“Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc” là chủ đề chính trong lễ phát động Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) lần thứ XVI được tổ chức vào sáng mai 21.3.
Công tác phối hợp thanh tra an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ thường xuyên được thực hiện. Ảnh: D.L |
Đảm bảo an toàn cháy nổ
Ông Võ Duy Thông - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Trong năm qua, nhiều hoạt động được tổ chức đã góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong đảm bảo ATVSLĐ-PCCN. Vì tầm quan trọng và tính cấp thiết của công tác này, các cơ quan, đơn vị, chủ sử dụng lao động (LĐ) và người LĐ cần phát huy ý thức trách nhiệm và tuân thủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN. Đây không chỉ hạn hẹp trong suy nghĩ mà phải trở thành hành động cụ thể. Điều đó giúp cho việc sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp và sức khỏe, tính mạng của mỗi người LĐ được đảm bảo an toàn”. Cũng theo ông Thông, mỗi đơn vị, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch thực hiện toàn diện, coi trọng đầu tư cho công tác ATVSLĐ-PCCN trên quan điểm “góp phần bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực, thực hiện tốt chiến lược con người”. Trong đó, doanh nghiệp cần đầu tư thỏa đáng cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc; gắn bảo hộ lao động với điều kiện của mỗi đơn vị, doanh nghiệp.
Khi ý thức phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được nâng cao cho cả người LĐ và người sử dụng LĐ, mỗi người sẽ hành động đúng và an toàn. Riêng trong năm 2013, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) & Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) đã tổ chức 29 lượt tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC cho 1.890 cán bộ, công nhân viên các cơ quan, đơn vị và đội viên đội PCCC ở cơ sở; triển khai 14 lượt tuyên truyền lưu động cho nhân dân các khu dân cư, bà con tiểu thương ở chợ, trung tâm thương mại. Bên cạnh đó, tổ chức 47 lượt huấn luyện nghiệp vụ PCCC và bổ sung nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở; kiểm tra, hướng dẫn ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC cho 969 cơ sở, xây dựng mới 18 đội PCCC cơ sở với 299 đội viên... Toàn tỉnh có 68 đơn vị sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, đã sử dụng 3 triệu kilogam thuốc nổ, hơn 1.700 kíp nổ, hơn 1 triệu mét dây nổ các loại. Trong năm, không có tai nạn nào liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp, chỉ có 7 trường hợp vi phạm đã bị xử lý. Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các đợt huấn luyện nghiệp vụ về bảo hộ LĐ, ATVSLĐ cho hàng nghìn cán bộ, người LĐ và chủ sử dụng LĐ; huấn luyện và cấp thẻ an toàn lao động (ATLĐ) cho 859 người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ...
Doanh nghiệp quan tâm
Trách nhiệm xây dựng văn hóa ATLĐ được mỗi doanh nghiệp vận dụng vào thực tế sản xuất tại doanh nghiệp theo nhiều cách khác nhau, nhưng đều hướng đến xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người LĐ. Ông Châu Ngọc Hòa - Giám đốc mỏ đá Vinaconex 25 (thuộc Công ty CP Vinaconex 25) cho biết: “Chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến đá nên nguy cơ tai nạn, bệnh nghề nghiệp rất cao. Vì thế, doanh nghiệp thường xuyên được kiểm tra bởi cơ quan chức năng và thực hiện tự kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn. Đối với người LĐ, chúng tôi trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ, thường xuyên tổ chức kiểm tra sức khỏe, phát hiện bệnh nghề nghiệp, làm sao để người LĐ yên tâm làm việc”. Nhiều doanh nghiệp cũng đã đầu tư kinh phí xây dựng các công trình cải thiện điều kiện làm việc như cảnh quan xanh - sạch - đẹp, nhà ăn, căng tin thoáng mát, sạch sẽ, nhà xưởng làm việc không khí trong lành. Mỗi năm, các doanh nghiệp đều tổ chức tự huấn luyện về ATVSLĐ cho người LĐ hoặc mời cơ quan chức năng đến huấn luyện. Có thể kể đến những đơn vị làm tốt, như Công ty TNHH liên doanh May Như Thành, Công ty CP Prime Đại Lộc, Viễn thông Quảng Nam...
Bên cạnh đó, nội quy, quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo ATVSLĐ-PCCN được doanh nghiệp xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế. Nhiều doanh nghiệp đã phân định rõ trách nhiệm về bảo hộ LĐ cho từng cấp quản lý, theo từng chức danh công việc, thậm chí có cả cán bộ chuyên trách về công tác này. Mạng lưới an toàn - vệ sinh viên được xây dựng, trong đó mỗi công nhân là một mắt xích quan trọng, đều có trách nhiệm đảm bảo ATVSLĐ-PCCN tại doanh nghiệp. Thực hiện tốt nội dung này, có thể kể đến các doanh nghiệp như Công ty TNHH Groz-Beckert Việt Nam, Công ty TNHH Tuấn Đạt, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam.
Điều đáng lưu ý, thời gian qua, các DN đã quan tâm thành lập đội PCCC cơ sở, được công an PCCC huấn luyện nghiệp vụ. Đội viên đội PCCC cơ sở là cán bộ, công nhân trực tiếp sản xuất, với hệ thống PCCN tại cơ sở được chú trọng đầu tư đạt yêu cầu. Những máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn được doanh nghiệp đưa đi kiểm định rồi mới đưa vào sử dụng. Phương tiện bảo vệ cá nhân, bồi dưỡng bằng hiện vật, chăm sóc sức khỏe cho người LĐ, chấp hành đúng giờ giấc làm việc, nghỉ ngơi, chế độ đối với LĐ nữ... cũng được doanh nghiệp quan tâm thực hiện đảm bảo.
DIỄM LỆ