Chờ đợi ở gương mặt văn trẻ đất Quảng

BẢO ANH 25/06/2022 07:21

Từ 17 đến 20.6, tại Đà Nẵng diễn ra Hội nghị Đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Trong số khoảng 100 tác giả trẻ của cả nước được mời dự hội nghị, Quảng Nam có 3 người: Nguyễn Thị Cẩm Giang, Pơloong Plênh và Nguyễn Thị Vân.

3 tác giả Quảng Nam dự Hội nghị Đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X (từ trái sang): Nguyễn Thị Cẩm Giang, Pơloong Plênh, Nguyễn Thị Vân. Ảnh: NVCC
3 tác giả Quảng Nam dự Hội nghị Đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X (từ trái sang): Nguyễn Thị Cẩm Giang, Pơloong Plênh, Nguyễn Thị Vân. Ảnh: NVCC

“Chân dung” 3 gương mặt trẻ

Trong 3 đại biểu của Quảng Nam, có hai tác giả đã là hội viên của Hội VHNT Quảng Nam: Nguyễn Thị Cẩm Giang là hội viên Chi hội Văn học, chuyên ngành văn xuôi; Pơloong Plênh là hội viên Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số - miền núi, chuyên ngành thơ. Riêng Nguyễn Thị Vân, một cây bút văn xuôi, “vẫn còn dạo chơi bên ngoài”.

Tuy nhiên, cả ba đều có điểm chung - đến với văn chương từ khá sớm và “đã có thành công ban đầu trong sáng tác văn học và có triển vọng phát triển trong tương lai”.

Với Nguyễn Thị Cẩm Giang, cô gái sinh năm 1990 tại Đại Lộc, con đường văn chương bắt đầu từ khi chị còn là sinh viên Trường Đại học Quảng Nam và được tiếp nối khi chị chọn làm việc tại Hội VHNT TP.Tam Kỳ. Tuy sáng tác chưa được nhiều, nhưng Cẩm Giang luôn có ý thức và nỗ lực “làm mới” mình.

Từ những lành hiền ban đầu, càng về sau này văn Cẩm Giang càng mạnh mẽ hơn khi chị dám khai thác và khai thác được những góc cạnh gai góc của cuộc sống; một số truyện ngắn của chị ít nhiều phản chiếu được tâm thức hậu hiện đại. Sau tập truyện ngắn “Cô gái vẽ linh hồn” (NXB Văn học 2015), chị viết có phần chậm lại, nhưng trong từng tác phẩm mới vẫn luôn ẩn giấu những thao thức, kiếm tìm.

Trong khi đó, Nguyễn Thị Vân, bút danh Ny An, sinh năm 1995, quê Thăng Bình, cũng bắt đầu hành trình văn chương từ môi trường học đường. Sau bước tập tành có phần “ngơ ngác” khi đang là học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thị Vân đã từng bước trưởng thành.

Truyện ngắn, tản văn của chị ngày càng già dặn hơn; mạnh dạn khai thác những đề tài “không phải là mối quan tâm phổ biến của người trẻ”, những góc khuất sâu thẳm khó nắm bắt trong tâm thức con người. Dù vậy, cái còn lại sau mỗi trang viết của chị vẫn luôn là những khát khao tươi sáng, nhiều tin yêu và hy vọng...

Tác giả người dân tộc thiểu số duy nhất của Quảng Nam được mời dự hội nghị văn trẻ lần này và là tác giả người dân tộc thiểu số đầu tiên của Quảng Nam trở thành đại biểu trong 10 kỳ hội nghị văn trẻ là Pơloong Plênh.

Không chỉ làm thơ, Ploong Plênh (bút danh Kalang, sinh năm 1986) còn viết tản văn, bút ký và sáng tác nhạc. Nhưng chàng trai người Cơ Tu của thôn Pơrning, xã Lăng, huyện Tây Giang này được bạn đọc biết đến nhiều nhất vẫn là với thơ.

