“Tuyển tập thơ họ Bùi Việt Nam” của Nhà xuất bản Hội nhà văn là món quà ý nghĩa được xuất bản dịp khánh thành nhà thờ tổ họ Bùi Việt Nam vào tháng 11 vừa qua. Tuyển tập gồm 38 tác giả, với hơn 100 bài thơ, trong đó có các nhà thơ nổi tiếng, đóng góp một phần không nhỏ cho sự nghiệp văn học nghệ thuật nước nhà.
Nhắc đến thi sĩ họ Bùi, hẳn nhiều người sẽ nhớ ngay đến Bùi Giáng (1926 - 1998), quê quán làng Vĩnh Trinh, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên. Ông là nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam nổi tiếng từ những năm 1960.
Riêng về thơ, Bùi Giáng đã tặng lại cho đời 17 tập thơ, lên tới hàng nghìn bài, nổi bật như: “Mưa nguồn”, “Lá hoa cồn”, “Màu hoa trên ngàn”, “Ngàn thu rớt hột”, “Thơ Bùi Giáng”...
Về sách dịch nổi tiếng phải kể đến cuốn “Hoàng tử bé” của Antoine de Saint-Exupéry. Nhiều tác phẩm của ông đã tạo cảm hứng để các nhạc sĩ sáng tác nên những ca khúc nổi tiếng như “Con mắt còn lại” (Trịnh Công Sơn). Bản dịch “Mùa thu chết” (thơ Apollinaire) của ông cũng được được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc cùng tên nổi tiếng.
Hai thi sĩ họ Bùi trứ danh là Hoàng Cầm và Quang Dũng. Nhà thơ Quang Dũng tên thật là Bùi Văn Diên (1921 -1988). Ông là nhà thơ, họa sĩ nổi tiếng sau cách mạng tháng Tám với một số bài thơ như: “Đôi mắt người Sơn Tây”, “Đôi bờ”, “Quán bên đường”... Trong đó, “Tây Tiến” được xem là thi phẩm để đời của Quang Dũng được đưa vào giáo trình giảng dạy Ngữ văn THPT.
Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt (1922 - 2010), quê xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1940, ông đỗ tú tài toàn phần tại Hà Nội và bước vào nghề văn, dịch sách.
Từ đó, ông lấy bút danh là tên một vị thuốc đắng trong thuốc bắc: Hoàng Cầm; cùng nhiều bút danh khác như: Bằng Việt, Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Phi. Tác phẩm nổi bật của ông gồm kịch thơ “Hận Nam Quan”, “Kiều Loan” và các bài thơ “Lá diêu bông”, “Bên kia sông Đuống”.
Trong đó, bài thơ “Bên kia sông Đuống” của ông thấm đẫm tình yêu quê hương với những câu xuất thần như: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp/... Những cô hàng xén răng đen/Cười như mùa thu tỏa nắng”. Hoàng Cầm được Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007.
Thời chống Mỹ có nhà thơ Bùi Văn Dung. Ông sinh năm 1941, quê xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhà thơ Bùi Văn Dung đến với thi ca như duyên trời định. Năm 1962, ông tình nguyện nhập ngũ rồi trở thành lính pháo binh.
Năm 1967, khi đang làm chính trị viên đại đội, ông được điều động vào miền Nam chiến đấu đến ngày thống nhất đất nước. Nhiều bài thơ của Bùi Văn Dung được phổ nhạc thành những ca khúc được thính giả yêu thích như “Gửi nắng cho em”, “Con kênh ta đào” (đều do nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc).
Ngoài ra, trong tuyển tập còn có nhiều nhà thơ họ Bùi khác, góp phần vào dòng chảy chung của thi ca dân tộc.