Xã Tà Lu (Đông Giang) chú trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, nổi bật có phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) gắn với nghề dệt thổ cẩm.
Chủ tịch UBND xã Tà Lu - ông Đa Lây Lực cho biết, địa phương không ngừng nỗ lực bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống thông qua quảng bá văn hóa, phục dựng lễ hội, liên hoan văn hóa - thể thao, tổ chức giao lưu với đồng bào Cơ Tu trên địa bàn huyện Đông Giang.
Đáng chú ý, thôn Aréh Đhrôồng được cấp có thẩm quyền lựa chọn thực hiện phát triển DLCĐ, theo phương châm phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, các chính sách, cơ chế hỗ trợ và hướng dẫn. Các hoạt động cụ thể do cộng đồng người dân ở thôn, xã bàn bạc dân chủ để quyết định và tổ chức thực hiện.
Giữ gìn bản sắc riêng và phục vụ du lịch, làng nghề dệt thổ cẩm Aréh Đhrồng được quan tâm hỗ trợ khôi phục và phát huy. Thông qua dự án của các tổ chức quốc tế như ILO, UNESCO và FIDR, đồng bào bước đầu được trang bị kiến thức chung về làm du lịch, nghiệp vụ đón tiếp, thành lập và vận hành Tổ hợp tác (THT) du lịch, Ban Quản lý làng du lịch cộng đồng.
Huyện Đông Giang còn đào tạo nhiều lớp nghề cho THT du lịch về kỹ năng quản lý, hoạt động của du lịch cộng đồng; mở nhiều lớp nâng cao tay nghề cho người lao động về dệt thổ cẩm, đan lát mây tre. Các tổ chức quốc tế cũng đã tư vấn về thiết kế mẫu theo nhu cầu thị trường; hướng dẫn chị em trong tổ dệt tiếp cận với các chất liệu, kỹ thuật để có khả năng làm ra được sản phẩm đẹp mắt và nhiều mẫu mã đẹp như khăn choàng, khăn trải bàn, túi, ví nam, nữ, hộp bút…
Hiện nay, xã Tà Lu có THT phát triển nghề dệt được thành lập tại thôn Aréh Đhrôồng, thành viên gồm hơn 30 phụ nữ tham gia. Chị em nào không nằm trong tổ tại xã cũng sẵn sàng học hỏi, phát triển nghề dệt tại nhà. Ngoài phục vụ tại chỗ, sản phẩm dệt thổ cẩm còn quảng bá và làm theo đơn đặt hàng ở nhiều nơi. Đặc biệt, du khách trong và ngoài nước đặt chân đến Aréh Đhrôồng sẽ được trải nghiệm các hoạt động du lịch ẩm thực, múa trống chiêng, mua sản phẩm dệt. Ước tính, thu nhập bình quân của tổ dệt đạt khoảng 131 triệu đồng/năm.
Về định hướng phát triển DLCĐ giai đoạn 2020 - 2025, ông Đa Lây Lực chia sẻ, địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Cơ Tu. Xã mong muốn cấp trên tiếp tục có cơ chế hỗ trợ một phần ngân sách chi cho các hoạt động liên quan, tạo thuận lợi cho tổ dệt duy trì sản xuất ổn định, yên tâm gắn bó với nghề, hướng đến sẽ thành lập hợp tác xã. Tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề dệt, may, lớp dạy nhạc cụ truyền thống; mở rộng nhà trưng bày sản phẩm, làm mới kho chứa trang thiết bị nhu yếu phẩm; nâng cấp và mở rộng nhà dệt thổ cẩm, nhà ăn cho tổ dịch vụ du lịch ẩm thực. Xã sẽ vận động nhân dân hiến đất làm bãi đỗ xe phục vụ du khách; tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, giúp chị em ổn định việc làm và có thu nhập chính từ du lịch dịch vụ đem lại.