Thơ Pơloong Plênh được chọn đăng trên nhiều tờ báo, tạp chí, trong một số tuyển tập và tất cả đều chân chất, sáng trong, mang đậm hơi thở thiên nhiên và bản sắc văn hóa tộc người Cơ Tu.

Gần đây, Pơloong Plênh có nhiều nỗ lực đổi mới trong cách viết, nhưng những đặc điểm ấy vẫn được anh gìn giữ: “Ta như con chim Jông thèm được vi vu/ Thèm bay vượt núi Aruung đến vùng đất mới hiền hòa/ Thèm mang những hạt mây nẩy mầm vùng đất hứa/ Gọi mùa xuân về dưới đôi cánh chao nghiêng” (Cánh chim rừng)...

Đợi chờ và hy vọng

Có thể nói, tiêu chí “đã có thành công ban đầu trong sáng tác văn học và có triển vọng phát triển trong tương lai” mà Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra để chọn lựa đại biểu dự hội nghị văn trẻ lần thứ X này vừa thể hiện sự ghi nhận, vừa là kỳ vọng, đợi chờ, đồng thời cũng là một “thách thức” đối với những người viết văn trẻ.

Rất khó để nói trước về con đường văn chương của mỗi người trong tương lai, bởi nó tùy thuộc rất nhiều vào nội lực và sự gắn kết của mỗi người sau này. Dù vậy, nhìn từ thực lực đội ngũ và sinh khí văn chương hiện nay của Việt Nam nói chung và của Quảng Nam nói riêng, “tiêu chí” ấy lại có tính động viên rất lớn.

Theo nhà văn Lê Trâm - Chi hội trưởng Chi hội Văn học Quảng Nam, được đi dự hội nghị văn trẻ toàn quốc là một vinh dự, một cơ hội hiếm có và quý giá; đó là bước đệm, là động lực để mỗi người tiếp tục bước đi trên con đường văn chương vốn chưa bao giờ bằng phẳng.

Ở Quảng Nam trước đây đã từng có một số người được đi dự hội nghị văn trẻ toàn quốc và họ đã trở thành những cây bút có tên tuổi, như Nguyễn Tam Mỹ, Phùng Tấn Đông, Đỗ Thượng Thế, Nguyễn Mậu Hùng Kiệt.

Một điều nữa, quan trọng không kém, “diễn đàn” văn chương này không chỉ tạo hứng khởi cho những người được dự hội nghị mà còn kích thích sáng tạo cho cộng đồng những người viết trẻ, thậm chí là cho cả những người viết... không còn trẻ nữa.

Thực tế cho thấy, sau mỗi “mùa” hội nghị văn trẻ, đời sống văn chương lại có thêm sinh khí, rộn ràng hơn. Một tác giả trẻ của Quảng Nam không phải là đại biểu dự hội nghị văn trẻ lần này, cho biết chị đã theo rất sát những chuyển động của hội nghị văn trẻ lần thứ X, từ khâu chuẩn bị đến cách thức lựa chọn đại biểu của ban tổ chức và tất nhiên là không bỏ qua diễn biến của hội nghị. Lý do: “Tôi nhìn thấy ở các bạn viết trẻ như mình một nguồn năng lượng rất tích cực và tôi cũng muốn tạo ra cho mình một thứ năng lượng như thế”.

Riêng tác giả trẻ - đại biểu chính thức Nguyễn Thị Cẩm Giang thì cho biết, chị đến với hội nghị này còn để học hỏi và chia sẻ. “Tôi rất vinh dự khi được tham dự hội nghị văn trẻ toàn quốc lần này. Đây là cơ hội để tôi được gặp gỡ, giao lưu với các bạn văn trẻ cả nước, từ đó rút kinh nghiệm cho bản thân, xây dựng thái độ nghiêm túc với từng trang viết và nuôi dưỡng niềm đam mê văn chương” - Cẩm Giang nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chờ đợi ở gương mặt văn trẻ đất Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO