Mười lăm năm trước, UNESCO trao bằng công nhận Di sản thế giới cho Mỹ Sơn và Hội An. Tôi còn nhớ ngày đó, trong cơn mưa như trút nước, những người dân của Hội An và Duy Xuyên vẫn lặn lội đến dự lễ vinh danh. Điều gợi lên suy tư ngày ấy là Hội An, Mỹ Sơn được tôn xưng là “Di sản nhân loại” đang đứng giữa đường câu chuyện làm thế nào giữ được những giá trị của mình trong hoàn cảnh phải chống chọi với sự tàn phá của thời gian và thiên tai. Cho đến bây giờ, giống như câu chuyện của đời Thúy Kiều, 15 năm trải bao câu chuyện với cung bậc thăng trầm, Hội An thể hiện sự vươn lên rất khác biệt, đời sống người dân đã khá lên trên nền các hoạt động khai thác và phát huy những giá trị di sản để làm du lịch. Mỹ Sơn thì khiêm tốn hơn, nhưng đã có những động thái trong việc trùng tu di sản, và bước đầu đã có những thu nhập cho ngành du lịch. Song, xét dưới góc độ kinh tế di sản còn có điều phải ngẫm nghĩ.
Theo các nhà nghiên cứu, có năm tiêu chí chính được đề cập khi đo đếm vấn đề ảnh hưởng kinh tế của bảo tồn di sản. Đó là việc giải quyết công ăn việc làm và thu nhập cho các hộ dân trong vùng có di sản; giá trị giải trí của một di sản ở trung tâm thành phố; giá trị từ du lịch; giá trị của bất động sản trong dài hạn; lợi ích cho các doanh nghiệp nhỏ phục vụ di sản. Với hệ thống tiêu chí đó, rõ ràng ở Quảng Nam chưa thế đáp ứng trọn vẹn yêu cầu tăng trưởng đồng bộ và bền vững đối với các địa phương có Di sản thế giới. Du lịch tăng lượt khách và doanh số, song về chất vẫn còn những “lệch pha” cần chấn chỉnh, và phần lớn chỉ chú trọng lợi nhuận của doanh nghiệp làm du lịch chứ chưa quan tâm đầy đủ lợi ích của chủ nhân di sản. Chúng ta hay nói về sự “vô giá” của giá trị di sản nhưng người dân chưa thấu triệt vấn đề này. Ngay ở Hội An – “một di sản sống”, hằng ngày ở đó có nỗi lo cơm áo gạo tiền của dân sinh. Có đoạn ồ ạt nhảy ra “khai thác” làm phố bỗng giăng đầy những shop hàng vải, tiệm ăn, nhà hàng… Câu nói của bà Hồ Thị Thanh Lâm, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, rằng đừng biến Hội An thành siêu thị có tính cảnh báo thì bây giờ câu chuyện đang diễn ra với nguy cơ như thế. Ở phía đối diện, Mỹ Sơn chưa tìm được đường ra cho con đường làm dịch vụ. Vài cơ sở làm du lịch cộng đồng chưa tạo ra triển vọng phát triển cho kinh tế người dân ở vùng tiệm cận Mỹ Sơn đúng như tầm mức mong muốn.
Được công nhận danh hiệu di sản văn hóa thế giới là niềm vinh dự. Nhưng như các nhà nghiên cứu về kinh tế di sản chỉ khi định lượng được giá trị của một di sản, việc thuyết phục mọi người bảo tồn nó mới dễ dàng hơn. Trong một thời gian dài, những người bảo vệ di sản đã không củng cố cho lập luận của họ trên khía cạnh kinh tế, mà chỉ đơn giản khẳng định các giá trị tinh thần đó là “vô giá”. Ai cũng biết, không thể đo đếm giá trị của một tình yêu, những giá trị tinh thần và ảnh hưởng kinh tế của việc giữ lại một di sản rất có thể nhỏ bé hơn nhiều so với những giá trị giáo dục, thẩm mỹ, văn hóa, môi trường, xã hội... Nhưng nếu cư dân trên vùng di sản cảm thấy những gì đó chưa đem lại lợi ích trước mắt, nắm bắt được trong hiện hữu, thì việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản vẫn còn những cản ngại. Trong khi đó, áp lực của sự phát triển, nhất là việc bùng nổ của ngành kinh tế du lịch - dịch vụ đã tăng sức ép về quy mô, tăng nguy cơ suy thoái về môi trường sinh thái, nhân văn… ảnh hưởng đến di tích.
Nhân loại đã có từng biết nỗi đau của sự mất mát di sản vì không giải quyết hài hòa mục tiêu bảo tồn và phát triển. Kinh tế di sản là một câu chuyện cần luận bàn với người dân – chủ nhân của các di sản, cùng những cơ quan quản lý nhà nước về di tích lịch sử, văn hóa.
ĐĂNG QUANG