Suy nghĩ đúng về sân chơi cho trẻ

THỤC ANH (thực hiện) 09/05/2014 08:49

Tháng quốc gia hành động vì trẻ em với chủ đề “Hành động vì một xã hội không có bạo lực, không xâm hại trẻ em” bắt đầu từ ngày 1.6. Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề “Tạo sân chơi trẻ em” trong chuyên mục “Trẻ em” hằng tháng.

Sân chơi cho trẻ em chủ yếu ở trường học. Ảnh: ANH TRÂM
Sân chơi cho trẻ em chủ yếu ở trường học. Ảnh: ANH TRÂM

Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: “Nhận thức đúng về khu vui chơi trẻ em”

Hình như lâu nay, tư duy về điểm hay khu vui chơi dành cho trẻ em chưa đúng lắm. Chúng ta không nên chỉ cho rằng đầu tư khu vui chơi cho trẻ em là phải trang bị các thiết chế đắt tiền, tốn kém. Nơi vui chơi giải trí dành cho trẻ em phải gắn với địa bàn dân cư, gần trẻ em và phù hợp với trẻ em. Một công viên nhỏ, một sân bóng, một phòng đọc sách hay các thiết chế đồ chơi được đặt trong trường học… sẽ là nơi vui chơi trẻ em, tuy nhiên, các hạng mục đó phải được quản lý chặt chẽ, thực sự dành cho trẻ em và có người tổ chức hướng dẫn. Cần có một cuộc khảo sát thực trạng vui chơi giải trí, cũng như các điều kiện phục vụ vui chơi giải trí trẻ em trên địa bàn tỉnh, để nắm bắt tình hình, từ đó đề ra các giải pháp, giao trách nhiệm cụ thể để tổ chức, quản lý tốt việc vui chơi của trẻ em. Thế nên tôi cho rằng, để có được nơi vui chơi giải trí cho trẻ em, nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo sân chơi lành mạnh, thân thiện cho trẻ em có điều kiện phát triển toàn diện cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành, và chính quyền địa phương.

Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL: “Xây dựng thiết chế văn hóa hướng đến phục vụ trẻ em”

Một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã dành ngân sách hoặc kêu gọi xã hội hóa xây dựng các điểm vui chơi (chủ yếu trong trường học). Đến năm 2013 có khoảng 65% các trường mẫu giáo có các thiết chế hoặc khu vui chơi trong sân trường, có 5/18 huyện, thành phố có khu văn hóa, vui chơi cho trẻ em, chiếm tỷ lệ 27,8%. Trong đó, có 2 khu vui chơi lớn dành cho thiếu nhi (TP.Tam Kỳ và Hội An). Toàn tỉnh hiện nay có 36/244 xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi cho trẻ em tại cộng đồng tương đối hoàn chỉnh, chiếm tỷ lệ 15%. Gần đây, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương các cấp đã có nhiều nỗ lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa tại cơ sở (theo Tiêu chí 6) trong đó có lồng ghép đầu tư ưu tiên các thiết chế vui chơi giải trí cho trẻ em.

Phải thừa nhận rằng, các vấn đề về xây dựng các thiết chế văn hóa nói chung và các khu vui chơi, giải trí cho trẻ em còn bỏ ngỏ. Theo điều tra mới đây của Sở VH-TT&DL, hiện nay, có 176/244 xã đã bố trí đất làm hội trường đa năng, 161/244 xã bố trí đất xây dựng sân bóng đá đạt chuẩn từ 10.800m2 trở lên cho người dân nói chung và trẻ em nói riêng. Các trang thiết bị văn hóa khu vui chơi, dụng cụ tập luyện thể thao và các loại bàn ghế, tủ tài liệu, ấn phẩm văn hóa.... dù được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế. Một số địa phương không quy hoạch, bố trí quỹ đất thuận lợi để xây dựng các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em tại cộng đồng; các điểm vui chơi trẻ em hiện nay chủ yếu là tại các trường học gắn với việc đào tạo văn hóa cho học sinh…nên dẫn tới hiện tượng các em tập trung vui chơi giải trí bên ngoài trường học như: chơi games, điện tử, internet hoặc các trò chơi không lành mạnh, không có sự quản lý chặt chẽ, đang là vấn đề bức xúc ở một số gia đình và các địa phương. Ở đồng bằng, thành thị cũng có một số các điểm vui chơi giải trí nhưng có tổ chức bán vé, thu phí nên ít thu hút được trẻ em nhất là trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn càng không có điều kiện để tham gia. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng đề án phát triển các trung tâm văn hóa - thể thao xã phường, thị trấn trên địa bàn Quảng Nam từ 2014 đến 2020, chúng tôi đưa ra các mục tiêu xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ văn hóa, văn nghệ quần chúng, thành lập câu lạc bộ theo sở thích… để phục vụ đối tượng là người dân mà lấy giới trẻ là trung tâm. Đề án đang trong quá trình hoàn thiện để trình UBND, HĐND tỉnh phê duyệt. Hy vọng đến lúc đó, tạo sân chơi cho trẻ sẽ không còn là bài toán khó đối với các cấp, ban ngành.

Chị Nguyễn Thị Thanh – Trưởng ban Thanh thiếu nhi – Trường học (Tỉnh đoàn Quảng Nam): “Cần sự phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan”

Thật sự mà nói, Ban thanh thiếu nhi - trường học (TTN-TH) của Tỉnh đoàn phụ trách công tác Đội Thiếu niên nhi đồng, sinh hoạt hè là chính. Mỗi năm, khi Trung ương Đoàn đưa ra chủ đề năm học, chúng tôi có nhiệm vụ triển khai xuống cơ sở. Ngoài ra, Tỉnh đoàn phối hợp với một số Sở như GD-ĐT, VH-TT&DL, KH-CN… tổ chức các cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng”, “Hội tin học trẻ”, “Đêm hội trăng rằm”… hay phối hợp với Ban Tuyên giáo (Tỉnh ủy) tổ chức “Học  kỳ trong quân đội”…. Đến hè, chúng tôi tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo hè. Đến nay, chỉ có TP.Tam Kỳ và Hội An là có nhà thiếu nhi phục vụ vui chơi, giải trí của các em, còn các huyện còn lại vẫn chưa có. Cả hai nhà thiếu nhi này gần như không nằm trong quản lý của Tỉnh đoàn nên rất khó khi nói đến vai trò của chúng tôi trong việc tạo sân chơi cho trẻ, ngoài ba tháng hè. Ngoài ra, sự phối hợp của một số cơ quan ban ngành với Tỉnh đoàn trong công tác chăm sóc trẻ em nói chung và tạo sân cho trẻ vẫn còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ. Thế nên, vấn đề tạo sân chơi cho trẻ cần có sự bắt tay chặt chẽ hơn giữa những cơ quan liên quan để giúp các em tránh rơi vào tệ nạn xã hội mà xuất phát từ việc thiếu sân chơi cho trẻ.

THỤC ANH (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Suy nghĩ đúng về sân chơi cho trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO