Canh giữ phù dung, canh giữ cái đẹp

LÊ TRÂM 11/03/2018 12:14

Trong sáng tác văn học, đề tài lịch sử chỉ dành cho những người đọc nhiều, hiểu rộng. Từ Nguyễn Huy Tưởng, Hà Ân… cho đến Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Vĩnh Quyền… đã để lại dấu ấn qua nhiều tác phẩm. Dựng lại không khí của một triều đại xa xôi với bao huyền sử, bao chuyện hư truyền, bao thăng trầm… là công việc không hề dễ dàng. Vì thế, đề tài lịch sử luôn kén chọn người viết. Cứ nghĩ, sau Võ Thị Hảo với tiểu thuyết Giàn thiêu có lẽ còn lâu mới có sự lặp lại về con đường đi của một tác giả nữ ở mảng này. Gần đây là Uông Triều với Đôi mắt Đông Hoàng, một số truyện của Nguyễn Thị Kim Hòa trong Con chim phụng cuối cùng. Vì thế sự xuất hiện của Nguyệt Chu với tập truyện ngắn lịch sử Người canh giữ phù dung (NXB Văn học, 2018) là một nét lạ của truyện ngắn những năm gần đây.

 Tập truyện “Người canh giữ phù dung”.
Tập truyện “Người canh giữ phù dung”.

Nguyệt Chu hướng về thân phận những người đàn bà, những người đẹp từng để dấu ấn trong lịch sử, góp phần làm nên lịch sử. Dưới ngòi bút Nguyệt Chu, họ là những đóa hoa lộng lẫy nhưng không kém phần bi thiết. Là những đóa ngọc lan, trà my, lan tuyết hay phù dung… trong thân phận của những Đặng Thị Huệ, Điểm Bích, Trần Thị Thái (mẹ của Nguyễn Du) hay Mỵ Châu… Có vẻ như thiên tính nữ đã làm cho người đàn bà viết truyện lịch sử mang đậm tính văn chương hơn thì phải(?). Danh tướng Cao Lỗ - người canh giữ phù dung - đã có những câu hỏi về cuộc hôn nhân Trọng Thủy - Mỵ Châu có một không hai trong lịch sử: “Cuộc hôn phối lịch sử có tiếp tục sinh ra nòi giống rồng tiên? Kẻ bắc người nam có tiếp tục là nàng Âu Cơ và chàng Sùng Lãm?” (tr.14). Nàng Mỵ Châu nào đâu có những ước mộng cao xa ngoài tình chồng vợ? “Thiếp chỉ là đàn bà. Thiếp không ôm giấc mộng đế vương” (tr.21). Và nàng đã chết khi chưa kịp hiểu gì! Một cái chết thật bi tráng. “Đường gươm sáng láng như những tia chớp. Máu phun xối xả như những đóa phù dung cháy đỏ bị vùi dập trong gió bão” (Người canh giữ phù dung).

Ngược lại, Đặng Thị Huệ thì lại muốn “can vào chính sự” như một lẽ sống của mình. Những âm mưu thâm độc qua lời xàm tấu đã hại thế tử Trịnh Tông cùng các tướng Nguyễn Khản, Nguyễn Khắc Tuân có phải chỉ để trả thù cho em mình là quận mã Đặng Lân? Cơn say khát quyền uy đã cuốn đóa ngọc lan trong trắng ngày nào vào những âm mưu, thủ đoạn để rồi cũng tan theo gió, chìm vào với bụi thời gian… (Bông ngọc lan phủ chúa). Đóa trà my - nàng Điểm Bích - một ngày bỗng dưng trở thành “phép thử” cho cuộc tìm về đất Phật của thiền sư Huyền Quang. Trần Anh Tông phán: “Người đàn bà như nàng có thể đánh thức cả những cõi lòng đã tắt lửa đam mê nơi cửa Phật… Nàng sẽ thử lửa với Phật” (tr. 49). Đi thử đạo hạnh một thiền sư là việc quá sức chịu đựng của nàng nhưng rồi phải nghe theo lệnh vua. Những lời đồn đại cũng như sự gian dối như muốn dìm chết người sắp về tới cõi Phật: “Ôi, sự hoài nghi thăm thẳm như vực sâu, có thể dồn đẩy người ta vào chỗ chết”… Truyện đẹp như một bài thơ thiền. Cái sợi tơ vò “lịch sử rối hơn mạng nhện” ( tr. 74) giăng mắc bao nhiêu điều khó nói về mối tình ngang trái Trần Cảnh với Lý Chiêu Hoàng. Đến bây giờ như vẫn còn lơ lửng những câu hỏi như những món nợ “Dòng họ ta nợ nàng một giang sơn, ta nợ nàng một ngôi báu. Nợ nàng trăm năm tình nghĩa vợ chồng” (Con nhện, tr. 71). Câu nói như những sợi tơ nhện thả lơ lửng vào cả trăm năm, cả ngàn năm, gieo vào lòng hậu thế bao nhiêu ám ảnh… Tập truyện còn viết về người con gái Sơn Tây tên Cầm và tướng quân Lưu Vĩnh Phúc, về người mẹ của Nguyễn Du và Nguyễn Ứng Long, về thái hậu Dương Vân Nga và Lê Hoàn… Tất cả đều là những bóng hồng từng tô những nét son đẹp đẽ lên sử Việt.

Khó thể chọn lời khác để thay nhận xét nhà văn Uông Triều về Người canh giữ phù dung: “Văn Nguyệt Chu là thứ văn ngọt và mềm, vì thế lịch sử qua đôi mắt và cảm quan nữ tính của người viết cũng mênh mang mơ hồ như một niềm bất tín vừa đủ về lịch sử”.

LÊ TRÂM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Canh giữ phù dung, canh giữ cái đẹp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO