Tá thổ

NGUYỄN ĐIỆN NAM 09/02/2015 08:26

Đã vào tiết lập xuân rồi, nhiều nơi trên xứ Quảng thấy bày biện mâm lễ cúng đất. Xóm cúng xóm, làng cúng làng, còn khối phố mới hình thành trên các khu đô thị mới cũng làm lễ cúng. Chung quanh lệ tục này gợi lên nhiều khía cạnh đáng nghĩ suy về văn hóa.

Ai cũng biết lễ cúng đất ở vùng phía nam Hoành Sơn (Đèo Ngang), thường mang tên gọi cúng tá thổ. Tá thổ là gì? Tá nghĩa là vay mượn, thổ là đất. Lễ tá thổ là lễ vay mượn đất đai của vong hồn người tiền trú, có công khai khẩn đất này. Lịch sử minh chứng câu chuyện khi người Việt vượt dải Hoành Sơn, rồi dần tiến vào phương Nam, thì đất  này vốn đã có chủ. Các phả chí tộc họ người Việt thường ghi lịch sử đất đến khai phá vốn hoang vu, đầy “sơn lam chướng khí”; nhưng thực ra, trước đó dân bản địa đã định cư lâu đời và mặc nhiên là chủ đất. Chủ đất ở đây không chỉ có nghĩa là “sở hữu chủ” về đất đai, mà còn là người nắm giữ các tri thức dân gian về sự thích nghi của con người trong điều kiện sinh thổ của vùng đất mới để sản xuất, sinh sống. Do đó, bài văn cúng thỉnh chư vị bổn xứ thành hoàng thổ địa, ngài đương cảnh thổ địa phước đức chánh thần tôn thần, đương niên thái tuế chí đức tôn thần, hành khiến hành binh tôn thần… Ngoài ra cũng thỉnh mời chư vị ma Chăm, ma chợ, ma mọi, ma rợ và vị thần mang tên Chủ Ngung man nương.

Tục truyền, Chủ Ngung man nương hay “Chủ Ngung đào lương bang” tên là Nguyễn Thị Thúc. Bà là người được vua cha gả cho người Thượng. Khi bà chết, nhà vua sắc phong thần, ban ân tứ được hưởng lộc ở đất phương Nam, lại truyền cho dân chúng hằng năm lo khói hương, cúng tế. Một số tư liệu nghiên cứu cho rằng, Chủ Ngung đào lương (với các tên gọi khác là Chúa Ngung man nương, Ngung man nương, Thiên Y A Na Diễn ngọc phi, bà Chúa Tiên, Chúa Xứ...) chính là hợp thân của nữ thần Mẹ xứ sở (Pônưga) trong tín ngưỡng mang sắc thái Chăm bản địa và tục thờ Mẫu trong tín ngưỡng của người Việt từ phương bắc vào. Thực hư của huyền sử là câu chuyện khó bàn rốt ráo, chỉ biết rằng, vùng đất được tạo lập khi cha ông người Việt tiến về phương nam, đã có chủ đất. Và, các bậc tiền nhân người Việt rất khôn khéo khi thể hiện cách ứng xử là xin “mượn đất’, “thuê đất” để định cư, lễ cúng đất hằng năm từ đó mà thành hình.

Lễ cúng đất, “tá thổ” của người Việt trên vùng đất xác lập từ thế kỷ 15 là phong tục đẹp, thể hiện lòng thành kính, hàm ơn của người đến sau với người chủ cũ tạo dựng đất đai để mình thừa hưởng. Lễ cúng tá thổ, vì thế phản ánh mối quan hệ giữa tự nhiên với con người, giữa người hiện tại và người tiền trú, với các bậc tiền nhân có công khai khẩn. Tâm linh người Việt vốn trọng ân đức, nghĩa tình, biểu hiện trong lễ tục này. Ngày nay qua bao biến thiên lịch sử, đất đai giờ đã có… “sổ đỏ” của con dân nước Việt nói chung, tuy nhiên lệ cúng đất vẫn còn được bà con xem trọng. Ở một số khu phố mới, lễ cúng này cũng được xem là dịp tất niên, trước kính cáo chư thần thổ địa, sau gặp mặt bà con khối phố để thắt chặt tình đoàn kết xóm giềng sau một năm bận bịu. Ý nghĩa đó rất đẹp, chỉ tiếc là một số nơi hơi lạm dụng bia bọt, rượu chè nên lễ “tá thổ” thành tá lả, tá hỏa tam tinh (!).

Một giá trị văn hóa tâm linh cần gìn giữ như nét phong tục đẹp với lối ứng xử đẹp. Xuân về từ trong tâm tưởng, với mong ước đất đai ngày một sinh chồi nẩy lộc, người người được sống yên vui, mạng vận thái đa, âm dương hài hòa, thân cung tráng kiện…

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tá thổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO