Trên Tiểu thuyết thứ bảy số 360 (ngày 10.5.1941), nhà văn Vũ Bằng đề cập câu chuyện ly dị vốn được xem là thời sự lúc đó. Tác giả của những áng văn mượt mà, tinh tế, đằm thắm như Thương nhớ mười hai, Món ngon Hà Nội, Miếng lạ miền Nam… lại viết về đề tài hiện thực xã hội kiểu như ly dị, hẳn có lý do riêng.
Minh họa: HIỂN TRÍ |
1. Lý do khiến nhà văn Vũ Bằng viết về mẩu chuyện ly dị có xuất phát điểm từ những thông tin đau lòng trên báo chí. “Không mấy ngày các báo ở đây không đăng truyện bỏ nhau: ly dị là việc cơm bữa, cái thiêng liêng ở trong sự hôn nhân không còn được trọng nữa, thành thử gia đình ở xã hội ta không được có một cái gì che chở cả. Âu đó cũng là một việc đáng phàn nàn” - Vũ Bằng viết trong “Một chữ bẻ làm đôi” vừa được NXB Phụ Nữ in lại trong cuốn “Văn hóa… gỡ”, tập hợp những tác phẩm mới phát hiện của ông.
Không chỉ phàn nàn, nhà văn Vũ Bằng dẫn thêm thông tin từ Tổng trưởng Bộ Tư pháp Pháp Bathélémy khẳng định hôn nhân “phải coi là một chuyện đứng đắn thiêng liêng”, để từ đó xem ly dị phải là “một chế độ đặc biệt”. Lúc đó, Thống chế Pháp Pétain cũng vừa ký ban bố đạo luật mới về việc ly dị gồm 5 điều. Trong đó, điều thứ 2 và thứ 4 rất “thú vị”: Vợ chồng mới lấy nhau 3 năm không thể ly dị, và những cuộc xử ly dị tòa không cho công chúng vào xem.
Tôi cho đó là 2 điều khoản “thú vị”, một phần do thực trạng ly dị đã ở mức “như cơm bữa” từ mấy mươi năm trước đến nay vẫn không hề thuyên giảm, thậm chí còn tăng thêm. Thậm chí, nếu đối chiếu với vụ ly hôn ngàn tỷ của vợ chồng doanh nhân cà phê Trung Nguyên đang được quan tâm đặc biệt từ vài ngày nay, xem ra điều 4 trong đạo luật do Thống chế Pétain ký đã… quá lỗi thời. Bởi dường như mọi khía cạnh trong vụ ly dị đã phơi bày hết trên không gian mạng, qua báo chí chính thống và mạng xã hội. Dự kiến phải đến cuối tuần này (ngày 1.3) Hội đồng xét xử mới chính thức tuyên án, nhưng thử tìm kiếm trên mạng mà xem, quá nhiều câu trích dẫn trong quá trình đương sự đối đáp trước tòa đã trở thành trend (xu hướng). “Tiền nhiều để làm gì?” là một thí dụ.
Giữa tuần này, lại có xu hướng mới gây chú ý vì có dính dáng đến vụ ly hôn ngàn tỷ vừa nhắc, dù dưới góc độ âm nhạc: ca sĩ, nhạc sĩ, nhà văn thế hệ 8X Hamlet Trương ra mắt ca khúc “Ly hôn”. Báo chí dẫn thông tin chia sẻ từ Hamlet Trương cho hay, với tác giả ca khúc, ly hôn luôn là vấn đề khá nhạy cảm, là góc khuất không ai mong muốn trong hôn nhân, có những đổ vỡ ngại nói đến… Vì vậy, biết là hơi mạo hiểm, Hamlet Trương vẫn muốn âm nhạc của mình “như viên thuốc chữa lành” hoặc những người có liên quan cảm thấy được an ủi.
Chưa rõ ca khúc mới về ly hôn có “an ủi” được người đồng cảnh ngộ nào không, nhưng rõ ràng cộng đồng mạng vừa tìm thấy diễn đàn mới để chia sẻ bởi Hamlet Trương gây ảnh hưởng nhất định đối với người hâm mộ trẻ. Trong 7 năm theo nghề viết lách, anh đã bán hơn nửa triệu bản, luôn có mặt trong bảng xếp hạng sách bán chạy của Hội sách TP.Hồ Chí Minh và một đôi lần tác phẩm được trích dẫn trong các đề thi bậc THPT ở TP.Hồ Chí Minh, Vĩnh Long.
Nếu như ở phiên tòa ngàn tỷ của vợ chồng doanh nhân cà phê từng bất ngờ vang lên mấy câu thơ của vị luật sư bào chữa “(…) Anh đi mua bán lời hay lỗ/ Có tính đời em trong vốn anh?”, thì trong ca khúc của Hamlet Trương cũng không thiếu những ca từ xao xuyến, bịn rịn. Ca rằng: “Ngồi xuống đây, uống với anh một lần nữa thôi/ Như ly giao bôi ngày xưa mình chung hướng đời/ Đành gửi lời, xin lỗi đến tất cả những người/ Ngày xưa đã từng chúc phúc cho em và tôi...”.
2. Lẽ dĩ nhiên, Truyện Kiều luôn được nhắc lại trong những câu chuyện hôn nhân, và nhà văn Vũ Bằng cũng không ngoại lệ. Ở “Một chữ bẻ làm đôi” mà chúng tôi đề cập ở phần đầu bài viết, Vũ Bằng dẫn hai câu Kiều (thứ 1.954 và 1.955): “Cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai/ Thẹn mình đá nát vàng phai”.
Trích dẫn này đúng với bản Truyện Kiều do Đào Duy Anh hiệu đính, có bản khác thì thay chữ “cắn răng” thành “nghiến răng”. Nhưng không sao cả, bởi tất cả đều đang nhắc đến một chữ: “đồng”. Vũ Bằng diễn giải thêm khi trích dẫn: “Ngày xưa Thúc Sinh gặp Kiều ở gác kinh, vĩnh biệt Kiều có câu rằng (Cắn răng bẻ một chữ đồng…). Ý nói rằng đôi trai gái phải biệt nhau, xa nhau (chứ đừng nói ly dị vội) thì đau khổ không bút nào tả được, chữ đồng là được mà phải bẻ làm hai là thẹn”.
Nhà văn Vũ Bằng đã mở rộng liên tưởng đến chuyện ly dị “như cơm bữa” khi dẫn câu thơ ở trường đoạn Thúy Kiều vừa bị Hoạn Thư lập mưu bắt cóc mang về, bắt đánh đàn hầu rượu, cho ra coi Quan Âm các với pháp danh Trạc Tuyền rồi Thúc Sinh lẻn đến an ủi. Lúc đó, chữ “đồng” đã bị bẻ làm đôi. Thực ra, Truyện Kiều không chỉ nhắc chữ ấy một lần. Da diết nhất, chữ “đồng” tạc, xuất hiện ngay từ câu 452 – 453: “Tóc tơ căn vặn tấc lòng/ Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”.
Đọc Truyện Kiều, bản do Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim hiệu khảo, thấy chú giải thêm về chữ “đồng” tạc này, đó là “đồng tâm kết”, tức cái nút thắt bằng hai dải lụa, biểu hiện cái lòng kết hợp của hai vợ chồng. Ấy là lúc Thúy Kiều “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để thề nguyền cùng Kim Trọng, lúc ấy “vầng trăng vằng vặc giữa trời, đinh ninh hai miệng một lời song song”. Để rồi, thêm ngót 1.500 câu lục bát nữa, lao vào chốn bụi hồng, lúc đã bướm chán ong chường, thanh y một lượt, Kiều lại nghe nhắc đến chữ “đồng” và tiếc thay, chữ “đồng” ấy đã bẻ làm đôi.
Gần 80 năm trước, Vũ Bằng dẫn chữ “đồng” trong Truyện Kiều để than vãn về nỗi đau ly dị và “buồn rầu nhận ra cái đại nghĩa của những đại gia đình nước ta, ít lâu nay, đã gần như không còn”. Giờ đây, cũng Truyện Kiều, cũng chữ “đồng” được nhắc lại, xem ra nỗi đau ấy vẫn chưa vơi bớt…
HỨA XUYÊN HUỲNH