Đạo diễn - NSND Trần Văn Thủy: "Không có người dân Quảng Nam, sẽ không có tôi bây giờ"

XUÂN KHÁNH 31/01/2016 09:33

Đó là một trong số những điều mà đạo diễn Trần Văn Thủy tâm sự với khán giả ở phòng chiếu phim của Trường Đại học Phan Châu Trinh (TP.Hội An) nhân buổi gặp gỡ đạo diễn Trần Văn Thủy: “Chuyện tử tế” - Hành trình 30 năm.

Đạo diễn - NSND Trần Văn Thủy. Ảnh: X.KHÁNH
Đạo diễn - NSND Trần Văn Thủy. Ảnh: X.KHÁNH

Đạo diễn Trần Văn Thủy vốn nổi tiếng ở dòng phim tài liệu, đặc biệt là các tác phẩm như “Hà Nội trong mắt ai”, “Phản bội” và đặc biệt là “Chuyện tử tế”. Ông sinh năm 1940, ở Nam Định. Năm 1946, chiến tranh Việt - Pháp bùng nổ, ông theo gia đình tản cư về Hải Hậu. Năm 1960, ông lên công tác ở Ty Văn hóa Lai Châu. Sau đó, ông được cho đi học lớp làm phim.

Đường đến với phim

Sau khi hoàn thành khóa học làm phim, ông được điều vào Ban Tuyên huấn khu 5 ở Quảng Nam. Xuất phát từ Hòa Bình, sau hơn 2 tháng trèo đèo lội suối, ông Thủy cùng đồng đội mới đến nơi. Trong trí nhớ của ông, đó là một vùng núi cao giáp ranh với Lào. Tại đây, ông trải qua một quãng thời gian vài tháng làm nương rẫy để tích thêm lương thực, cũng là chờ đợi “thời cơ” để quay phim. Nói thì gọn vậy, chứ hành trình đến với lớp học quay phim của ông lắm phần gian truân. Được “sếp” cho xuống Hà Nội để học, nhưng quãng đường xuất phát từ Lai Châu lắm gập ghềnh, lại đang đúng thời điểm máy bay Mỹ bắn phá liên tục. Vừa đi đường vòng, vừa cuốc bộ, rồi may mắn được quá giang xe. Nhưng khi ông đến lớp chiêu sinh, thì người ta đã thi tuyển cách đó... 2 tuần!

Định xé hết giấy tờ, rồi trở ngược Lai Châu, nhưng ông nghĩ, đâu đó cái ngõ ngách Hà Nội này, còn có chỗ bấu víu. Sau một tuần lang thang, ông đến Cục điện ảnh. Cơ may mở ra, ông được nhận học lớp quay phim. Song, họ cũng thẳng thắn, rằng ông không qua thi cử nên chỉ cho học thử, nếu tốt thì tiếp tục, ngược lại thì sẽ “trả” về Ty Văn hóa Lai Châu. Theo kế hoạch, lớp học sẽ bắt đầu từ tháng 8.1965 - 8.1967. Nhưng mới chỉ được nửa quãng đường, thì có lệnh khẩn của Ban Tổ chức Trung ương và Ban Thống nhất: điều động ngay 6 phóng viên quay phim vào chiến trường miền Nam. Đạo diễn Trần Văn Thủy được chọn, dù lúc ấy mới chỉ 2 lần được sờ vào cái máy quay phim.

Trong hành trình gian khổ vào Quảng Nam, ông mường tượng những bối cảnh, những góc máy... Ấy vậy mà khi đến nơi, suốt mấy tháng liền, ông chỉ có mỗi việc là... làm nương rẫy! Chiến trường tại Quảng Nam lúc này, “trận chiến” với cái đói, cái ăn, cái mặc, thuốc men cũng không kém phần quyết liệt. Sau đó, ông được xuống đồng bằng sớm hơn dự kiến. Và trong lần đầu hạ sơn ấy, trước dòng Thu Bồn (đoạn chảy qua Duy Xuyên), ông đã phác họa những thước phim đầu tay, mà sau này nó giúp ông đoạt giải Bồ Câu Bạc ở Liên hoan phim quốc tế Leipzig 1970, đó là phim tài liệu “Những người dân quê tôi”.

“Những người dân quê tôi”

Đạo diễn Trần Văn Thủy tâm sự, ban đầu, phim có tên là “Những người dân quê ta”. Nhưng sau khi quay xong, ông quyết định sửa tên phim. “Vì quãng thời gian ấy, tôi được người dân Quảng Nam cưu mang rất nhiều. Họ giúp tôi thoát khỏi cái chết từ địch, giúp tôi quay những thước phim đầu tay...”. “Những người dân quê tôi” lấy bối cảnh đời sống sinh hoạt lúc bấy giờ, chủ yếu là ở khu chợ Bàn Thạch. Trong đó, có cụ giáo Niên nhiều chữ nghĩa hay ngồi vẽ tranh. Lính Nam Hàn ập đến, cụ dịch truyền đơn ra chữ Hán. Bọn chúng biết, bèn giết cụ...

Đạo diễn - NSND Trần Văn Thủy ký tặng sách “Chuyện nghề của Thủy” cho người hâm mộ.
Đạo diễn - NSND Trần Văn Thủy ký tặng sách “Chuyện nghề của Thủy” cho người hâm mộ.

Người đưa đường dẫn lối, nhiều lần cứu nguy cho đạo diễn Thủy chính là nhà thơ Triều Phương, lúc đó ông gọi là anh Tý. Lần đầu xuống núi, ngủ cạnh chợ Bàn Thạch, pháo bắn tới tấp. Ai cũng lăn mình xuống đất, rồi chui xuống hầm. Còn đạo diễn Thủy thì vẫn nằm... trên võng. Ông Tý phải quát liên tục. Sau bận ấy, ông Tý thường đi theo để chỉ đường cho đạo diễn Thủy. Thế mà, cũng có lần ông suýt chết vì bom, pháo của định. Lách tránh địch, khi chạy lên núi Dựng, lúc dạt về đập Vĩnh Trinh, rồi qua xã Xuyên Thanh... Trong một lần quay ở cầu Chiêm Sơn, đạo diễn Thủy gặp một nhân vật, và chính nhân vật này là tác nhân chính mang đến thành công của bộ phim này: Cô gái Văn Thị Xoa - Xã đội trưởng Xuyên Châu, bây giờ là Anh hùng LLVTND (đang sống tại khối phố Mỹ Hòa, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên).  

“Lúc này tôi đang nhìn xuống nước, cắm cúi lội, một cặp chân trắng nõn nà hiện ra. Ngẩng mặt lên thì đó là một cô gái, duy nhất trong nhóm nam thanh niên. Khuôn mặt thanh tú, sống mũi thẳng, đôi mắt sáng trong..., tiếc là khuôn mặt chỉ còn một bên lành lặn mà sau này tôi mới biết, phần khuôn mặt bị hủy hoại là bởi đạn của địch. Trên vai vác cây súng. Tôi muốn làm một trường đoạn về Xoa”- đạo diễn Thủy nhớ lại. Tuy được giúp đỡ, nhưng lần đầu quay không thành vì ca nông của địch bắn tới. Ông Thủy bèn xin phép Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên, đưa Xoa xuống chợ Bàn Thạch để quay phim. Ba ngày trôi qua, chẳng có nổi một thước phim ra hồn! Thì ra, khi tách khỏi đồng đội, dòng Thu Bồn, bãi dâu... cô xã đội trưởng Xoa bỗng nhiên khô cứng; những năng nổ, hồn nhiên, chủ động, tự tin đều biến mất. Sau này, đạo diễn Thủy quyết định trở lại Xuyên Châu - địa bàn hoạt động của Xoa, để thực hiện trường đoạn về cô gái đặc biệt này.

Mậu Thân 1968, sau đận suýt chết trên đoạn sông Hoài thuộc địa phận phường Cẩm Nam (Hội An) bây giờ, đạo diễn Thủy nhận nhiệm vụ “cõng” phim ra ngoài Bắc. Hành trình này, càng cam go gấp mấy lần lúc ông quay phim. Bởi nếu để mất phim, coi như ông phải chịu cái nhìn “B quay” - mà hiểu nôm na bỏ chạy khỏi chiến trường đang chiến đấu! Chưa hết, khi đã ra Bắc rồi, ông rơi vào cảnh sống dở chết dở khi phim... không tráng được vì dùng chuẩn quay khác. May mà có “trùm” kỹ thuật in tráng Nguyễn Thế Đoàn ra tay, những cuốn phim ông Thủy quay mới dựng được. Bộ phim đã gây được tiếng vang ở lĩnh vực phim ảnh.

Chuyện tử tế

Tôi gặp ông vào một buổi sáng ở phố cổ Hội An, cách đây không lâu. Lang thang phố cổ, một già, một trẻ, ông nói tôi nghe chuyện tử tế. Đó cũng là chủ đề trong buổi gặp gỡ của ông với khán giả miền Trung tại Trường Đại học Phan Châu Trinh vào chiều hôm ấy. Té ra, lang thang phố cổ, buôn chuyện… tử tế cũng nhiều thú vị. Bởi ở đó, dễ dàng bắt gặp vài hình ảnh mà nó từng xuất hiện qua bộ phim tư liệu “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy đã nổi tiếng từ 30 năm trước. Và cho đến bây giờ, nó vẫn dồn dập hơi thở đương đại.

Ấy vậy mà khi mở đầu câu chuyện với mọi người, ông bảo rằng “tôi chả tử tế gì”. Ngày hôm trước, sau khi đáp chuyến bay xuống Đà Nẵng, ông đi ngay đến Duy Xuyên để tìm gặp người thân gia đình ông Tý - nhà thơ Triều Phương cũng như nhân vật trong “Những người dân quê tôi”. Khi ông hoàn thành bộ phim này, nhân vật của ông, những người giúp đỡ ông khi quay ở Quảng Nam, đều chết cả, chỉ còn 2 người là Anh hùng LLVTND Văn Thị Xoa và cô văn công tên Một. Nên khi gặp lại, ông trân quý phút giây hội ngộ. Riêng đối với gia đình nhà thơ Triều Phương, cách đây vài năm, ông quyết định giao những bức thư mà nhà thơ Triều Phương gửi ông cho con trai của nhà thơ cất giữ. Với ông, Quảng Nam như quê hương thứ 2 - nơi che chở ông những ngày gian khổ, đón ông về tìm ký ức ngày xưa. Cái cách ông tìm về, tử tế như chính cuốn phim nổi tiếng của đời ông. Tôi chợt nhớ lời bình trong bộ phim đó: “…Tất nhiên, chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, và chăm lo riêng cho bộ da của mình…”.

XUÂN KHÁNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đạo diễn - NSND Trần Văn Thủy: "Không có người dân Quảng Nam, sẽ không có tôi bây giờ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO