Tuần báo “Văn học” của Hội Nhà văn Việt Nam số 1, ra ngày 25/5/1958, tại Hà Nội đã đăng bài “Khẩu khí Phan Khôi” của nhà thơ trào phúng Tú Mỡ. Cả 80 dòng lục bát đều là những lời bịa đặt.
Đơn cử: “Văn Thân nổi ở Quảng Nam/ Phan Khôi chẳng nhẽ không tham dự vào/ Nhưng khi vỡ lỡ phong trào/ Các thân sĩ bị tống lao, tù đầy/ Lão tài ton hót chi đây?/ Nên Tây chỉ bắt vài ngày lại tha”. Đây có thể là những câu Tú Mỡ muốn nói về Phan Khôi từ sau vụ “xin xâu” nổ ra ở Quảng Nam năm 1908.
Sự thật nào có phải như thế! Chính bởi vụ này mà Phan Khôi bị chính quyền thực dân bắt tại Hà Nội, di lý về Quảng Nam, bị tòa kêu án 3 năm tù, giam ở nhà lao Hội An cùng với Trần Cao Vân, Huỳnh Thúc Kháng và Mai Dị, mãi đến năm 1911 mới được trả tự do. Lấy đâu ra cái chuyện Phan Khôi “ton hót” với lũ quan thầy nên “Tây chỉ bắt vài ngày lại tha”?
Hay như đoạn: “Đã cùng bè lũ bàn nhau/ Độp quân Nam tiến, phá cầu Chiêm Sơn/ Nhân dân khám phá mưu gian/ Kịp thời cứu được cả đoàn hỏa xa” cũng cần xem xét lại. Ở trên là đoạn Tú Mỡ nói về việc Phan Khôi tham gia phá cầu Chiêm Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam vào cuối năm 1946 để lấy vũ khí trang bị cho quân đội của Quốc Dân đảng, chống lại kháng chiến.
Chẳng cần biết chuyện này thực hay hư, chỉ biết là quãng đầu tháng 7/1946, Phan Khôi đã rời Quảng Nam ra Hà Nội theo lời mời của Bộ Nội vụ. Và, cũng theo lời ông trong bản “Kiểm thảo sơ bộ”, viết trong đợt chỉnh huấn cuối năm 1953 tại Việt Bắc thì ông đã đến Hà Nội vào ngày 6/7/1946. Ở mãi tận Hà Nội mà thò tay vào tháo cái bu-lông (boulon) trên tuyến đường sắt từ Quảng Nam chạy Sài Gòn? Họa Phan Khôi có là thánh cũng không chắc đã làm được việc đó.
“Hồi kháng chiến, lão thiết gì/ Chẳng qua “chạy loạn”, cốt đi qua thời/ Trong cơn lở đất long trời/ Lão theo Chính phủ, chây lười bám ăn”. Xem đó thì Phan Khôi lên Việt Bắc rồi đi với kháng chiến chỉ là để ăn bám. Có thật như thế không hay chỉ là chuyện tào lao?
Theo tôi biết, Phan Khôi không thể là kẻ ăn bám mà là người của công việc, làm việc cật lực. Dù là người thuộc biên chế của Ban Nghiên cứu ngôn ngữ văn tự nhưng ngoài công việc chuyên môn của mình ra, ông còn theo bộ đội đi chiến dịch; dịch thơ, dịch sách để phục vụ kháng chiến. Hỏi khối lượng công việc mà Phan Khôi đã làm được trong những năm ấy đã ai sánh bằng chưa mà bảo ông là “chây lười bám ăn”?
“Hòa bình về với nước non/ Phan Khôi theo đóm, chuyên môn ăn tàn”. Bảo Phan Khôi “theo đóm, chuyên môn ăn tàn” thì lẽ ra là Phan Khôi phải bám lấy Tố Hữu, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi chứ? Nhưng sao trong “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” Phan Khôi cứ nhè vào mấy người đó mà “oánh”? Thực và chính xác đến cái mức chẳng ông nào trong số đó cãi lại được một lời để gọi là có. Kẻ nào “theo đóm”, kẻ nào “ăn tàn”, chẳng nói ai người ta cũng biết hết cả rồi!