàn yến chủ yếu lưu trú tại 11 hang, phân bố trên 3 đảo gồm hòn Khô, hòn Lao, hòn Tai. Thời điểm năm 2013, đàn yến tại đảo có thể đạt đến 3.000 con, nhưng đến năm 2020 tổng đàn giảm đến hơn 50%. Doanh thu từ khai thác yến Cù Lao Chàm năm 2021 ước khoảng 47 tỷ đồng, giảm đến hơn 50% so với năm 2011.
Hiện nay, toàn tỉnh có 266 cơ sở nuôi yến, tổng diện tích nhà nuôi yến khoảng 35.000m2. Trong khi đó, hiện tượng bắt, nhốt, làm thực phẩm, phóng sanh chim yến đang gia tăng; diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, dẫn đến thu hẹp vùng kiếm ăn của chim yến; tỷ lệ yến già, chim bay xa để tìm nguồn thức ăn dẫn đến mất nhiều sức lực, làm giảm khả năng sinh sản của yến đảo. Việc sử dụng công cụ thô sơ khi khai thác tổ yến đã ảnh hưởng đến trứng, chim non còn trong tổ.
Ngoài ra, ông Cao Văn Năm - Giám đốc Ban Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm Hội An cho rằng, biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt của gió bão mạnh cũng làm suy giảm số lượng và chất lượng đàn yến.
Nhiều hang đá, vách đá trên đảo trước đây đã từng có chim yến làm tổ nhưng hiện nay không còn, hay nhiều vách đá có thể cải tạo để phát triển thành hang yến mới, dẫn dụ chim yến vào làm tổ, phát triển thêm số hang yến, tăng quần thể đàn chim yến tại đảo chưa được quan tâm đúng mức.
Một nguyên nhân nữa, theo quy luật chung, yến sẽ tịnh tiến đến khu vực có nguồn thức ăn dồi dào, tỷ lệ trở về đảo cũng ít đi, đó là cơ chế tự điều hòa mật độ theo đặc tính sinh học của yến.
Cần giải pháp hữu hiệu
Từ thực trạng đàn yến ở Cù Lao Chàm liên tục giảm, TP.Hội An đã đưa ra nhiều giải pháp để phục hồi. Từ năm 2016 đến nay, các đề tài nghiên cứu về hiện trạng để tìm giải pháp phát triển bền vững đàn yến đảo, xây dựng các mô hình cứu hộ chim yến non, ấp nở và nuôi chim yến nhân tạo bước đầu đã phát huy hiệu quả.
Ban Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm đã dẫn dụ và phát triển được một hang yến mới tại Mũi Dứa, cứu hộ thành công 500 chim non rơi khỏi tổ; ấp nở đạt 80% chim non, tập bay và trả lại môi trường tự nhiên. Ban quản lý đã triển khai các giải pháp hạn chế rơi trứng, rơi tổ và rơi chim non trong mùa sinh sản, bảo vệ hang chim yến bằng các biện pháp hành chính và kỹ thuật...
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trước sự giảm mạnh về số lượng chim yến, sản lượng tổ cũng giảm sút, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường công tác bảo tồn và nghiên cứu giải pháp bảo vệ đàn yến Cù Lao Chàm.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc, nghiêm cứu để khôi phục đàn yến phát triển bền vững. Quan trọng là áp dụng công nghệ, sử dụng biện pháp khoa học để đàn yến trở lại đảo, đồng thời phải nâng được thương hiệu yến sào Cù Lao Chàm, đa dạng sản phẩm chế biến từ tổ yến.
Trước mắt, Sở NN&PTNT, Sở Khoa học - công nghệ và TP.Hội An phối hợp xây dựng, đề xuất chiến lược phù hợp trong đa dạng sản phẩm, đưa thương hiệu yến Cù Lao Chàm ngày càng phát triển.